Kết cục bi thảm của băng cướp khét tiếng

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 4 5 6 78

Nhận án tử hình khi tóc đã nhuốm bạc, những tên cướp hung hãn ngày nào giờ già yếu, bệnh tật, không còn sức sống... Thế nhưng, với mong muốn được sống chúng vẫn làm đơn xin Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho mình dẫu biết rằng điều đó là không thể.

Chỉ trong vòng 5 năm từ 2000 – 2005, Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959, ngụ Tây Ninh) đã cấu kết với Lê Anh Kiệt (SN 1964, ngụ quận 8, TP.HCM) cùng đồng bọn gây ra 8 vụ án, cướp đi gần 1.000 lượng vàng, hơn 84 viên kim cương cùng nhiều ngoại tệ. Điều đáng nói về băng cướp này chính là sự manh động, liều lĩnh, sẵn sàng ra tay giết người để đạt mục đích.

Băng nhóm đầu bạc và hàng loạt vụ cướp tiệm vàng táo bạo

Sau một thời gian dài ẩn náu, che đậy thân phận dưới vỏ bọc lương thiện, Tiếm, Kiệt, Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957, ngụ Tây Ninh) và Phan Thanh Tưởng (SN 1973, ngụ Tây Ninh) đã sa lưới pháp luật khi đang rục rịch chuẩn bị gây án. Hai đối tượng khác từng tham gia trong nhiều vụ cướp là Nguyễn Đức Công (SN 1969) đã chết năm 2004 và Trần Hữu Lộc (SN 1973) chết năm 2003 do sốc ma túy.

Quen biết nhau từ khi cải tạo tại Trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước), sau khi mãn hạn tù, Tiếm đã cấu kết với Kiệt rủ rê, lôi kéo các đối tượng khác gây ra nhiều vụ cướp tài sản táo tợn. Thủ đoạn của băng nhóm này là theo dõi kỹ tình hình buôn bán, sinh hoạt của một số tiệm vàng trên địa bàn trong một thời gian dài.

Sau khi chọn được thời điểm thích hợp, chúng sẽ chuẩn bị súng ngắn, cây tầm vông, gậy sắt rồi chờ đến lúc chủ tiệm vàng vận chuyển tiền bạc, tài sản về nhà cất giữ thì sẽ ra tay. Dưới sự phân công chỉ đạo của Tiếm, Kiệt, bọn chúng ép sát xe của nạn nhân rồi ở cự ly thật ngắn, chúng dùng súng bắn hoặc dùng gậy tầm vông gây thương tích cho nạn nhân, để cướp tiền, vàng rồi tẩu thoát. Trong trường hợp nạn nhân tri hô hoặc người dân truy đuổi theo, chúng sẵn sàng nổ súng để mở đường thoát thân.

Kết cục bi thảm của băng cướp khét tiếng - 1

Từ trái qua: Các bị cáo Kiệt, Nhãn, Tiếm (ngồi) tại phiên tòa phúc thẩm.

Với cách thức đó, ngày 22/9/2000, Tiếm và Lộc với khẩu K59 và 3 viên đạn đã tấn công ông Đỗ Văn Xuân và vợ là Lê Thị Quận, chủ tiệm vàng K’Tân Tiến đang trên đường vận chuyển vàng từ chợ Long Hoa về nhà, cướp 45 lượng vàng 18K, 3 lượng vàng 24K và 5,5 triệu đồng. Giữa tháng 1/2001, Kiệt và Tiếm sử dụng súng K59 và 6 viên đạn cùng một số hung khí khác tấn công chủ tiệm vàng Phú Khìn ở chợ Tân Biên, Tây Ninh. Bọn chúng dùng gậy đánh bất tỉnh ông Lường A Khìn khi đang vận chuyển vàng từ chợ về nhà.

Tài sản bị mất gồm 63 lượng vàng 18K, 15 lượng vàng 24K. Ngày 7/11/2001, Tiếm, Kiệt, Lộc, Dũng với 2 khẩu K59 tấn công tiệm vàng Thanh Tâm tại chợ Củ Chi, bắn trọng thương nạn nhân rồi cướp đi 200 lượng vàng. Ngày 17/11/2003, Kiệt, Tiếm, Nhãn, Dũng tổ chức cướp tiệm vàng Bảo Hòa tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhưng không thành. Đây là lần duy nhất trong 8 vụ chúng không cướp được vàng.

Tại địa bàn Long An, khoảng 19h ngày 10/7/2003, Kiệt, Công sử dụng hai khẩu K59 tấn công tiệm vàng Kim Lộc ở chợ Gò Đen, Bến Lức khi chủ tiệm vàng là anh Quang Tuấn Kiệt đang chở vợ là chị Thu Hằng cùng với túi xách đựng vàng từ chợ về nhà. Bọn chúng đánh bất tỉnh vợ chồng nạn nhân rồi lấy đi 94 lượng vàng cùng 100 triệu đồng. Tiếp đến lúc 20h ngày 31/12/2003, Tiếm và tên Nhãn dùng súng bắn bị thương chị Nguyễn Thị Linh và chồng là anh Quang - chủ tiệm vàng Kim Quang tại Trảng Bàng, Tây Ninh, cướp 105 lượng vàng và 170 triệu đồng.

Đặc biệt là vụ án xảy ra vào ngày 2/1/2004, Kiệt, Tiếm, Nhãn, Tưởng dùng hai khẩu súng K59 tấn công chủ tiệm vàng Kim Thanh tại P.4, Q.8 bắn chết ông Doãn Mỹ (chủ tiệm) cướp đi 50 lượng vàng, 150 triệu đồng và 10.000USD. Vụ án thứ 8 xảy ra vào lúc 19h ngày 10/7/2005, các tên Kiệt, Tiếm, Nhãn, Dũng dùng 2 khẩu K59 và gậy sắt tấn công anh Từ Văn Minh và chị Võ Thị Thanh Mai - chủ tiệm vàng Từ Minh tại chợ Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Sau khi bắn 3 phát đạn nhưng đều bị lép, chúng dùng gậy sắt đánh vợ chồng nạn nhân ngất xỉu để cướp đi hai chiếc giỏ đựng 160 lượng vàng.

Kết cục bi thảm của băng cướp khét tiếng - 2

Tiệm vàng Kim Thanh ngày nay.

Sau khi thực hiện xong mỗi vụ cướp, chúng chia nhau tiền, lấy vàng khò ra chia nhỏ để bán, mua vàng lại hoặc mang đi tiêu thụ lẻ khắp các tỉnh thành. Để tránh tai mắt, chúng tách ra nhiều nơi sinh sống, dùng số tiền vàng có được vào việc ăn chơi, cá độ, đá gà, bài bạc và hút chích, làm ăn. Sau khi sử dụng hết số tiền vàng cướp được, thấy dư luận lắng xuống, chúng bắt đầu tiếp tục thực hiện “phi vụ” khác.

Khoảng 19h ngày 8/10/2011, sau 11 năm kể từ ngày gây ra vụ án đầu tiên, Kiệt, Tiếm và Nhãn hẹn gặp nhau tại quán cà phê Thu Hồng trên đường Lê Văn Lương, Q.7 để chuẩn bị cướp một tiệm vàng khác. Đúng lúc tên Kiệt rút khẩu K54 cùng 3 viên đạn đưa cho hai tên Tiếm và Nhãn thì bị các trinh sát ập vào khống chế.

Cái giá phải trả trước pháp luật

Ngày 23/5/2013, Toà sơ thẩm TAND TP.HCM đã tuyên phạt tử hình đối với Huỳnh Văn Tiếm về tội “Giết người”; tử hình về tội “Cướp tài sản”; 8 năm tù về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”; Lê Anh Kiệt bị tuyên án tử hình về tội “Giết người”; tử hình về tội “Cướp tài sản”; 10 năm tù về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”; Nguyễn Văn Nhãn bị tuyên tử hình về tội “Giết người”, 20 năm về tội “Cướp tài sản”, 8 năm về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Tổng hợp hình phạt cho cả 3 bị cáo là tử hình. Đồng phạm Phan Văn Tưởng (SN 1973, ngụ Tây Ninh) cũng lãnh án tù chung thân cùng về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Phạm tội “Cướp tài sản” và “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, bị cáo Đặng Văn Phước (SN 1951 tại Thoại Sơn – An Giang) cũng phải nhận mức án 15 năm tù giam.

Muốn sống, cả 3 bị cáo lãnh án tử hình là Tiếm, Kiệt và Nhãn đều đồng loạt làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Không còn vẻ ngạo nghễ, ngang tàng như ở phiên tòa sơ thẩm, trong phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Văn Tiếm tái xanh, mệt mỏi trong chiếc áo trắng nhàu nhĩ.

Chỉ mới 54 tuổi nhưng Tiếm nhìn như đã 70 với mái đầu nhuốm bạc. Chân đau nhức, Tiếm không thể đến tòa trên đôi chân của mình mà phải ngồi xe lăn. Gã bảo mình chỉ là người lái xe chở đồng bọn đi cướp chứ không hề bàn bạc, phân công hay lên kế hoạch. Tuy nhiên khi vị chủ tọa hỏi có mua súng, đạn và nhận phần tiền chia sau khi cướp hay không thì Tiếm lại xác nhận là có. Không còn gì để bao biện cho việc làm sai trái của mình, Tiếm dùng tuổi cao và sức khỏe yếu kém của hắn nhằm cầu xin sự thương hại của những người thực thi công lý.

Cũng giống như Tiếm, Nhãn cũng lấy căn bệnh AIDS mà gã đang mang trong người ra để xin HĐXX giảm án. Giọng run run, 2 tay khoanh lại ôm lấy thân thể gầy gò, ốm yếu của mình, Nhãn nói: “Bị cáo biết hành vi của mình sai trái. Bị cáo xin lỗi gia đình các bị hại. Nhiễm HIV, bị cáo chẳng còn bao nhiêu thời gian để sống. Nếu được HĐXX xem xét cho bị cáo có con đường trở về với xã hội, bị cáo hứa sẽ sống đàng hoàng và xin con cái tiền để khắc phục hậu quả”.

Không van xin cầu khẩn như đồng bọn, Lê Anh Kiệt – sát thủ máu lạnh dửng dưng đến lạ. Bình thản, lạnh lùng, gã trả lời rành mạch các câu hỏi của HĐXX. Khi vị chủ tọa cho phép Kiệt được nói lời sau cùng, gã bảo: “Bị cáo chẳng còn gì để nói”.

HĐXX nhận định, khi thực hiện các vụ cướp, Tiếm, Kiệt và đồng bọn đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người, để được sống trong sự sung sướng. Tội ác mà các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, kèm với nhân thân và tiền án trước kia chưa được xóa, lần phạm tội này là trường hợp tái phạm nguy hiểm... Với lý lẽ trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án tử hình đối với Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt và Nguyễn Văn Nhãn. Dường như biết trước mức án, 3 bị cáo lặng lẽ tra tay vào còng rồi bước ra xe đặc chủng về trại giam.

Không tham dự phiên tòa phúc thẩm xử tội băng cướp nhưng bà Nguyễn Thị Cẩm T. (vợ ông Doãn Mỹ, người bị giết hại) như trút được gánh nặng khi nghe các bị cáo lãnh án tử. Nỗi đau mất chồng, mất của và cả những tai tiếng mà băng cướp gây ra cho gia đình bà khó thể xoá nhòa. Gần 10 năm sau ngày bị cướp, người phụ nữ vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc chồng bà bị bắn. “Bọn cướp quá manh động và hung hãn. Ai ở trong cuộc mới có thể cảm giác được sự độc ác của băng cướp này. Nhờ có lực lượng công an bắt được băng cướp mà những uẩn ức, tai tiếng sau cái chết của chồng tôi mới được giải tỏa”.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 4 5 6 78

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyên (Dòng Đời)
Băng cướp tiệm vàng và kỳ án 10 năm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN