Hàng trăm người sập bẫy nhóm giả danh công an

Hàng trăm người bị mất tiền qua chiêu lừa giả danh công an yêu cầu “hợp tác điều tra”.

Cơ quan điều tra Công an quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết đã bắt giữ Hoàng Thanh Trung (35 tuổi, ngụ phường 12, quận Tân Bình) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.

Trước đó, ngày 19-2, Công an quận Tân Bình đã tạm giữ bốn đồng phạm của Trung gồm Trần Thị Hồng Phụng, Nguyễn Tấn Phúc, Trương Văn Giàu (cùng tạm trú quận Tân Phú) và Lê Thị Tố Chi (trú Định Quán, Đồng Nai).

Đe dọa nạn nhân để lừa

Ngày 14-2, công an nhận được đơn tố cáo của bà BTH (ngụ quận Tân Bình) về việc bị một người đàn ông gọi điện thoại đến xưng là cán bộ VKSND tỉnh Tây Ninh đang thụ lý một đường dây ma túy xuyên quốc gia. Quá trình điều tra xác định bà H. có trong đường dây ma túy trên với vai trò rửa tiền nên yêu cầu bà H. chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng ACB, Chi nhánh TP.HCM, người nhận Nguyễn Văn Đông để hợp tác điều tra. Nghe “cán bộ VKS” đọc đúng địa chỉ, tên tuổi, số CMND nên bà H. răm rắp nghe theo chuyển số tiền 400 triệu đồng theo yêu cầu.

Cùng ngày, bà NTP (ngụ phường 4, quận Tân Bình) trình báo mình bị lừa gần 300 triệu đồng khi chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng ACB theo yêu cầu hợp tác điều tra về việc bà P. có liên quan đến nhóm rửa tiền. Theo bà P. trình báo, đầu tiên có người gọi đến máy điện thoại bàn của nhà thông báo bà P. nợ hai tháng cước điện thoại cho một số thuê bao tại Hà Nội. Tiếp đó, một người xưng là trực ban Công an TP Hà Nội khẳng định chồng bà P. có liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn bán ma túy. Liền đó, một người khác xưng là phó trưởng Công an TP Hà Nội yêu cầu bà P. phải chuyển tiền vào tài khoản để xác minh, nếu không liên quan sẽ hoàn trả lại tiền. Bà P. đã chuyển gần 300 triệu đồng vào hai tài khoản Ngân hàng ACB mang tên Nguyễn Thị Bích Nhi và Trần Thị Mỹ Hoa.

Qua điều tra, sử dụng biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Tân Bình đã truy bắt nhóm của Trung. Đồng thời thu giữ nhiều điện thoại, SIM điện thoại, thẻ ngân hàng, giấy CMND giả…

Hàng trăm người sập bẫy nhóm giả danh công an - 1

Hoàng Thanh Trung (thứ hai từ trái) và các đồng phạm. (Ảnh do công an cung cấp)

Mua CMND giả mở tài khoản

Tại cơ quan điều tra, Trung khai làm nghề chạy xe ôm. Trong năm 2013, Trung có quen một người đàn ông tên Cường. Cường kêu Trung tìm thêm người làm công việc đơn giản mà được trả tiền cao. Trung tìm thêm Phúc, Chi, Phụng, Giàu cùng tham gia. Công việc của nhóm Trung là ra chợ An Đông và các khách sạn, nhà nghỉ mua lại giấy CMND (cả giả và thật) do khách bỏ lại hoặc đánh rơi.

Tiếp đó, các đối tượng bóc tách ảnh trên CMND rồi dán ảnh mình vào để đến ngân hàng mở tài khoản với số tiền 100.000 đồng/tài khoản. Các thẻ tài khoản ngân hàng được Trung gom lại rồi giao cho Cường. Cứ mỗi bộ tài khoản thì Cường trả công 1 triệu đồng. Riêng Trung thì Cường thưởng thêm 200.000 đồng/bộ và trả lương 5 triệu đồng/tháng. Nhóm Trung khai từ tháng 11-2013 đến lúc bị bắt đã mở cho Cường hơn 40 tài khoản.

Công an xác định trường hợp bà H. và bà P. bị lừa đảo, tiền chuyển vào tài khoản được lập từ CMND với tên của người khác nhưng dán ảnh của Phụng. Số tiền trên ngay khi chuyển vào ngân hàng thì được rút ra bởi một địa chỉ tại Đài Loan.

Trung thừa nhận có biết việc Cường nhờ mình làm CMND giả, mở tài khoản nhằm mục đích lừa đảo. Tuy nhiên, việc Cường lừa đảo ai, lừa như thế nào thì Trung không biết. Bốn đồng phạm của Trung thì khai chỉ giúp Trung mở tài khoản, trong tài khoản không có tiền, CMND không phải là của mình nên không sợ bị bắt. Hiện bốn đối tượng trên công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý tiếp theo.

Theo Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, trong thời gian qua, nhiều người tại TP.HCM và các tỉnh bị kẻ lừa đảo sử dụng thủ đoạn kỹ thuật cao lừa qua điện thoại chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Đầu tiên, chúng thông báo cho nạn nhân là nợ cước tiền điện thoại rồi đe dọa có liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn ma túy… để khủng bố tinh thần nạn nhân khiến nạn nhân rối trí phải gửi tiền vào tài khoản do đồng bọn chúng mở sẵn. Từ đây chúng dễ dàng chiếm đoạt tiền. Do đó, người dân cần cảnh giác khi nhận được điện thoại thông báo nợ cước, nợ tiền điện hoặc các dịch vụ khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ái Nhân (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN