Đám cưới bất thành, 10 năm sau kiện đòi quà

Sự kiện: Tin pháp luật

Theo tòa, đám cưới không diễn ra được như dự kiến không phải do lỗi của phía nhà gái nên việc nhà trai kiện đòi quà là không có cơ sở.

Vào đầu tháng 2-2007 (âm lịch), gia đình bà LTN và gia đình bà ĐTP tác hợp cho hai con trẻ tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Để ghi dấu sự kiện này, hai gia đình đã tổ chức cho đôi trẻ một buổi gặp mặt làm quen. Tại đây bà N. có tặng cho chị B. một chỉ vàng 24K và đưa cho bà P. 4 triệu đồng tiền chợ để phụ tổ chức buổi lễ.

Chuyện từ 10 năm trước

Sau đó hai bên tổ chức đám cho đồ (theo phong tục miền Nam gọi là đám nói - PV). Tại đám cho đồ này, bà N. đã tặng chị B. một số nữ trang gồm: Đôi bông một chỉ vàng 18K và 10 chỉ vàng 24K (gồm một sợi dây chuyền năm chỉ, một lắc tay năm chỉ). Ngoài ra, bà N. còn cho con dâu tương lai số tiền mặt 10 triệu đồng để phụ tổ chức lễ cưới. Sau khi hai bên nói chuyện thì đi đến thống nhất là dự định ngày 29-2-2007 (âm lịch) sẽ tổ chức lễ cưới.

Thế nhưng khoảng 10 ngày trước lễ cưới thì gia đình bà P. không đồng ý tổ chức vì cho rằng con trai bà N. là anh C. đã sống chung với người phụ nữ khác là chị M. và chị M. đã mang thai. Vì lý do này mà đám cưới không diễn ra như dự kiến của hai gia đình.

Một thời gian sau, chị B. đi lấy chồng khác. Riêng bà N. thì năm 2017 đã làm đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà P. và chị B. trả lại số tiền, vàng mà bà đã cho gồm tổng cộng: 11 chỉ vàng 24K, một đôi bông tai và 10 triệu đồng. Từ đó tòa thụ lý vụ án tranh chấp đòi tài sản. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bà N. thay đổi ý định, chỉ yêu cầu phía bị đơn trả lại 11 chỉ vàng 24K.

Phía bị đơn thống nhất nội dung trình bày của bà N. về trình tự mốc thời gian hai bên gặp gỡ và số tài sản gồm tiền, vàng đã được tặng cho. Về nguyên nhân hai bên “tan đàn xẻ nghé” thì phía bị đơn cho rằng sau đám nói chị B. gặp mặt và cô gái tên M. nói rằng giữa cô ấy và anh C. đã sống với nhau như vợ chồng và cô ta đang có thai ba tháng. Đến năm 2008 thì anh C. dẫn chị M. về nhà (lúc này chị M. đã sinh con) sinh sống nhưng được khoảng 20 ngày thì gia đình bà P. không cho ở. Sau đó hai người dắt nhau đi tìm nhà trọ ở gần chợ để sinh sống, được khoảng hai tháng thì đi đâu không rõ.

Đến ngày 9-7-2011, gia đình bà P. có bàn lại chuyện đám cưới theo như lời hứa của hai gia đình trước đó nhưng anh C. không đồng ý. Lúc này phía nguyên đơn nói số vàng đã cho chị B. thì coi như cho luôn vì đã coi chị B. như con gái trong nhà. Đến tháng 6-2012, gia đình bà P. tiếp tục nhắc đến chuyện đám cưới nhưng kết quả vẫn như lần trước là anh C. không chịu cưới.

Vài tháng sau anh C. bị bắt, sau đó bị tòa xét xử và phải chấp hành án chín tháng tù. Đến năm 2014, anh C. tiếp tục vi phạm pháp luật và phải ngồi tù lần hai cho đến tháng 8-2017 mới mãn hạn. Từ khi anh C. bị bắt lần hai thì gia đình bà P. không còn hy vọng chuyện đám cưới nữa. Vì những lý do như vậy, phía bị đơn không đồng ý trả lại 11 chỉ vàng 24K theo yêu cầu của bà N.

Đám cưới bất thành, 10 năm sau kiện đòi quà - 1

Nhà gái không có lỗi!

Tại phiên xử sơ thẩm, HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N. nên bà đã kháng cáo.

Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau nhận định việc đám cưới không diễn ra được như dự kiến không phải do lỗi của phía bị đơn. Bởi sau ngày đám nói thì chị B. phát hiện anh C. có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác, tòa có xác minh một số nhân chứng tại địa phương. Thời gian sau đó anh C. còn phải đi chấp hành án hai lần do hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo HĐXX, trong suốt thời gian khoảng 10 năm (từ năm 2007 đến 2017) chị B. chưa lấy chồng. Điều đó cho thấy chị có thiện chí chờ đợi anh C. và chờ đợi đám cưới. Phía gia đình bà N. không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh là trong khoảng thời gian trên vợ chồng bà và anh C. có yêu cầu tổ chức đám cưới mà bị chị B. từ chối. Ngoài ra, trong thời gian khoảng năm năm (từ tháng 2-2007 đến thời điểm anh C. chấp hành án lần thứ nhất là năm 2012) nếu như chị B. và gia đình từ chối tổ chức đám cưới thì tại sao anh C. và bà N. không khởi kiện ngay?

Vì vậy, theo HĐXX, sự việc chị B. và anh C. không kết hôn, không thành vợ chồng là không phải lỗi từ phía chị B . Theo quy định tại Điều 466 BLDS năm 2005 về tặng cho động sản thì hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản.

Như vậy, hợp đồng tặng cho động sản giữa vợ chồng bà N. với phía bị đơn phát sinh hiệu lực pháp luật từ khi chị B. nhận số nữ trang. Do đó việc bà N. khởi kiện đòi lại số tài sản này là không có căn cứ chấp nhận.

Tặng cho động sản

Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

(Trích Điều 466 BLDS) 

Chia tay đòi quà không được, người đàn ông cắn đứt tai bạn gái

Kết thúc cuộc tình, Thanh nhiều lần “đòi quà” đã tặng cho người yêu nhưng không được nên tìm đến nơi bạn gái làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Sơn ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN