Cuộc săn tìm kẻ giết người hàng loạt với thú vui quái đản: Sai lầm vì để lộ ADN

Hơn 30 năm gieo rắc nỗi sợ hãi khắp thành phố với những hành vi quái đản của mình, cuối cùng, tên giết người hàng loạt cũng sa lưới, chấm dứt chuỗi vụ án khiến các nhà điều tra “ăn không ngon ngủ không yên” suốt nhiều năm trời.

Các chuyên gia cho biết, con người có thể thay đổi họ tên, thay đổi màu tóc, màu mắt hoặc phẫu thuật thẩm mỹ một số đặc điểm nhận dạng khác. Tuy nhiên, có duy nhất một thứ không thể thay đổi được, đó chính là mẫu ADN của họ. Đó là lý do vô số sự thật tưởng chừng không bao giờ có thể làm sáng tỏ nhưng cuối cùng cũng đã được giải quyết. Loạt bài “Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN” sẽ phần nào hé lộ những câu chuyện kỳ lạ ấy.

Cuộc săn tìm kẻ giết người hàng loạt với thú vui quái đản: Sai lầm vì để lộ ADN - 1

10 nạn nhân đều đã bị hãm hại theo cùng một cách thức: trói, tra tấn rồi giết chết.

Tên sát nhân ngông cuồng

Một buổi chiều lạnh lẽo tháng 1/1974 tại thành phố Wichita, bang Kansas (Mỹ), cậu bé 15 tuổi Charlie Otero trở về nhà sau khi kết thúc ngày học. Vừa bước tới cổng, cậu đột nhiên cảm thấy có điều gì đó rất khác thường. Cửa gara mở toang, không thấy chiếc ô tô của gia đình đâu, mẹ cũng không ra cổng đón Charlie như mọi ngày. Vòng ra cửa sau, Charlie phát hiện chú chó Lucky bị trói chặt, nằm giẫy giụa trên tuyết.

Đột nhiên, Charlie nghe tiếng hét của hai người em ở trong phòng khách: "Anh Charlie, đến đây mau, bố mẹ có chuyện rồi!". Vội lao đến, Charlie sững sờ với một cảnh tượng hãi hùng trước mắt: cha mình - ông Joseph Otero nằm trên thảm, chân tay đều bị trói, cổ bị xiết chặt bởi một sợi dây. Trên giường, mẹ cậu - bà Julie Otero cũng trong tình trạng tương tự. Hai người đều đã tắt thở.

Dây điện thoại bị cắt, Charlie vội sang nhà hàng xóm gọi báo cảnh sát. Sau khi cảnh sát khám nghiệm hiện trường, nỗi đau của anh em Charlie càng nhân lên gấp bội khi biết rằng không chỉ bố mẹ mà cả hai đứa em khác là Joseph Otero II và Josephine Otero cũng bị hung thủ cướp đi mạng sống theo cách giống nhau.

Thời gian trôi qua, tên sát nhân vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Thậm chí, hắn còn tiếp tục ra tay sát hại thêm nhiều người khác. Danh sách nạn nhân cứ mỗi ngày một dài thêm. Ba tháng sau ngày 4 người trong gia đình Charlie bị giết, hung thủ tiếp tục ra tay với 6 nạn nhân khác từ năm 1977 đến năm 1991. Tất cả họ đều đi bị hãm hại theo cùng một cách thức. Cái tên "Kẻ giết người BTK" (viết tắt của "Bind" (trói), "Torture" (tra tấn) và "Kill" (giết chết)) xuất hiện khắp các hang cùng ngõ hẻm.

Cuộc săn tìm kẻ giết người hàng loạt với thú vui quái đản: Sai lầm vì để lộ ADN - 2

Cho tới bây giờ, Charlie Otero vẫn nhớ như in cảnh tượng cha mẹ và 2 em bị giết.

Trong giai đoạn này, khi chưa thể lần ra manh mối tên giết người hàng loạt, cảnh sát chỉ có thể khuyến cáo người dân không nên mở cửa cho người lạ mặt vào nhà, phối hợp với một số nhà xuất bản ấn hành sách hướng dẫn các biện pháp phòng thân để phát cho dân chúng. Cư dân thành phố Wichita không dám ra ngoài ban đêm còn doanh số bán ra của các cửa hàng bán thiết bị an ninh gia tăng đáng kể.

Điều đáng nói, như thể thách thức cảnh sát, "Kẻ giết người BTK" còn viết thư gửi cảnh sát miêu tả tỉ mỉ hiện trường vụ án và quá trình sát hại nạn nhân của mình. Cảnh sát thành phố Wichita tập trung cao độ truy tìm và đã bắt được một số nghi phạm, nhưng không có đủ chứng cứ để kết tội bất kỳ ai.

Cuộc săn tìm kẻ giết người hàng loạt với thú vui quái đản: Sai lầm vì để lộ ADN - 3

Kẻ giết người hàng loạt sa lưới sau hơn 30 năm gây ra vụ án mạng đầu tiên.

Sai lầm chết người

Dựa vào những thông tin ít ỏi thu được, cảnh sát nhận định hung thủ là người da trắng, cao khoảng 1,85m, cắt tóc ngắn, luôn chỉn chu, gọn gàng và hay mặc đồ sẫm màu. Hắn là một kẻ không ham tiền bạc bởi hắn chỉ lấy của nạn nhân một cái gì đó làm kỉ niệm như chiếc đồng hồ, chiếc bằng lái xe. Do đó, việc giết người khả năng là cách để thoả mãn những ý tưởng kỳ quặc của mình.

Thế rồi, bẵng đi 30 năm, tên sát nhân biến mất không dấu vết. Các nhà điều tra cho rằng có thể hắn đã chết hoặc đi tù vì liên quan đến một vụ án khác hay đã quá ốm yếu. Tuy nhiên, mọi nhận định đều sai lầm. Tháng 3/2004, "Kẻ giết người BTK" lại xuất hiện.

Năm đó, chuyên mục "Truy nã tội phạm nguy hiểm nhất nước Mỹ" của một kênh truyền hình đã liên hệ ghi hình Charlie cùng câu chuyện quá khứ cũng như những nỗi đau về tâm lí mà anh đã phải trải qua kể từ sau khi gia đình mình gặp thảm cảnh.

Sau khi câu chuyện của Charlie được phát đi, cảnh sát đã nhận được 9 bức thư cùng một số đồ trang sức của kẻ tự xưng là "Kẻ giết người BTK" gửi đến. Sau hơn 30 năm im lặng, một lần nữa hắn lại gieo rắc nỗi sợ hãi khắp thành phố. Người dân lại đổ đi mua các thiết bị an ninh.

Hắn liên tục thách thức cảnh sát bằng những bức thư công khai tội ác, tự "định vị" mình cho cảnh sát. Tuy nhiên, tên giết người quá ngông cuồng và không biết rằng lúc này, kĩ thuật hình sự đã có những bước đột phá lớn trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ. Hàng ngàn mẫu ADN được gửi đi giám định so sánh với mẫu ADN lấy được từ những bức thư "Kẻ giết người BTK" gửi cho cảnh sát.

Cuộc săn tìm kẻ giết người hàng loạt với thú vui quái đản: Sai lầm vì để lộ ADN - 4

Tên sát nhân bị chính con gái mình bí mật cung cấp mẫu máu cho cảnh sát xét nghiệm ADN.

Cuối cùng, sự nghi vấn dồn vào Dennis Rader, làm nghề giám sát việc thực hiện luật trong thành phố. Ngày 25/2/2005, Rader bị bắt sau khi chính con gái tên sát nhân - Kery Rader, 26 tuổi cung cấp mẫu máu cho cảnh sát.  Cô cho biết khi xem các chương trình về "Kẻ giết người BTK", Kery đã nghi ngờ chính cha mình.

Việc Rader bị bắt đã gây chấn động đối với gia đình, đồng nghiệp và những người quen biết. Trong mắt họ, Rader là một người cẩn thận, chăm chỉ, hay giúp đỡ người khác. Do làm nghề giám sát việc thực hiện luật trong thành phố, Rader thường xuyên tiếp xúc với dân chúng.

Các nhà điều tra cho biết Rader có vấn đề về tâm lý, việc giết người theo phương thức  trói - tra tấn - giết là để thoả mãn những ý tưởng kỳ quặc của mình từ những cuốn sách hắn đã đọc. Rader cũng rất kiên nhẫn, thường đi bộ quanh các khu vực gần nơi ở để tìm kiếm mục tiêu, sau đó lập kế hoạch gây tội ác.

Cuối cùng, trong sự chờ đợi của người dân suốt hơn 30 năm, Dennis Rader bị đưa ra xét xử nhưng không bị tử hình mà chỉ chịu mức án 175 năm tù giam. Dù vậy, việc bắt được "Kẻ giết người BTK" đã khiến người dân thở phào nhẹ nhõm vì trút được nỗi sợ hãi khi ra đường vào buổi tối hay về nhà sau giờ làm việc.

---------------------

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của loạt bài tiếp theo của loạt bài Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN vào 4h ngày 10/8/2018.

Sự thật về thi thể nữ công nhân mang thai bị ông chủ ướp xác suốt hơn 3 thập kỷ

Trong 3 thập kỷ, ngôi nhà từng qua tay nhiều đời chủ nhưng chiếc thùng chứa thi thể vẫn nằm yên dưới tầng hầm, chẳng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Anh (Theo Readers Digest, Biography, NY Times) ([Tên nguồn])
Bi kịch sau tờ giấy xét nghiệm ADN Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN