Cách thức điều hành đường dây buôn lậu vàng của bà trùm Mười Tường

Sự kiện: Tin nóng

Theo cơ quan điều tra, đường dây buôn lậu của bà trùm có tính chất chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, xảo quyệt, hoạt động nhiều năm trên tuyến biên giới.

Ngày 29-11, nguồn tin của PLO cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ban hành kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ qua VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) cùng 24 đồng phạm trong vụ buôn lậu 51kg vàng và vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.

Tổ chức vận chuyển tiền, buôn lậu vàng chặt chẽ

Theo kết quả điều tra bổ sung, sáng 30-10-2020, theo chỉ đạo của Hạnh, Phạm Tấn Lộc cùng Võ Văn Trung, Trần Văn Hải và các bị can khác thực hiện nhận tiền hàng trăm ngàn USD của các tiệm vàng Vân An, Kim Ngọc Mai và tổ chức vận chuyển qua Campuchia.

Bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh bị tòa xét xử trong một vụ án khác. Ảnh: HD

Bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh bị tòa xét xử trong một vụ án khác. Ảnh: HD

Đáng chú ý, rạng sáng cùng ngày, các bị can khác cũng thực hiện giao, nhận số tiền lên đến 3,2 triệu USD của tiệm vàng Trương Hưng để mua vàng lậu từ Campuchia về.

Tiền được gom về tập kết ở nhà Hạnh, Lộc và Lê Thị Bạch Vân tiến hành kiểm đếm số lượng USD của từng tiệm vàng rồi báo lại cho Phấn và Hạnh biết số lượng để Phấn đi thu tiền công vận chuyển của các tiệm vàng. Sau đó, Lộc, Vân, Hải, Trung, Nguyễn Hữu Phước mang tiền đến phủ thờ Nguyễn Mai của gia đình Hạnh.

Để tránh lẫn lộn, các tiệm vàng và cá nhân đều có ký hiệu nhận biết riêng như “Vh” - tiệm vàng Trương Hưng, “VI” - tiệm vàng Trương Liêm, “số 9” - tiệm vàng Vân An, “số 2” - tiệm vàng Kim Ngọc Mai, “KK” là ký hiệu của Trịnh Kim Ba và Dương Công Cường.

Khoảng 7 giờ 30 cùng ngày, Minh cùng Lộc, Hải, Phước dùng tắc ráng vận chuyển USD sang Campuchia giao cho ông Tuốt, bà Hía và bà Pha Na (người Campuchia). Sau khi giao tiền xong, Lộc ở lại Campuchia chờ nhận vàng.

Bà trùm khai chi 2 tỉ để chạy án

Quá trình điều tra bổ sung, Hạnh khai nhận trong quá trình trốn sang Campuchia do liên quan đến vụ án buôn lậu 51kg vàng, Hạnh đã liên lạc về gia đình, chi 2 tỉ đồng cho một số đối tượng để “chạy án”. Nội dung này không liên quan đến vụ án buôn lậu vàng nên Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục điều tra, xác minh nếu đủ căn cứ sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Hoàng Út, các đối tượng cố tình chạy tắc ráng tốc độ cao qua chốt để lực lượng liên ngành chặn bắt, kiểm tra nhằm thăm dò tình hình, chuẩn bị cho việc vận chuyển vàng lậu về Việt Nam. Lúc này, Út cũng ở khu vực biên giới canh đường.

Đến trưa, Út điều khiển tắc ráng đến khu vực cột mốc 263/2 gặp Lộc nhận ba bao vàng. Sau đó, Út điều khiển tắc ráng chạy đến cặp vào bờ sát đường Tuy Biên để Hải, Minh, Phước, Trung vận chuyển vàng lên xe. Lúc này, lực lượng công an phát hiện vây bắt được Hải cùng tang vật là gần 51kg vàng 99,99%). Sau đó, những người liên quan đã ra đầu thú.

Hoạt động xuyên suốt thời gian dài mà không bị phát hiện

Quá trình điều tra vụ án, Lộc khai báo thêm về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Cụ thể, trước ngày cơ quan công an bắt vụ 51 kg vàng khoảng 3-5 ngày, Lộc có nhận 200.000 USD từ tiệm vàng Trương Liêm đem sang Campuchia giao cho ông Tuốt. Còn Phấn có nhiệm vụ đến tiệm vàng Trương Liêm nhận 100 USD tiền công vận chuyển mang về đưa cho Hạnh.

Số vàng công an thu giữ được khi bắt quả tang. Ảnh: CACC

Số vàng công an thu giữ được khi bắt quả tang. Ảnh: CACC

Cơ quan CSĐT nhận định đây là đường dây buôn lậu có tính chất chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ, có nhiều đối tượng tham gia. Trong đó có cả các đối tượng người Campuchia, hoạt động xuyên suốt, liên tục nhiều năm liền trên tuyến biên giới, ngay cả thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng chưa bị cơ quan nào phát hiện, điều tra, xử lý.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, bí mật, xảo quyệt, qua nhiều trung gian, tầng nấc, có sự phân công vai trò cụ thể của từng đối tượng, sử dụng tiếng lóng khi giao dịch để đối phó với lực lượng chức năng.

Ở những khâu quan trọng như giao nhận USD, vàng với các tiệm vàng, các bị can chủ mưu, cầm đầu chỉ phân công cho các đối tượng trung thành. Các bị can là chủ tiệm vàng ít trực tiếp giao nhận, chủ yếu chỉ đạo nhân viên thực hiện.

CQĐT nhận định hành vi của các bị can đã trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương nên cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.

Về vai trò, CQĐT xác định Hạnh là chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển USD, vàng qua biên giới Việt Nam Campuchia cho các đối tượng buôn lậu.

Nguồn: [Link nguồn]

“Bà trùm” Mười Tường và những chiến tích bất hảo

Mở rộng điều tra vụ án vận chuyển trái phép 51 kg vàng 4 số 9 qua biên giới, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang bắt giữ Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Dương ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN