Thương nhớ sầu đâu

Có người triết lý rằng: ăn sầu đâu như chiêm nghiệm sự đời!

Chính cái đắng “phũ phàng” lúc đầu cùng vị ngọt thuần phác về sau của đọt và bông sầu đâu, tạo ấn tượng khó phai cho người thưởng thức. Có người còn triết lý: ăn sầu đâu như chiêm nghiệm sự đời!

Chuyến xe đò đêm Campuchia – rạng sáng Sài Gòn hôm ấy thêm bừng sáng, bởi cô bạn Khmer lai Việt ngồi cạnh ôm khư khư những bó nụ (guồng) sầu đâu, mang về khu chợ Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM, biếu người thân. Mắt cô gái đen bóng màu hạt nhãn và thoáng chút đượm buồn như tên bó hoa đang cầm.

Thương nhớ sầu đâu - 1

Sầu đâu không cô đơn! - Ảnh: Tạ Tri

Ở xứ sở chùa Tháp, cây sầu đâu mọc xen trong rừng lá thấp, rừng già, cả ngoài hàng rào nhà người dân. Còn ở ta, những vùng giáp giới tây nam bộ như An Giang, Đồng Tháp... cũng có. Do vậy, nếu nói đây là loại rau đặc sản miền tây, e rằng hơi... quá!

Khi trời lập đông, núi rừng mờ đặc hơi sương, cây sầu đâu bắt đầu rụng lá. Có cây trụi lũi còn trơ cành già, trông thật sầu thảm. Rồi từng đàn chim én về chao lượn, hoa mai hé nụ cười hàm tiếu với gió xuân, bỗng cây sầu đâu như trẻ lại. Nó đâm lún phún chồi non, màu tím biếc.

Thương nhớ sầu đâu - 2

Cá trèn xông khói “nặng nợ” với rau sầu đâu - Ảnh: Tạ Tri

Rõ khổ, trông cây thật “nhà quê” vậy mà vẫn có lúc sống... lãng mạn. Cái màu tím trinh nguyên gợi nhớ màu tím vàng son của cung đình Huế. Nghe đồng vọng từng bước chân mở cõi gian nan của cha ông ta thuở xưa. Thời đó, rừng thiêng nước độc nên bệnh sốt rét hoành hành kinh khủng.

Và rau sầu đâu như một vị cứu tinh! Xưa, đa phần người dân sống kham khổ, nên việc ăn chủ yếu cho qua bữa. Thế nên, các món rau đọt, bông sầu đâu khá đơn điệu, thường dùng ăn sống, nấu canh tạp tàng.

Nay, cái ăn khá đủ đầy, nên người ta chú trọng nhiều đến kiểu “ăn hương ăn hoa”, ăn thay thuốc. Vẫn bắt đầu với rau sầu đâu. Mùa này, cây còn chi chít những chùm nụ trắng xanh, tựa mấy bó hoa cải rừng. Dân mộ điệu gặp cảnh này, hạnh phúc khác nào nàng công chúa ngủ trong rừng - bị lời nguyền ác độc của mụ phù thủy – bỗng gặp chàng hoàng tử khôi ngô, tâm đầu ý hợp đặt nụ hôn lên môi “bỏ bùa”... yêu.

Thương nhớ sầu đâu - 3

Món cá điêu hồng ấp trứng vẫn cần đọt sầu đâu “che chở” - Ảnh: Tạ Tri

Như trầu với cau, cứ nhắc đến bông sầu đâu thì nhiều người nghĩ ngay đến con cá trèn xông khói hoặc phơi một nắng. Lấy cá nướng sơ hoặc chiên vừa vàng, xé nhỏ, đem trộn gỏi, lai rai cùng bạn hữu nghe “êm” (thật hợp) đến quên trời đất! (khu “chợ Miên” Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM, bán đủ đầy sản vật nước bạn, mùa nào thức nấy: cá trèn, cá tra biển Hồ, rau sầu đâu... )

Vẫn cần ít xoài hườm bằm nhuyễn, nửa chén nước mắm chua ngọt - phải vắt nước cốt chanh rừng (trái trúc, chanh Thái) mới thơm nức nở xóm làng. Thịt cá ngọt đậm xen chút cay cay của ớt, chua thơm dịu dàng từ chanh và chất đắng nghét của nụ hoa dại.

Đang nhai “ngon trớn”, người mới tập ăn phải khựng lại vài giây vì quá đắng - đắng đến tỉnh cả người. Chợt thấy người đối diện vẫn nhai chóp chép, còn mỉm cười lém lỉnh. Anh “tân binh” liền gồng mình nhai tiếp - giữ hơi lâu trong vòm miệng như thi gan cùng đắng cay - rồi mới nuốt nhanh. Nào ngờ, cảm giác ngòn ngọt tựa dư vị của cam thảo, liền trỗi dậy nơi vòm họng, rồi “sóng” dịch vị càng dâng trào, để hậu vị ngọt bùi kéo dài thêm ra. Quả là loại rau “khổ trước, sướng sau” có một không hai!

Vẫn còn nhiều món ngon dân dã khác rất cần đọt sầu đâu yểm trợ như canh xiêm - lo của người Khmer miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu hay nồi lẩu mắm cá lóc đồng rất cần chất đắng “lạnh lùng” để khử tanh, diệt tạp khuẩn nhằm tăng cảm giác ngon miệng và an toàn cho đường ruột.

Riêng thầy tôi lại thích kết hợp cái đắng “bộc trực” của sầu đâu với vị đắng thâm trầm của nấm tràm trong nồi cháo lươn đồng. Ông ôn tồn giải thích: đắng mà có hậu ngọt là chủ vị của một thực phẩm tốt. Cũng như một số rau, quả dại quí khác (rau đắng, khổ qua đèo) chúng chứa chất đắng trời cho giúp thức tỉnh những ai sớm nhận thức ra rằng, thuốc tốt mà rẻ tiền không ở đâu xa!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tạ Tri (ihay)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN