Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông

Nhu cầu cần tới sò khổng lồ cho thủ công mỹ nghệ và chạm khắc tăng cao trong thập kỷ qua là nguyên nhân khiến cho ngư dân Trung Quốc bất chấp rủi ro, tàn phá rạn san hô ở Biển Đông.

Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông - 1

Các rạn san hô ở Biển Đông là một trong những nơi ẩn chứa hệ sinh thái đa dạng nhất trên Trái đất.

25 năm trước, nhà sinh vật học Ed Gomez đang làm việc tại văn phòng ở Viện Khoa học Biển của Đại học Philippines thì nhận được cuộc điện thoại. Người phụ nữ ở đầu dây bên kia nói mình là trung gian và có một khách hàng muốn mua loài sò khổng lồ mà nhóm của ông đang nuôi dưỡng.

Gomez đã từ chối lời đề nghị này với lý do Cục Thủy sản không cho phép xuất khẩu sò khổng lồ. Kế hoạch của Gomez là tìm cách nuôi dưỡng chúng trong điều kiện nuôi nhốt, để các ngư dân Philippines có thể tăng thêm thu nhập bằng cách tự nuôi trồng và bán ra nước ngoài.

Vài tuần sau, hàng trăm con sò khổng lồ do viện nuôi dưỡng ở ngoài khơi bờ biển đã bị đánh cắp. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra nhưng thủ phạm không bao giờ được phát hiện.

Ở thời điểm đó, loài sò khổng lồ màu sắc sặc sỡ là mục tiêu đối với thị trường cá cảnh. Gomez tin rằng những con sò khổng lồ do viện nuôi dưỡng đã nằm lại bên trong bể cá cảnh.

Do đó, Gomez quyết định thay đổi kế hoạch. Viện chuyển từ nuôi dưỡng sò khổng lồ màu sắc sặc sỡ sang loài sò tai tượng (còn gọi là trai tai tượng, tên khoa học: Tridacna gigas).

Loài sò này trông khá đơn giản và không hấp dẫn với những nhà sưu tập. Nuôi dưỡng chúng là cách để nhóm nghiên cứu của Gomez giúp loài sò tai tượng gia tăng cá thể, tránh khỏi tuyệt chủng ở Biển Đông.

Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông - 2

Người tình nguyện sắp xếp lại sò tai tượng tại phòng thí nghiệm biển Bolinao.

Sò tai tượng có thể phát triển tới gần 1,2 mét chiều dài và nặng 227 kg. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sống ở vùng nước nông thuộc Biển Đông, cung cấp mái nhà cho rong biển, bọt biển, ốc sên và bảo vệ cho các loài cá con.

Loài sò này cũng đóng vai trò trong việc giúp lọc, làm sạch nước và các chất ô nhiễm nhờ việc ăn tảo và sinh vật phù du.

Cá thể sò khổng lồ đã suy giảm mạnh mẽ trong vòng vài thập kỷ qua và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Những năm 1970, chúng thường bị săn bắt để lấy thịt. Đến giai đoạn 1980, chúng trở thành mục tiêu của thị trường cá cảnh. Gần đây, một vấn đề mới xuất hiện là sò khổng lồ trở nên thịnh hành ở Trung Quốc, trở thành nguyên liệu cho ngành chạm khắc, làm đồ trang sức, đồ trang trí, biểu tượng cho sự giàu có và cũng được coi là bùa bảo vệ.

Trong khi đó, rạn san hô ở Biển Đông – một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên Trái đất đang bị tàn phá. Các rạn san hô biến mất cũng đồng nghĩa ngư trường đánh cá truyền thống của ngư dân cũng bị ảnh hưởng.

Trong tham vọng bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc đã cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp. Hồi tháng 7, Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết, tuyên bố hoạt động xây đảo của Trung Quốc đã vi phạm quy định quốc tế về bảo vệ môi trường biển.

Nhưng nạn săn bắt sò khổng lồ còn phá hủy rạn san hô mạnh mẽ và bừa bãi hơn so với xây đảo nhân tạo. Những kẻ săn trộm ít phải đối mặt với hậu quả và sự suy thoái môi trường ít được chú ý trên trường quốc tế.

Vết sẹo trên các rạn san hô

Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông - 3

Sò tai tượng ở Bolinao cần phải sắp xếp tách nhau để tránh thời tiết xấu.

Năm 2012, chính quyền Philippines phát hiện tàu cá Trung Quốc chở đầy san hô, cá mập sống, vỏ sò khổng lồ ở Bãi cạn Scarborough, cách bờ biển nước này khoảng 220 km.

Chính phủ Philippines liên hệ với Gomez và đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc lại cần nhiều vỏ sò khổng lồ đến vậy. Gomez không hề biết cho đến khi đến thăm cảng Tanmen, trên đảo Hải Nam.

Đặt chân đến cảng Tanmen, Gomez hoàn toàn sửng sốt khi phát hiện cửa hàng xếp nối nhau, chỉ bán vỏ sò khổng lồ và san hô. Số lượng cửa hàng nhiều đến mức có thể trải dài hơn 2 km.

Cuối cùng, Gomez hiểu rằng thị thường thủ công mỹ nghệ, chạm khắc sò khổng lồ ở Trung Quốc đã bùng nổ, và Biển Đông chính là tâm chấn.

Trong giai đoạn những năm 1990, các ngư dân trên đảo Hải Nam đánh bắt cá đến cạn kiệt ở vùng duyên hải. Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ bằng cách trợ cấp nhiên liệu, đóng tàu lớn hơn và tốt hơn để họ có thể tiến xa hơn 800 km, đến quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Zhang Hongzhou, đến từ trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, nhu cầu cần tới sò khổng lồ cho thủ công mỹ nghệ tăng cao bởi chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán ngà voi.

Việc khai thác sò khổng lồ cũng giúp ngư dân Trung Quốc ít gặp rắc rối với pháp luật hơn và do đó, họ có động lực và thị trường tiêu thụ cho loại hình này.

Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông - 4

Sò tai tượng đã được nuôi dưỡng tại đây khoảng 5 đến 6 năm.

Năm 2012, quan chức Philippines có chuyến thăm đến đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và chứng kiến cảnh tượng hãi hùng. “Toàn bộ ran san hô chìm trong làn khói”. Đó là khí thải xuất phát từ các động cơ diesel của tàu Trung Quốc, với phần cánh quạt chìm sâu dưới nước để phá hủy các rạn san hô, lấy vỏ sò khổng lò bám vào san hô.

John McManus, một nhà sinh học biển tại trường Rosenstiel thuộc Đại học Miami, người chuyên nghiên cứu về Biển Đông và mới có chuyến thăm đến đảo Thị Tứ nói: “Không còn bất cứ thứ gì sinh sống ở dưới đáy biển ngoại trừ hai loài rong biển. Việc đánh bắt sò khổng lồ đã tạo ra tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái, từ các rạn san hô nói chung cho đến các loài cá bơi qua”.

Giá trị kinh tế

Xét trên khía cạnh kinh tế, các rạn san hô đóng vai trò quan trọng nhất đối với hệ sinh thái trên Trái đất. Một hécta rạn san hô có giá trị tiềm năng tới 350.000 USD mỗi năm.

Rất ít các rạn san hô mang ý nghĩa tích cực và đa dạng như ở Biển Đông. Đây là khu vực vốn được coi là một phần của “Tam giác san hô”, nằm trong vùng biển nhiệt đới có môi trường sinh học đa dạng hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Sử dụng thống kê của Rudolf de Groot tại trung tâm nghiên cứu và Đại học Wageningen ở Hà Lan, Gomez ước tính tổn thất về mặt kinh tế lên tới 5,7 tỷ USD mỗi năm do sự phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông

Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông - 5

Tại cảng Tanmen ở Trung Quốc, nhiều cửa hàng bán các sản phẩm chạm khắc hoặc trang sức làm từ vỏ sò khổng lồ.

Rạn san hô bảo vệ và bổ sung các loài sinh vật biển trong khu vực. Các ấu trùng cá sinh sôi ở rạn san hô, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam theo các dòng chảy, đến phát triển ở các rạn san hô khác.

Rạn san hô là nơi cỏ biển phát triển, tạo môi trường sống cho rùa biển. Và đây cũng là nhà cho các loài cá, vốn là nguồn thực phẩm quan trọng đối với cá ngừ và các loài cá lớn hơn, chưa kể đến con người.

Gilbert Elefane, một ngư dân Philippines đã cảm thấy những tác động tiêu cực khi rạn san hô biến mất. Sản lượng khai thác hải sản giảm đáng kể, nhiều ngày trôi qua mà các hộp xốp trong thùng gỗ vẫn chưa được lấp đầy bởi cá tươi.

Nâng cao trách nhiệm

“Đa số người dân Trung Quốc không hiểu rõ những việc làm tàn phá môi trường ở Biển Đông”, ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Washington D.C, Mỹ cho biết.

Chính vì vậy mà những nỗ lực làm giảm nhu cầu tiêu thụ sò khổng lồ vẫn chưa đạt hiệu quả, ông McManus nói.

“Một người sở hữu các sản phẩm từ hổ hay voi có khả năng bị tẩy chay khỏi xã hội”, ông McManus giải thích. “Nhưng việc sở hữu sản phẩm từ một loài bị đe dọa như sò thường không liên quan đến sự kì thị như vậy”.

Lý do dân TQ "cố sống cố chết" săn sò khổng lồ Biển Đông - 6

Ngày nay, sò khổng lồ bị săn bắt đến mức đe dọa tuyệt chủng.

Mọi người không nhận thức được rằng sò khổng lồ cũng là một loài bị đe dọa, thậm chí rạn san hô còn bị con người phá hủy để thu hoạch chúng.

Đầu năm 2015, Bắc Kinh đã bắt đầu có những lập trường cứng rắn hơn đối với việc khai thác sò. “Một mặt, họ cố gắng ngăn chặn việc ngư dân đến khai thác sò ở Biển Đông. Mặt khác, họ cố gắng áp dụng biện pháp mang tính pháp lý đối với những người mua vỏ sò khổng lồ”, ông Zhang nói.

Hiện tại, các nhà sinh học biển và khoa học chính trị đang chờ xem liệu Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào sau phán quyết của PCA, rằng liệu họ đã nhận thức được việc ngư dân bắt trộm rùa biển, khai thác trái phép san hô và sò khổng lồ “trong quy mô đáng kể”. Bên cạnh đó, hành động xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc cũng vi phạm thỏa thuận môi trường quốc tế.

Trung Quốc thường bao biện việc xây đảo nhân tạo chỉ giới hạn tại các rạn san hô đã chết. Nhưng theo ông McManus, các bức ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất một rạn san hô chỉ bị tận diệt sau khi ngư dân Trung Quốc rời đi và đội xây dựng chuyển đến.

Ông Poiling hy vọng, phán quyết của PCA sẽ thúc đẩy Trung Quốc hợp tác hơn. “Đó là niềm hy vọng về lâu dài. Còn trong ngắn hoặc trung hạn, mọi thứ sẽ vẫn như vậy, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN