Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ...

Ngày xưa, cũng có thể là không xưa lắm, khi trà dư tửu hậu các cụ vẫn thường nói chuyện với nhau kiểu :"Thằng con tôi đi nước ngoài mới xách về cái này cái nọ. Hàng tây có khác bác ạ, chất lượng tốt hơn đồ của mình bao nhiêu lần …"

Ừ thì cái tâm lý sính đồ ngoại vốn là tâm lý chung rồi. Khổ nỗi không phải lúc nào cũng có người nhà ở nước ngoài về mà nhờ “xách tay” cái này cái nọ. Không có thì đành đi mua vậy. Có cung tất có cầu thế nên người người rao bán nhan nhản trên mạng và cũng người người tìm mua. Và hàng xách tay đã chẳng còn quá xa lạ.

Hàng xách tay? Ở đâu ra mà lắm thế ?

Những món hàng xách tay, nhất là những món hàng hiệu thực sự đắt tiền khi được hỏi đến nguồn gốc thì đều được cho hay : “Hàng này được cung cấp từ các tiếp viên hàng không. Họ ra nước ngoài thường xuyên, mua hàng từ những cửa hàng miễn thuế hay là đang trong thời kì khuyến mại nên về đây bán rẻ lắm. Chất lượng thì em khỏi phải lo”

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 1

Nhưng khi hỏi đến hóa đơn mua bán thì chẳng ai đưa ra được 1 tờ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa cả. Phải nói luôn dù là hàng khuyến mại, miễn thuế hay giảm giá thì bất kì thứ gì khi mua ở nước ngoài đều có hóa đơn chứng từ đàng hoàng cả. Mang thêm về cũng chẳng đến mức nặng nhọc lắm. Và đó lại là tình trạng chung của hầu hết những cửa hàng bán đồ xách tay dù lớn hay nhỏ.


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 2

Mua phải mỹ phẩm, thực phẩm nhái kém chất lượng thì không cả dám nghĩ đến hậu quả.

Cũng chẳng hiểu hàng xách tay ở đâu ra mà vừa lắm vừa rẻ thế. Nếu chỉ nói đơn giản là được các tiếp viên hàng không xách tay từ nước ngoài về hay thậm chí là các thương gia ship trực tiếp về thì tôi chẳng tin đâu. Thực sự tất cả có phải là hàng xách tay?

Rồi đến điện thoại di động và các mặt hàng hi-tech

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 3

Nói đến hàng xách tay thì phải nói đến đủ thứ. Những thứ khác vì không đủ sành sỏi nên tôi không dám lạm bàn. Riêng về điện thoại di động, do đặc thù công việc nên tôi cũng có chút hiểu biết đủ để tự tin để đi mua hàng xách tay chứ không phải là hàng chính hãng.

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 4

Dù lớn hay nhỏ, vẫn có không ít nơi bán hàng xách tay chất lượng rất đảm bảo - Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Anh em dân công nghệ thì ai cũng như ai: Lúc nào túi rủng rỉnh một chút là lại bắt đầu nghĩ đến cái chuyện lên đời điện thoại. Ai dư dả một chút thì mua hàng công ty, hàng xách tay. Ai khó khăn hơn thì nghĩ đến việc giao lưu hay mua lại đồ second hand. Dù thế nào đi chăng nữa thì trang bị cho mình những kiến thức căn bản về các loại điện thoại di động đang trôi nổi trên thị trường là điều cần thiết. Vì thế nên tôi cũng xin phép đi từ những cái căn bản nhất với những loại điện thoại di động đang lưu hành trên thị trường.

- Hàng chính hãng: Nôm na là hàng được nhập khẩu, phân phối chính thức từ hãng đến các công ty tại Việt Nam như Fpt, Bristar,CMC ... được hỗ trợ bảo hành rất cẩn thận. Đây là hàng “lấy” trực tiếp từ công xưởng của các hãng đặt tại Việt Nam hoặc hàng phân phối ở các công ty như trên. Chất lượng, thậm chí kiểu dáng cũng khác nhau nhưng nói chung là không phải quá lăn tăn về chất lượng và chế độ bảo hành.

- Hàng xách tay : Thực chất thì là hàng xịn nhưng với cái thế giới hàng xách tay muôn hình vạn trạng như hiện tại thì loại hàng này lẫn lộn đủ loại tạp nham như hàng luộc, hàng trả bảo hành, hàng dựng … thậm chí là cả hàng fake.

- Hàng trả bảo hành (refurbished hay refactory) : Đơn giản là hàng lỗi, hỏng (trong quá trình vận chuyển, sản xuất), hàng lỗi trong quá trình sử dụng được người dùng trả lại công ty trong thời gian bảo hành. Những chiếc điện thoại được nhập lại này (kể cả hàng refurbished ) sẽ được sửa chữa, thay thế linh kiện bị hỏng thay vỏ mới và bán ra dưới dạng thanh lý. Ngoài việc bán thanh lý giá rẻ thì một số công ty lớn dùng nó để bảo hành 1 đổi 1.

Công bằng mà nói thì những chiếc điện thoại refurbished hay refactory kiểu này về chất lượng vẫn được kiểm định và bảo đảm từ hãng. Nhưng nếu nói nó đủ giá trị để thay thế cho hàng mới (hàng xách tay) thì sẽ hơi quá đà.

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 5

Refurbished (hàng trả bảo hành) - 1 cái box đầy đủ hàng refurbished của apple rõ ràng là khác xa với box của máy mới.

- Hàng fake : Được giả mạo từ trọng lượng, hình dáng bên ngoài đến kết cấu bên trong. Tuy nhiên hàng loại này dễ được nhận ra bởi người có chút ít kinh nghiệm. Dù là fake 1 , fake 2 hay fake 3 thì chúng đều có giá bèo bọt, chất lượng cực kém nhưng thỉnh thoảng vẫn được đem ra để lừa khách hàng cả tin ham rẻ.

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 6

Hàng xịn bên trái và hàng nhái loại 1 bên phải. Không có kinh nghiệm về IOS cũng rất khó lòng để phân biệt.

- Hàng dựng: Cũng như hàng fake, loại hàng này chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc rẻ hơn hàng chính hãng từ 60-70% . Chúng là các thiết bị đã qua sử dụng, hỏng hóc không thể sửa chữa thì được mua lại theo giá đồng nát. Rã linh kiện ra và “kết hợp” những thứ còn dùng được lại thành thiết bị hoàn chỉnh.

- Hàng “nấu” hay “luộc”: Một chiếc điện thoại (thường là những loại có giá trị cao) sau quá trình sử dụng thì có hình thức xấu hoặc hỏng lặt vặt thì được sửa chữa, mông má lại thành hàng mới, thậm chí là nguyên seal. Loại hàng này cực kì khó để phát hiện ra nếu người dùng không có kiến thức chuyên sâu hoặc là thợ.

Trước:

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 7

Và sau:

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 8

Luộc cũng chỉ hình thức thay thế linh kiện dởm vào máy của khách hàng khi khách hàng mang thiết bị đến sửa chữa tại cửa hàng. Nhưng cách này hiện tại cũng chẳng mấy khi được sử dụng với linh kiện “lô “ hiện tại cũng rẻ. Làm thế chỉ tổ mất khách mà lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu.

Điện thoại xách tay: Xách ở đâu?

Hàng xách tay thì được hiểu là những sản phẩm được mang từ nước ngoài về, thường là với số lượng ít ỏi. Nôm na hơn thì do thương gia ra nước ngoài và làm thế nào đó mà mua được với giá rẻ hơn so với giá thị trường sau đó đem về bán kiếm lời. Cũng có thể là một vài mẫu điện thoại mới, độc, đẹp hoặc hàng số lượng chỉ có vài chiếc … Được một số ít thương gia săn về với nhiều mục đích khác.

Thực ra thì điện thoại xách tay vẫn là xịn, chất lượng vẫn tương đương như hàng chính hãng. Tuy nhiên cũng còn lắm vấn đề phải bàn.

- Điện thoại xách tay được bỏ vào vali và xách từ nước ngoài về thì chẳng nói làm gì. Với số lượng ít ỏi như thế, chúng thường là hàng chất lượng, phụ kiện đi kèm cũng là hàng zin và chẳng mấy dễ dàng gì để tìm mua.

- Điện thoại xách tay loại được thương gia xách về với số lượng nhiều, mới có, cũ cũng có, linh kiện phụ kiện đôi khi cũng không được đầy đủ. Để mua được hàng loại này cũng cần đòi hỏi người mua phải có kiến thức một cách đầy đủ về món hàng mình định mua từ cấu hình máy, cách check imei,”đọc” hộp, phụ kiện đi kèm cho đến các loại giấy tờ liên quan.

- Hàng được "ship" về từ nước ngoài hoặc đặt cọc để xách về theo khoảng thời gian xác định. Nói chung đây là một cách mua đồ khá an toàn, chất lượng cũng đảm bảo nhưng đôi khi xảy ra lừa đảo trong quá trình đặt cọc, chuyển tiền.

Tại sao nên mua đồ xách tay

Đầu tiên là phải nói đến giá cả. Hàng xách tay rẻ hơn hàng chính hãng khá nhiều, có khi lên đến 20,30% .Với một chiếc điện thoại thì chất lượng hàng xách tay tương đương với hàng chính hãng nhưng giá rẻ hơn đáng kể chủ yếu là vì không phải chịu thuế. Ai đã trót nặng lòng với những món đồ hitech hay điện thoại di động thì việc thay đổi điện thoại như cơm bữa nó đã thành một “căn bệnh”. Tiền nào mà cho đủ trong khi các hãng sản xuất tháng nào cũng “hết lòng” đưa ra một vài mẫu mã mới từ Sony, HTC, Samsung.. Mua rẻ đi được chút nào cũng là hay chút đấy rồi.

Hoặc là chiếc điện thoại này bạn đang kết nhưng ở Việt Nam chưa có hãng nào phân phối chính thức. Hoặc những máy độc, hàng số lượng ít được sản xuất với số lượng ít ỏi nhân dịp kỉ niệm gì đó. Vậy thì chắc chắn chỉ hàng xách tay mới có rồi.

Cũng có thể là do hàng xách tay thường có những mẫu điện thoại mới đến mức chẳng thể mới hơn được. Những ai muốn mình là người sành điệu sở hữu chúng sớm nhất thì cũng nên chọn hàng xách tay mà iPhone là một ví dụ điển hình.


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 9

Chỉ hàng xách tay mới xuất hiện những mẫu điện thoại độc và hiếm.

Khoảng tối của hàng xách tay

Điện thoại di động bây giờ đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Cũng vì đã quá tất yếu cho nên có rất nhiều thủ đoạn đã diễn ra nhằm trục lợi một cách “không trong sạch” từ việc hàng dựng, hàng nhái lẫn lộn cho đến việc thay linh phụ kiện kèm theo bằng đồ kém chất lượng để bán giá thấp hơn. Rồi là chuyện bảo hành nhập nhèm, trốn tránh trách nhiệm của một số cửa hàng xách tay…


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 10

Một chiếc điện thoại không chỉ có giá trị tiền bạc.Nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế!

Bản thân tôi trước kia là một anh sinh viên điện tử viễn thông mới ra trường với cái bằng trung bình khá trong tay thì việc xin một công việc tử tế khi chưa có một chút kinh nghiệm nào là điều không thể. Được làm việc cho vài ba công ty điện thoại di động khá nổi là một lựa chọn khá tốt trong hoàn cảnh này. Và cũng vì đó mà tôi có thể chia sẻ chút ít kinh nghiệm thực tế được chứng kiến bên trong phòng kĩ thuật, đằng sau những cửa hàng, showroom sáng trưng hào nhoáng.

“Một vài nơi” họ mua lại sản phẩm cao cấp đã cũ được make up tại địa điểm “bí ẩn” nào đó và bán lại như hàng xách tay. Việc đóng lại seal sản phẩm được thực hiện ngay trong phòng kỹ thuật của những chiếc showroom, những cái “iStore” là chuyện thường ngày. Đây là một sự thật diễn ra khá lâu rồi. Tất nhiên nếu không có kinh nghiệm, khách hàng sẽ bị lừa một cách dễ dàng. Những chiếc iPhone 4/4S được make up lại đẹp một cách đáng kinh ngạc trông không khác gì hàng mới ra lò của Apple.


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 11

Loại seal cứng hay seal mềm đều có thể làm y hệt như của hãng.

Đấy là sự việc chính mắt thấy khi tôi còn làm kỹ thuật viên cách đây khoảng 1 năm. Hiện tại, tình trạng này không biết có còn diễn ra nữa không nhưng có điều chắc chắn là họ vẫn tiếp tục bán rất nhiều điện thoại xách tay, chất lượng của chúng tôi thấy cũng có nhiều vấn đề để bàn đến. Thứ nhất là dù thuộc hãng nào đi chăng nữa thì họ thường chọn “xách tay” từ anh hàng xóm Trung Quốc. Có thể họ chọn Trung Quốc bởi với khoảng cách liền kề, họ có nhiều cách khác nhau để xách hàng về nước một cách dễ dàng nhất. Cũng có thể là còn vì một vài lý do nào đó để họ bán những chiếc điện thoại xách tay với giá cạnh tranh hơn so với đối thủ …

Thứ hai là việc hàng đã qua tay Trung Quốc rồi thì việc đảm bảo những linh phụ kiện rời đi kèm máy như pin, tai nghe, sạc, thẻ nhớ …còn nguyên xi như cũ là rất mong manh bởi đất nước này có biệt tài nhái lại tất cả điện thoại với mức giá rẻ đến kinh người. Đương nhiên là chúng vẫn xài được, nhưng chỉ là trong thời gian đầu.


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 12

Sạc,pin, thẻ nhớ, tai nghe cho đến vỏ máy... đều cực rẻ và chất lượng thì còn phải nhờ trời.

Tiếp nữa là vấn đề mua phải hàng dựng. Loại hàng này không phải hàng fake, vẫn có đầy đủ tính năng của hàng xịn nên rất khó để kiểm tra nếu không bung máy. Thậm chí loại hàng này khi check imei trên một số trang như imei.info, numberingplans vẫn cho ra kết quả bình thường. Vẫn full box trùng imei nhưng thực chất hàng dựng chất lượng rất kém, chỉ có nhờ trời chúng mới hoạt động ngon lành được một hai năm. Ông anh tôi với tư cách “ một chuyên gia về điện thoại di động “ nói một câu mà giờ tôi vẫn chưa dám tin: 70% hàng xách tay đang lưu hành là hàng dựng. Chẳng biết ông ấy có nói quá lên hay không…

Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 13

Hàng dựng chuẩn giá chăng?

Hàng dựng thường được ám chỉ các loại điện thoại đã qua sử dụng hoặc hỏng lỗi trong quá trình sản xuất, vận chuyển được các thương lái mua về sửa chữa, thay vỏ mới bằng các loại linh kiện lô giống như thật. Nguồn gốc các loại hàng này chủ yếu đến từ Trung Quốc qua các cửa khẩu Móng cái, Lạng sơn và có thể rẻ hơn 50-70 % so với hàng chính hãng.


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 14

Xét đến thì chiếc điện thoại vỏ gỗ ruột 6300 này cũng là hàng dựng nhưng nó lại là một trường hợp hoàn toàn khác.

Không thông dụng nhưng không phải là không có là những chiếc điện thoại xách tay là sản phẩm của các hacker. Họ hack vào thẻ tín dụng của một cá nhân nào đó ở nước ngoài rồi dùng số tiền đó mua những sản phẩm có giá trị cao, thường là điện thoại di động rồi gửi về Việt Nam để bán. Mua và sử dụng những chiếc điện thoại kiểu này bạn cũng đặt mình vào một tình trạng khá rủi ro bởi ít nhiều nó cũng đã dính dáng tới pháp luật giống như những chiếc điện thoại được trộm cắp từ các cửa hàng, showroom bên nước ngoài rồi tuồn về Việt Nam một cách nhỏ giọt.


Thực hư chuyện hàng hitech xách tay ... - 15

Ít nhiều bạn đã dính dáng đến pháp luật nếu mua hàng ship kiểu này.

Việc đánh lừa nhà mạng để mua được điện thoại giá rẻ cũng đã từng diễn ra khá phổ biến và được du học sinh của ta sử dụng nhiều cách đây vài năm. Một số nhà mạng ở nước ngoài chỉ cần cam kết sử dụng mạng của họ là bạn có thể mua từ họ những chiếc điện thoại khủng với giá siêu rẻ thậm chí là được tặng. Tuy nhiên, dân mình và cả người Trung Quốc đều xem thường những cam kết mang tính pháp lý này. Họ ngay lập tức tìm cách lẩn khỏi những hợp đồng đó và điện thoại thì vẫn cứ nhận. Những món hàng này sau đó được tuồn về nước và bán lại với giá xách tay thậm chí là giá second hand. Chất lượng của chúng thì chẳng có vấn đề gì nhưng hậu quả ở đây là trong con mắt người nước ngoài thì người châu á nói chung và dân Việt Nam, Trung Quốc nói riêng là những kẻ gian dối.

Kết

Ngày ngày, vẫn hơn 3 chục tỷ đồng “hàng xách tay” không rõ nguồn gốc được tuồn qua biên giới. Tự nhiên đọc thấy mấy bài báo nói về cái cách mà hàng xách tay “cưỡi máy bay “ về Việt Nam mà thấy giật mình.

Cuối năm rồi, chứng bệnh “thích đủ thứ” của anh em yêu công nghệ lại được dịp tái phát. Cũng là một “con bệnh” lâu năm, chỉ mong anh em mình mua được hàng vừa tốt vừa rẻ. Sẽ chẳng có ai bị lừa rồi rước cái bực vào mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cá Gỗ (MO)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN