Người phụ nữ kỳ lạ: Từ 2 con lợn, giờ thành đại tỷ phú "50 tỷ"

Sự kiện: Kinh Doanh

Không chỉ cho thu nhập mỗi năm hơn 7 tỷ đồng, trang trại chăn nuôi heo của bà Lành Thị Triều (56 tuổi) còn là trang trại thân thiện với môi trường nhờ áp dụng kỹ thuật VietGAHP. Đây cũng là trang trại quy mô nhất, được công nhận trang trại VietGAHP đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.

Với nụ cười của người vui tính, bà Triều không giấu giếm khi nhẩm tính với chúng tôi: “Tính tổng giá trị tài sản bây giờ với 10ha đất và đàn lợn 3.000 con tương đương khoảng 50 tỷ đồng”. Ít ai biết, thành công ngày hôm nay của bà là khởi nghiệp từ 2 con heo nái cách đây 25 năm.

Nam tiến theo chồng để... nuôi heo

“Tỷ phú heo” hay “Triều tỷ phú” là biệt hiệu mà bà con thân thương gọi bà Lành Thị Triều (SN 1961, xã Bảo Quang, thị xã  Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), người phụ nữ gây dựng nên trang trại heo quy mô nhất tỉnh Đồng Nai từ tay trắng.

Bà cho biết, mình là người dân tộc Tày, làm giáo viên ở tỉnh Bắc Giang nhưng thường xuyên phải “vọng phu” khi chồng bà công tác  tận Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Năm 1989 bà quyết định dắt con theo chồng vào Nam lập nghiệp, “dù lúc ấy mình không muốn bỏ nghề” - bà Triều nhớ lại.

Gần chồng nhưng cuộc sống chật vật hơn với 4 miệng ăn khi lương công nhân ba cọc ba đồng của chồng không đủ nuôi gia đình. Tình thế buộc “cô giáo Triều” ngày nào  phải bươn chải, chạy chợ bằng nghề buôn rau muống, bán rau lang kiếm thêm thu nhập. Nhưng chạy chợ cũng bữa no bữa đói nên một lần nữa bà Triều lại bỏ nghề buôn rau, chuyển sang tập tành nuôi heo.

Người phụ nữ kỳ lạ: Từ 2 con lợn, giờ thành đại tỷ phú "50 tỷ" - 1

Bà Lành Thị Triều nâng niu những chú heo con, nguồn thu nhập hơn 7 tỷ đồng/năm. ảnh: Hồ Văn

“Tôi nhớ đó là năm 1992, tôi mua về 2 con heo nái cùng chồng tận dụng khoảng trống ở nhà bếp quây thành chuồng để nuôi. Nhà ở tập thể nên nhiều lúc rất sợ mùi phân heo phiền đến hàng xóm,  hai vợ chồng thường xuyên ngồi canh khi heo thải phân là dội nước quét ngay. Cực nhất là mỗi lần xuất chuồng bán heo, phân heo rải từ bếp ra tới nhà, tiếng kêu eng éc vang cả xóm. Nhưng bà con cũng thông cảm vì cùng chung cảnh nghèo” - bà Triều kể lại thời khắc khổ.

Nhờ sự cần cù, từ hai con heo ban đầu, dần dần bà xuất chuồng mỗi năm được 4 tấn heo thịt. Đến năm  2001, có được tích cóp đáng kể, bà bắt đầu nghĩ đến kế hoạch đường dài khi dùng hết số tiền có từ nuôi heo để mua 3ha đất ruộng ở xã Bảo Quang. “Với 3ha đất đầu tay, tôi bàn với chồng quay sang trồng cây. Canh tác đủ loại cây ăn trái, hoa màu nhưng năng suất thu về rất thấp. Tôi lại quay sang nuôi heo thịt với lứa đầu 200 con. Trời thương nên lứa đầu bán được giá cao thu về tiền tỷ khi đã trừ chi phí. Nhờ vụ thắng lợi đó nên tôi quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi heo” - bà Triều hồ hởi khoe.

Trang trại VietGAHP đầu tiên của Đồng Nai

Vượt khó vươn lên làm giàu, nông dân Lành Thị Triều đã đạt được những thành tích đáng nể như: Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã, tỉnh nhiều năm; được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước năm 2010-2015; là điển hình tiêu biểu của Hội NDVN tham dự Lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức. 

Với đà thắng lợi từ vụ đầu, bà Triều dồn toàn bộ tiền đầu tư lên chuồng nuôi heo nái với 150 con và 300 con heo thịt. Cứ thế, lãi mùa trước lại dồn đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn cho mùa sau khiến trang trại của bà ngày càng “phình to” về quy mô và số lượng.

“Những năm 2005-2007 giá heo tăng cao và được xem là thời điểm vàng của chăn nuôi heo nên trại heo của tôi cứ thế bội thu không ngừng. Năm 2011 tôi lại dành tiền mua thêm đất, mở rộng quy mô nuôi và bắt đầu áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP” - bà Triều cho biết.

Để học hỏi kỹ thuật VietGAHP, bà  di chuyển như con thoi lên huyện, lên tỉnh để dự các lớp tập huấn. Bà còn mời các chuyên gia về tận trang trại để hướng dẫn kỹ thuật nuôi cũng như xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn VietGAHP.

“Nhờ áp dụng VietGAHP, phân heo được đưa vào hệ thống xử lý, chuyển hóa thành nguồn năng lượng biogas sử dụng trong sinh hoạt và hệ thống máy nổ, máy bơm nước của trang trại. Nhờ đó,  không chỉ tiết kiệm được một khoản tiền điện lớn mà trang trại của bà Triều còn được xem là trang trại thân thiện với môi trường” - bà Trần Thị Lệ Như, cán bộ Hội Nông dân xã Bảo Quang cho biết. Cũng theo bà Như, trang trại của bà Triều còn tự mua hàng trăm tấn bắp của bà con nông dân để tự chế biến, pha trộn thức ăn dinh dưỡng cho heo.

Kiên trì, nỗ lực học hỏi không ngừng nên đến năm 2014 trang trại của nông dân Lành Thị Triều là trang trại đầu tiên ở Đồng Nai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Nhờ chứng nhận này mà heo của bà đã được thương lái mua với giá cao và ổn định. “Những năm giá cao, tôi xuất chuồng bán heo thịt và cả heo giống thu về lợi nhuận khoảng 7,2 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Những đợt khủng hoảng giá heo như năm 2012 và thời gian gần đây thì giá bán của  tôi vẫn thu về đủ vốn nhờ vào thương hiệu heo sạch VietGAHP và uy tín của mình” - bà Triều cho biết.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là bí quyết của bà Triều giữ đàn heo chưa bao giờ bị lở mồm long móng hay dịch tai xanh. “Mỗi đợt có dịch, ngoài dùng thuốc diệt khuẩn, tôi còn dùng cách trị bệnh của người xưa là hun khói lá cây, hun khói bồ kết, mua về cả tấn để hun diệt khuẩn, phòng bệnh. Nhờ đó mà đàn heo của tôi chưa hề dính dịch” - bà Triều nói bí quyết phòng dịch bệnh.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, bà nhẩm tính với 3.000 con heo thịt lẫn heo nái cùng với 10ha đất… tính theo giá thị trường hiện nay tương đương 50 tỷ đồng. Bà nói với nụ cười đôn hậu, còn chúng tôi thì sửng sốt với con số mấy ai có được, mấy ai dám mơ!

Làm từ thiện, cho con du học nhờ nuôi heo

Để trở thành tỷ phú với khối tài sản 50 tỷ đồng hôm nay, ít ai được biết ngoài những bươn chải đầy khó khăn, nông dân Lành Thị Triều từng suýt buông xuôi tất cả khi dính phải căn bệnh ung thư vú. “Năm 2009 tôi bị phát hiện ung thư vú phải đi hóa trị ở TP.HCM. Khi đó, cả nhà bỏ hết việc ở trang trại để lên chăm lo cho tôi. Mọi việc ở trang trại giao hết cho em gái, nhưng nằm bệnh mà lo ngay ngáy cho đàn heo khiến nhiều khi chồng con phật ý “người chưa lo lại đi lo cho heo”. Đó là lúc tôi nghĩ khó vượt qua, muốn buông xuôi. May mà tai qua nạn khỏi” - bà Triều thổ lộ. 

Người phụ nữ kỳ lạ: Từ 2 con lợn, giờ thành đại tỷ phú "50 tỷ" - 2

Dù là chủ trang trại, bà Triều vẫn ngày ngày đi kiểm tra và cho heo ăn. ảnh: Hồ Văn

Cùng với thăng trầm của nghề nuôi heo, cũng như từng trải qua những ngày tháng nghèo khổ, bà Triều luôn đồng hành và chia sẻ với người nghèo, không may. Theo báo cáo của UBND xã, số tiền bà Triều bỏ ra làm từ thiện mỗi năm không dưới 100 triệu đồng. Bà cũng luôn đi đầu trong phong trào giúp đỡ người nghèo khi cấp cả vốn lẫn giống và hỗ trợ kiến thức cho nhiều hộ nghèo nuôi heo; đóng góp xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa; tích cực ủng hộ phong trào hiến đất, góp tiền xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, trang trại của bà Lành còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Nói về việc làm từ thiện, bà không tự hào mà coi như là nghĩa tình xóm làng. Còn điều bà tự hào nhất là cô con gái út (SN 1994), đang theo học ngoại ngữ ở Singapore. “Cháu tốt nghiệp đại học ngành thiết kế nội thất, nhưng lại bỏ nghề để quyết định theo giúp mẹ trong việc chăn nuôi. Hiện cháu đang theo học tiếng Anh ở Singapore và sẽ đi Úc học về lĩnh vực dinh dưỡng chăn nuôi. Mục đích mà cháu nói với tôi là để sau này về giúp tôi trong việc chế biến thức ăn gia súc cho trang trại. Như vậy là tôi yên tâm khi đã có người nối dõi nghề của mình” - bà Triều khoe với niềm hân hoan. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Văn (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN