6 ngành kinh doanh dự báo gặp khó trong năm 2016

Sự kiện: Kinh Doanh

Một số công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định về các ngành kinh tế sẽ gặp khó khăn trong năm 2016.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016 sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trước hết, tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, cơ hội từ việc kí kết TPP sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đầu tư tư nhân cũng sẽ cải thiện nhờ những chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua sẽ tiếp tục củng cố niềm tin kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các luật mới liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh giúp cải thiện năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Hơn nữa, TPP cũng tạo ra sức ép buộc Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính minh bạch trong quản lý của Nhà nước, từ đó nâng cao năng suất của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng dự báo, xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn. Trong khi đó, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.

Về lạm phát, cơ quan này dự báo, năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) được dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016 do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tăng do tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng lên theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và hoạt động M&A được đẩy mạnh. Kiều hối cũng được dự báo ước đạt 13 tỷ USD trong năm 2015 và dự báo tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016.

Báo VnExpress đưa tin, bối cảnh năm 2016 có nhiều thay đổi, giá dầu được dự báo tiếp tục giảm sâu, kinh tế toàn cầu suy giảm, đặc biệt là sự lao dốc của kinh tế Trung Quốc. Trong nước, kinh tế đứng trước nhiều cơ hội lớn do các hiệp định thương mại tự do mang lại nhưng cũng gặp không ít thách thức. Một số công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định về các ngành kinh tế sẽ gặp khó khăn trong năm 2016.

6 ngành kinh doanh dự báo gặp khó trong năm 2016 - 1

 Các doanh nghiệp dược có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng suy giảm biên lợi nhuận do tác động của cạnh tranh làm tăng chi phí marketing, bán hàng và tỷ giá dự báo tăng 5% làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.

Cao su tự nhiên

2016 được dự báo sẽ tiếp tục là năm buồn của ngành cao su do giá sản phẩm vẫn duy trì ở mức thấp. Sự chững lại trong nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường dầu ảm đạm sẽ khiến giá cao su khó đạt mức phục hồi tốt.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định trong dài hạn, triển vọng ngành cao su Việt Nam kém khả quan do sự chững lại do nhu cầu từ Trung Quốc. Nguồn cung từ các nước sản xuất lớn sẽ tăng cao khi thời tiết thuận lợi hơn và chính sách kiểm soát nguồn cung được dỡ bỏ.

Thép

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định năm 2016, ngành thép sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình trạng dư cung có thể kéo dài. Các doanh nghiệp không chịu cắt giảm sản lượng để giữ vững thị phần. Giá bán thành phẩm thép tiếp tục giảm theo xu hướng của giá nguyên liệu đầu vào. Nguồn cung dồi dào từ trong và ngoài nước sẽ đẩy giá thép xuống sâu trong những năm tới. Lượng tồn kho thép xây dựng lớn. Cạnh tranh trong ngành ngày một khốc liệt, khi những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện lạc hậu đang dần bị thị trường loại bỏ, thị phần tập trung về tay những doanh nghiệp lớn, có lợi thế về chi phí sản xuất.

Đặc biệt, cạnh tranh từ thép Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục là mối quan tâm lớn của tất cả các doanh nghiệp nội địa. Do kinh tế tăng trưởng chậm lại, quy hoạch ngành thép với công suất thiết kế quá lớn khiến cho lượng cung hàng vượt xa so với cầu tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp thép Trung Quốc bắt buộc phải tìm cách để xuất khẩu, dù phải bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất, và Việt Nam trở thành thị trường lý tưởng do thị trường bất động sản đang có xu hướng hồi phục, vị trí địa lý kề bên giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, đến năm 2018, thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc.

Bên cạnh thép nhập khẩu, nhân tố cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp trong nước sẽ đến từ khu liên hiệp gang thép Formosa tại Hà Tĩnh với mức đầu tư sản xuất trên quy mô lớn và công nghệ lò cao hiện đại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Formosa vẫn chưa là mối đe dọa lớn với các doanh nghiệp nội địa.

Dược

BSC và VCBS đều cho rằng ngành dược sẽ gặp khó khăn trong năm nay. Các doanh nghiệp dược có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng suy giảm biên lợi nhuận do tác động của cạnh tranh làm tăng chi phí marketing, bán hàng và tỷ giá dự báo tăng 5% làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.

VCBS nhận định tác động của Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc 36/2013 khiến giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện giảm mạnh và tạo áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường OTC. Ngoài ra, BSC cho biết doanh nghiệp dược sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do khi mức nhập khẩu dược phẩm tiếp tục tăng cao trong năm 2016, tăng 15,6%.

Đáng chú ý, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại tăng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Theo đó, Việt Nam sẽ cho phép các nhà thầu thuộc khối EU và các nước tham gia TTP được tham gia đấu thầu dược phẩm, khiến giảm lợi thế và doanh thu phân phối của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, việc cắt giảm thuế quan về 0% từ mức 2,5-5% làm tăng áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dược ngoại.

Thủy sản

Xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ tiếp tục khó khăn do tác động mạnh của việc phá giá đồng tiền các nước và cầu tăng chậm tại Nhật Bản, EU. Hiện tượng El Nino làm giảm sản lượng đáng kể. Các tổ chức quốc tế dự báo giá tôm sẽ giảm 4% trong năm 2016 và 13% cho năm 2020. Thêm vào đó, chính sách mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ là thực hiện thanh tra tại cơ sở sản xuất cá nhập khẩu vào Mỹ và yêu cầu tiêu chuẩn đồng nhất với các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ, có hiệu lực tháng 3/2016. Nếu điều luật được thông qua, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu Mỹ cho cá tra.

Tuy vậy, ngành thủy sản cũng được hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – Hàn Quốc…

Dầu khí

Các tổ chức quốc tế như Goldman Sachs và Moody's đều có dự báo giá dầu tiếp tục đà giảm trong năm 2016 dao động từ 40-50 USD. Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu thô tăng trưởng thấp do sự tăng trưởng chậm lại của các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Việc giá dầu thấp kéo dài khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lâm vào thiếu vốn đầu tư theo kế hoạch phát triển đã đề ra. PVN đưa ra dự báo giá dầu năm 2016 bình quân 60 USD một thùng, do vậy kế hoạch khai thác của tập đoàn giảm 10% xuống 14,02 triệu tấn. Đồng thời, doanh nghiệp đặt mục tiêu tiết giảm 20-30% chi phí biến đổi trong cơ cầu giá thành khai thác dầu, cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài.

Chính vì vậy, BSC đã hạ mức đánh giá ngành dầu khí từ trung lập xuống kém khả quan. Dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng khi sản lượng hoặc biên lợi nhuận suy giảm.

Vận tải biển

Đồng USD được dự báo mạnh lên trong năm 2016 làm phát sinh khoản lỗ tỷ giá do nhiều doanh nghiệp vận tải biển có dư nợ ngoại tệ cao. BSC ước tính tỷ giá tăng 1%, các doanh nghiệp vận tải biển đang niêm yết phát sinh lỗ tỷ giá khoảng 51 tỷ đồng. Các doanh nghiệp vận tải biển vẫn khó khăn do nhu cầu nhập khẩu hàng rời của Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm sâu, trong khi đa số đội tàu của Việt Nam dùng để vận chuyển hàng rời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN