Cười "toác miệng" với cao bồi miền Tây
Một siêu phẩm hài của Hollywood liên quan đến hình ảnh những anh chàng cao bồi miền Viễn Tây nước Mỹ khiến khán giả cười "sái quai hàm".
Đề tài cao bồi đang gần như vắng bóng trên màn ảnh rộng, nếu có cũng chỉ mang tính chất “gia vị” với doanh thu èo uột bởi đối thủ của những tay cao bồi lại là những siêu anh hùng, những cỗ máy hiện đại tối tân, những trận chiến long trời nổ đất.
Ngược lại, những anh chàng cao bồi chỉ biết có cỡi ngựa với bắn súng lục hết sức thô sơ, đơn điệu. Trước đó có True Grit (2010) của cặp anh em đạo diễn nhà Coen hay Cowboys & Aliens (2011) của Jon Favreau cũng vậy, thất bại về doanh thu thương mại là đặc điểm chung của những bộ phim về đề tài cao bồi miền Tây.
Và gần đây nhất là Django Unchained (2012) của Quentin Tarantino đưa khán giả quay ngược lại quá khứ với những cuộc đọ súng không kém khốc liệt của miền Tây hoang dã huyền thoại nước Mỹ.
Walt Disney đổ 250 triệu USD vào The Lone Ranger với tham vọng vượt qua được cái bóng của những phiên bản trước.
Có lẽ lo lắng thất bại, Walt Disney đã dốc khoản kinh phí khổng lồ 250 triệu USD để tạo nên một siêu phẩm điện ảnh về cao bồi miền Tây với The Longe Ranger? Kinh phí cao cộng với đội ngũ nhân lực hùng hậu, lão làng gồm bộ sậu của Cướp biển Caribe/Pirates of the Caribbean là đạo diễn đoạt giải Oscar Gore Verbinski, nhà sản xuất Jerry Bruckheimer nam tài tử tưng tửng nhất trong vai cướp biển Johnny Depp.
Bên cạnh đó còn có nam diễn viên trẻ 26 tuổi Armie Hammer lần đầu thủ vai chính trong một bộ phim bom tấn Hollywood, người tình của J.Edgar giờ đây đã trở lại trong vai diễn một cao bồi đòi lại công lý.
Trailer của The Lone Ranger.
Như vậy, từ kinh phí, nguồn nhân lực đều được Disney đầu tư khá hùng hậu với khát khao không chỉ đè bẹp những đối thủ cùng ra rạp trong Hè 2013 mà cao hơn là vượt qua được chính những phiên bản phim cùng đề tài cao bồi. Trong đó không thể không nhắc đến hai phiên bản điện ảnh những năm 50 của thế kỷ 20 là loạt serie phim The Lone Ranger (1949 - 1957) và The Lone Ranger and the Lost City of Gold (1958), đều là những bộ phim dựa theo nhân vật hư cấu trong loạt chương trình phát thanh của Mỹ thập niên những năm 1933.
Như đã dẫn ở trên, The Lone Ranger lần này của Walt Disney với tham vọng 250 triệu USD khi cố gắng tái hiện lại hình ảnh kỵ sĩ độc thân này một cách sống động, một cao bồi mang đậm chất văn hóa đại chúng của người Mỹ nhưng phải thật hiện đại và gần gũi với trào lưu, thị hiếu khán giả của thế kỷ 21.
Phiên bản Tonto và John Reid của Clayton Moore, Jay Silverheels trong serie TV The Lone Ranger (1949) và của Johnny Depp, Armie Hammer trong phiên bản 2013.
Truyện phim là lời tự thuật của một một chiến binh da đỏ Tonto (Johnny Depp đóng) thuộc bộ tộc Comanche về cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ giữa anh với một viên luật sư trẻ John Reid (Armie Hammer thủ vai). Với ý định đem lại văn minh và khai sáng cho vùng Colby, Texas vốn được coi là nơi chỉ quen sống với “luật rừng” khi mọi chuyện đều được giải quyết bằng súng đạn thay vì công lý, luật sư Johny Reid đáp chuyến tàu định mệnh, nơi được coi là xảy ra ngã rẽ cuộc đời anh. Đồng thời là khoảnh khắc đẩy anh vào cuộc hành trì huyền thoại tìm lại công lý và cũng là khi câu chuyện của The Lone Ranger được bắt đầu qua lối kể chuyện tự sự của Tonto theo kiểu “Ngày xửa ngày xưa” đặc thù của Walt Disney.
Trên chuyến tàu này, John đã “lỡ tay” thả tên Dutch Cavendish (William Fichtner đóng) thoát khỏi tay một thổ dân da đỏ là Tonto. Nhưng hành động của anh lại đẩy anh và Tonto rơi vào tình huống bị giăng bẫy bởi chính bè đảng của Butch, để rồi sau đó hắn đã giết chết anh trai của John là cảnh sát Dan Reid (James Dale).
Chứng kiến sự bất công và trái ngược hoàn toàn với những gì được đọc trong sách vở, John đã nghe theo sáng kiến của Tonto khi đeo chiếc mặt nạ để đòi lại công lý, dù vẫn tuân theo cách mà anh theo đuổi, không dùng vũ lực bởi anh vẫn luôn tin rằng, lẽ phải vẫn tồn tại nơi vốn chỉ biết giải quyết mọi việc theo luật rừng.
Từ đây, John bắt đầu hành trình của một kỵ sĩ chống lại những điêu trái tai gai mắt từ một luật sư vốn ngây thơ chưa hiểu sự đời. Chiến đấu cùng anh còn có người bạn đồng hành vô cùng hài hước nhưng lại là nhân vật hết sức bí ẩn.
Từ một luật sư trẻ bảo vệ công lý bằng luật pháp, John Reid (phải) đã trở thành một kỵ sĩ bất đắc dĩ cùng bạn đồng hành là anh chàng thổ dân Tonto.
Khung cảnh quen thuộc của miền viễn Tây trong The Lone Ranger.
Chính vai diễn của Johnny Depp trong vai thổ dân Tonto của bộ lạc Comanche đã khiến khán giả nhớ lại nhân vật thuyền trưởng Jack Sparrow trong Cướp biển Caribe. Đồng thời biến The Lone Ranger trở thành một bộ phim kiểu “Sa mạc tặc miền Tây” hay “Cướp biển Caribe trên cạn”. Thuyền trưởng Jack Sparrow với thổ dân Tonto của Depp vẫn lối diễn “tưng tửng, lối hóa trang “bẩn bẩn” khi luôn mang trên đỉnh đầu một con quạ chết, mặt mũi bôi vằn vện hoa văn của thổ dân da đỏ châu Mỹ. Không gian cũng đã biến đổi từ vùng biển Caribe rộng lớn, sâu thẳm xanh ngút tầm mắt, chứa đựng đầy lũ quái vật và những âm mưu tranh cướp kho báu sang vùng sa mạc mênh mông cát cháy và đỏ ối như chảo lửa của vùng viễn Tây, nơi diễn ra những cuộc đụng độ giữa một bên chính nghĩa và một bên là đại diện cho cái ác, bất công.
Lối kể chuyện tự sự của nhân vật Tonto là cách đặc thù của những bộ phim về đề tài cao bồi vùng viễn tây, vừa mang màu sắc cổ tích đặc trưng của Walt Disney về chàng kỵ sĩ cô độc chiến đấu vì công lý mà không cần đến súng gươm. Giữa vùng sa mạc của Texas trong The Lone Ranger là đầy đủ những gì người xem vốn biết đến, đó là sự xuất hiện của những thị trấn nhỏ nhắn giữa sa mạc rộng lớn, những quán bar sôi động và tràn đầy tiếng nói cười của những tay cao bồi và cả những tuyến đường sắt như nối dài từ vùng văn minh đến nơi lạc hậu tận cùng của thế giới. Những con người của vùng sa mạc không thể thiếu các kỵ sĩ cao bồi mà đại diện là John Reid và cả những thổ dân da đỏ với Tonto từ bộ tộc Comanche. Như vậy là The Lone Ranger đã bày ra trước mắt người xem những gì quen thuộc, gần gũi nhất về một bộ phim đậm chất văn hóa quần chúng của người dân Mỹ - cao bồi viễn Tây.
Hai nhân vật chính giữa những nhân vật phản diện trong The Lone Ranger.
Bên cạnh hai nhân vật chính đại diện cho cái thiện do Armie Hammer và Johnny Depp thủ vai, phim còn xây dựng một đội ngũ nhân vật phản diện khá đông đảo. Đó là băng cướp khét tiếng, tham tàn và độc ác do tên Butch Cavendish dẫn đầu, và cả lão chủ thầu ngành đường sắt Latham Cole (Tom Wilkinson) gian xảo, tham lam và đầy mưu mô và cả mụ tú bà Red (Helena Bonham Carter) mà nghe tên cũng đủ hiểu về nhân vật này. Và điều tất yếu sẽ xảy ra là những cuộc đối đầu, đụng độ ác liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa công lý lẽ phải với bất công, thối nát ở vùng viễn Tây. Đó là những màn rượt đuổi đọ súng khốc liệt và gay cấn, những vụ cướp nhà ngục, những vụ trả thù đẫm máu trong suốt 149 phút của phim.
Phim là sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa hai nhân vật gần như đối lập nhau nhưng rồi họ lại kết hợp với nhau và phối hợp đầy ăn ý, cùng trải qua hành trình với bao điều bất ngờ để chống lại cái gọi là “sự mất cân bằng của tự nhiên”. The Lone Ranger chính là sự ca ngợi về tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, không ngại hy sinh của những con người dù chỉ là đại diện cho cá nhân, nhưng những chiến công mà họ lập nên lại có sức ảnh hưởng và khiến người đời thầm cảm phục, biết ơn. Những con người như luật sư John Reid hay anh chàng da đỏ lập dị Tonto đã góp phần “xóa sổ” nạn tham ô, nhũng nhiễu và bất công ở vùng viễn Tây lẽ ra phải được hưởng sự thanh bình vốn có.
Những pha hành động, màn rượt đuổi và đọ súng kịch liệt trong phim.
Những pha hành động nghẹt thở, những màn rượt đuổi ác liệt để chống lại cái ác không chỉ có thể, mà ẩn chứa sâu bên trong là tình bạn giữa những con người hoàn toàn xa lạ, ngay cả trong tính cách, lối sống cũng gần như hoàn toàn khác biệt. Nhưng họ đã sát cánh bên nhau trong hành trình đòi lại công lý. Người xem sẽ thấy được sự hài hước, dí dỏm và cả sự đả kích, mỉa mai về thói tham lam, cường quyền và xảo quyệt của con người chứa đựng trong nội dung phim.
So với hai phiên bản điện ảnh thành công vang dội trước đó của The Lone Ranger năm 1949 và phiên bản năm 1958 The Lone Ranger and the Lost City of Gold. Với phiên bản lần này, cặp đôi Johnny Depp và Armie Hammer đã cố gắng xây dựng nên hình ảnh người kỵ sĩ John Reid và anh chàng thổ dân Tonto hoàn toàn mới lạ và tạo dấu ấn riêng, dù không làm mất đi tinh thần chung của nhân vật đã trở thành huyền thoại và ghi đậm trong lòng khán giả vốn yêu mến The Lone Ranger. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Armie và Johnny Depp cũng góp phần tạo nên thành công cho phim, cả hai đã phải trải qua khóa huấn luyện cỡi ngựa và bắn súng như những cao bồi thực sự để có được những cảnh quay rượt đuổi đẹp mắt và đầy kịch tính trong phim. Trong khi nhân vật Tonto của Johnny đáng lẽ ra phải lui về sau vai diễn của Armie thì hầu như John Reid của Armie lại tỏ ra lép vế và mờ nhạt hơn hẳn.
Ngay từ tạo hình gây chú ý của anh chàng thổ dân da đỏ Tonto đã khiến thu hút mọi sự chú ý của khán giả. Tạo hình quen thuộc và gần gũi của nhân vật Tonto làm người xem nhớ đến thuyền trưởng Jack Sparrow trong The Pirates of Caribbean. Hơn nữa, Tonto cũng là nhân vật xuất hiện ngay từ đầu bộ phim, với vai trò là người dẫn dắt câu chuyện cho đến khi kết thúc phim. Chính chàng thổ dân bộ tọc Comanche đã hóa thân thành linh hồn của cuộc phiêu lưu với người bạn đồng hành bất đắc dĩ John Reid.
Vai diễn của Armie Hammer vẫn tỏ ra lép vế hơn anh chàng thổ dân của Johnny Depp.
Tuy Johnny Depp chưa thực sự vứt bỏ được hình ảnh trong Cướp biển Caribe, vẫn là cái sự “tưng tửng” ngày nào. Chính lối diễn xuất sắc dù chưa thực sự mới mẻ nhưng Johnny Depp đã gây ấn tượng với người xem về một anh chàng cao bồi da đỏ Tonto, dù lập dị nhưng khôn ngoan, từng trải và sắc sảo. Để vào vai diễn này, đoàn phim đã mời một cố vấn từ lãnh thổ Comanche tới giúp xác minh về hình ảnh cũng như tạo hình nhân vật của Johnny Depp.
Thậm chí, khi đoàn phim thực hiện quay tại vùng Monument Valley, Johny Depp đã được những nguyên thủ của lãnh thổ Navajo, một gốc dân Mỹ bản địa có lãnh thổ nằm giáp vơi Arizona, Utah và New Mexico đồng thời có quan hệ thân thiết với người của lãnh thổ Comanche đã thới thăm hỏi, bắt tay đoàn phim và đặc biệt là người anh hùng thổ dân Tonto của bộ tộc Comanche do Johnny Depp thể hiện. Người đứng đầu lãnh thổ này là Tổng thống Ben Shelly và phó Tổng thống Rex Lee Jim vui vẻ khi được gặp và nói chuyện với Johnny Depp, người đang cố gắng thể hiện người của dân tộc họ trên màn ảnh. Nguyên thủ của lãnh thổ Navajo đã dành những lời ngợi khen cho Johnny Depp: “Anh ấy là một người đàn ông cực kỳ quyến rũ, thu hút và ấm áp”. Chính hành động trên đã như một minh chứng cho thấy tạo hình Tonto của anh không gặp phải những chỉ trích không đáng có.
Johnny Depp (giữa) được các nguyên thủ của lãnh thổ Novajo đến tận nơi đoàn phim quay để gặp gỡ, thăm hỏi.
Tạo hình nhân vật Tonto của Johnny Depp bị cho là tạo hình của một thầy thuốc.
Bản thân Johnny Depp cũng khẳng định, anh mang trong mình dòng máu tổ tiên là người Mỹ bản địa, cụ ngoại của anh là người Cherokee – một trong năm bộ lạc bản địa ở Đông nam Hoa Kỳ. Vì vậy ngôi sao 50 tuổi đã coi vai diễn này như một nỗ lực nhằm cải thiện lại “những sai lầm trong quá khứ”, khắc họa hình ảnh một người Mỹ gốc cùng văn hóa bản địa của thổ dân châu Mỹ một cách chân thực trên truyền hình. Tuy nhiên vẫn có những lời bình luận khi cho rằng, tạo hình của Johnny Depp thực ra dựa trên hình ảnh một người đàn ông thổ dân da đỏ hành nghề thầy thuốc, trong khi Tonto lại là một chiến binh.Trái ngược với hình ảnh của Tonto là vai diễn chính của Armie Hammer, một luật sư vẫn còn ngây thơ quá mức và bị Tonto của Johnny Depp đè bẹp.
Một nhân vật phụ nhưng không kém phần quan trọng, và đặc biệt để lại ấn tượng cho khán giả đó là chú ngựa trắng đồng hành cùng Tonto và John. Không kém như các diễn viên là con người, chú ngựa đã thể hiện vai diễn một cách xuất sắc khi là diễn viên động vật nhưng mang lại tiếng cười vieech thú và sảng khoái cho người xem. Nếu có giải Oscar cho diễn viên động vật xuất sắc trong phim, có lẽ chú ngựa này xứng đáng nhận được vinh dự trên cho vai diễn tuyệt vời và thuyết phục trong The Lone Ranger.
Chú ngựa trắng, diễn viên xuất sắc của The Lone Ranger.
Với thời lượng gần 150 phút có lẽ là hơi dài đối với The Lone Ranger khi còn xuất hiện nhiều tình tiết có vẻ thừa thãi và rời rạc. Phải đến những phút gần cuối của phim thì khán giả mới như được “bừng tỉnh” cùng những cảnh quay thực sự gọi là mãn nhãn qua cảnh bắn súng ác liệt, cảnh hành động máu me. Sự kết hợp giữa những góc quay rộng, di chuyển máy nhanh mang lại cảm giác gấp gáp ở những cảnh hành động cuối phim. Đặc biệt là tiết tấu những cảnh này được lồng trong tiếng nhạc rộn ràng của Hans Zimmer cùng kỹ xảo và hình ảnh được chăm chút khiến người xem không còn gì để chê. Với kinh phí khổng lồ 250 triệu, quả là Walt Disney đã dọn một bữa tiệc thịnh soạn mãn nhãn cho người xem mà không cần phải dùng đến hiệu ứng 3D.
Để có được những cảnh quay hùng vĩ và tạo cảm giác về vùng sa mạc mênh mông của viễn Tây nước Mỹ trong The Lone Ranger, đoàn phim đã tiến hành quay tại 6 bang của Mỹ, nơi có địa hình phù hợp với cảnh vật trong phim như Utah, Colorado, New Mexico, Arizona, Texas và California, trong đó có nhiều cảnh quay được thự hiện tại Công viên Cimarron Canyon State bang New Mexico. Đoàn phim đã gặp phải một vài trục trặc trong quá trình quay, đặc biệt là vấn đề thời tiết, thậm chí gặp phải vụ cháy rừng và cả dịch thủy đậu.
Phim được công chiếu tại Mỹ từ hôm 3/7 và bắt đầu đổ bộ rạp Việt từ ngày 12/7/2013.