Ý kiến trái ngược về thống kê tai nạn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Sự kiện: An toàn giao thông

Thống kê của đơn vị quản lý cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây 10 tháng qua có gần 100 tai nạn, song CSGT cho rằng con số này không chính xác.

Mới đây, trong báo cáo về tình hình giao thông trên cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật cao tốc Việt Nam (VEC E) thống kê thời gian qua có gần 100 vụ tai nạn, sự cố trên tuyến làm 7 người chết, 400 phương tiện hư hỏng... Số liệu này được đơn vị thống kê trong thời gian 10 tháng tuyến hoạt động, từ tháng 5/2023 đến 3/2024.

Báo cáo sau đó được gửi đến Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, hai địa phương mà tuyến đi qua để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lái xe. Cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây khánh thành cuối tháng 4/2023, là tuyến huyết mạch kết nối TP HCM, Đồng Nai ra Phan Thiết (Bình Thuận) nên thường xuyên đông xe.

5 ôtô tông liên hoàn trên cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, chiều 13/2. Ảnh: Thái Hà

5 ôtô tông liên hoàn trên cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, chiều 13/2. Ảnh: Thái Hà

Tuy nhiên, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Cục CSGT), cho rằng thống kê vụ tai nạn trên "chưa đúng, không rõ ràng". Theo trung tá Hoàng Xuân Ân, đội trường Đội 6, số liệu gần 100 tai nạn trong 10 tháng trên cao tốc đã gộp chung số vụ như xe chết máy, thủng lốp. Các sự cố này không thể tính là tai nạn. "Có thể do hiểu nhầm về cách tính chứ không thể có số tai nạn nhiều như thế này", trung tá Ân nói.

Trung tá Ân cho hay cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoạt động đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, rút ngắn thời gian di chuyển. Việc đưa ra thống kê số vụ tai nạn quá nhiều có thể khiến người dân nghĩ rằng chạy xe trên cao tốc tiềm ẩn nguy hiểm. Sáng nay, đơn vị làm việc với bên VEC E để thống nhất về cách tính.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc VEC E, lý giải đơn vị quản lý cao tốc và CSGT có định nghĩa về tai nạn giống nhau, có quy định rõ ràng. Tuy nhiên số liệu thống kê cả hai bên chưa khớp do "không phải vụ tai nạn nào xảy ra trên cao tốc cảnh sát cũng vào cuộc". Có vụ va chạm ôtô, nhân viên VEC E đến hiện trường sau đó các bên chủ xe tự thỏa thuận, cảnh sát không đến lập biên bản thì không tính số vụ này.

Là tuyến huyết mạch nên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thường đông xe, ùn tắc. Ảnh: Phước Tuấn

Là tuyến huyết mạch nên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thường đông xe, ùn tắc. Ảnh: Phước Tuấn

Theo bà Phương, tuyến cao tốc dài gần 100 km, chưa có camera nên thống kê vụ tai nạn chỉ mang tính tương đối. Nhiều trường hợp hai xe va chạm nhau sau đó tự rời hiện trường trước khi lực lượng chức năng đến ghi nhận. Vì vậy nếu thống kê đầy đủ có thể hơn 100 vụ tai nạn. "Bản chất báo cáo này gửi đến địa phương có cao tốc đi qua để tuyên truyền, nâng cao ý thức lái xe", bà Phương nói.

Hiện, VEC E là đơn vị vận hành, khai thác, thu phí, quản lý cao tốc còn Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Cục CSGT) có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ), đơn vị quản lý cao tốc TP HCM- Trung Lương, cho biết thống kê tai nạn thường dựa vào số phương tiện hư hỏng, người chết và bị thương. Trường hợp quẹt xe nhẹ, các chủ xe tự thoả thuận đền bù rồi rời đi sẽ không tính vụ tai nạn.

Thông tư số 58/2009 định nghĩa tai nạn là sự việc xảy ra do người lái xe chạy trên đường vi phạm các quy định an toàn giao thông hay gặp sự cố bất ngờ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản.

Tai nạn giao thông được chia 5 loại gồm: va chạm giao thông, tai nạn giao thông ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, va chạm giao thông do người lái vi phạm quy định hay gặp sự cố bất ngờ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản ít nghiêm trọng. Còn các tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng được căn cứ xếp loại theo tỉ lệ tổn hại sức khỏe từ 11% trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ 5 triệu đồng trở lên.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giúp kết nối từ TP HCM đi ra Bình Thuận. Đồ họa: Đăng Hiếu

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giúp kết nối từ TP HCM đi ra Bình Thuận. Đồ họa: Đăng Hiếu

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Công trình giúp ôtô từ TP HCM đi Phan Thiết còn hơn 2 giờ thay vì 4-5 tiếng như trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau hơn 10 tháng đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận đã xảy ra gần 100 vụ TNGT làm 6 người tử vong

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phước Tuấn - Đình Văn ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN