Xyanua trong nước biển miền Trung ở ngưỡng cho phép

Qua đánh giá, xác minh của các chuyên gia đầu ngành, hàm lượng chất độc xyanua trong nước biển 4 tỉnh miền Trung nằm trong ngưỡng cho phép; hàm lượng phenol đang đang có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Xyanua trong nước biển miền Trung ở ngưỡng cho phép - 1

Bộ trưởng Bộ TN&MT chủ trì cuộc họp công bố hiện trạng môi trường biển miền Trung. Ảnh Nguyễn Do/Báo Pháp luật TPHCM.

Sáng nay (22/8), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sau sự cố xả thải của Formosa làm hải sản chết hàng loạt.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở đánh giá 1.479 mẫu nước biển từ tháng 5-7/2016 cho thấy, các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong giới hạn cho phép.

Hàm lượng xyanua trong nước biển tháng 5/2016 dao động từ 0,002 -0,1 mg/l. Đến tháng 6/2016, giá trị cao nhất là 0,002mg/l và đều nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

Riêng thông số tổng phenol trong nước tháng 6/2016, có đến 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy. Tháng 8/2016, hàm lượng phenol đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Tại khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, thông số phenol cao hơn so với các khu vực khác nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần được tiếp tục giám sát và quan trắc thường xuyên.

Chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế qua các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Qua khảo sát màng bám hệ keo sắt tại 9 khu vực có rạn san hô và rạn đá ngầm từ tháng 4-5/2016 cho kết quả, trên mặt bề đá các rạn san hô có một lớp bột màu vàng phủ bám. Hàm lượng phenol cực cao trong khoảng 3,80-7,79ppm. Tháng 6-7/2016, vẫn còn hiện tượng lớp màng vàng bám, tuy nhiên hàm lượng phenol đã giảm xuống 0,32-1,75ppm.

Trong đó, hàm lượng phenol trong màng bám keo trên các san hô ở khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình cao hơn so với khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Kết quả phân tích 3.156 mẫu vật được thu thập trong các sinh vật phù du, động vật đấy, san hô, cá biển, rong biển từ 4-5/2016 cho thấy, 100% rạn san hô trong 63 khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, san hổ cảnh bị chết hàng loạt. Điển hình là các khu như Sơn Dương (Hà Tĩnh), Hồn Nồm (Quảng Bình), Hải Vân, Sơn Trà (Thừa Thiên Huế)…

Tuy nhiên, đến tháng 6-7/2016, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng và san hô có dấu hiệu phục hồi. Cá nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn khác trên rạn san hô cũng đang có dấu hiệu phục hồi tích cực với mật độ cao.

Để xác định hải sản miền Trung đã an toàn sử dụng được chưa, Bộ TN&MT kiến nghị Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát, kiểm tra hàm lượng chất ô nhiễm trong hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được công bố.

Sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung xảy ra từ đầu tháng 4/2016. Khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khiến môi trường biển ô nhiễm trầm trọng, đời sống ngư dân điêu đứng.

Sau gần hai tháng, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN