Xót xa bên suối Nước Mắt

Núi lở, đất đá trộn bùn non, đường sập gần hết bên cạnh dòng nước đỏ ngầu của suối Nước Mắt - con suối chia cắt xã Phước Thành và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), nơi 5 người tử vong, 8 người mất tích và hàng trăm phận người khác đang bị cô lập giữa đại ngàn.

"Sảy chân là 3 ngày mới tìm thấy xác"

Sáng sớm 30/10, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà chủ trì cuộc họp nhanh với đại diện Quân khu 5 cùng các cơ quan của huyện Phước Sơn để tìm phương án tiếp cận xã Phước Lộc và xã Phước Thành.

Bộ đội và phóng viên bám cây, leo dốc để vào điểm sạt lở ở xã Phước Lộc. Ảnh: P.V

Bộ đội và phóng viên bám cây, leo dốc để vào điểm sạt lở ở xã Phước Lộc. Ảnh: P.V

"Đường vào quá khó, chưa thể triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp, trong khi đó việc tìm kiếm thủ công do người dân, chính quyền địa phương thực hiện là không khả thi vì đất đá quá dày".

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Ngay đầu cuộc họp ông Hà nói thẳng, máy bay không thể vào được, chỉ có cách đi bộ vào hiện trường. "Đường bộ đi vào hiện trường rất nguy hiểm, sơ suất một chút sẽ bị rơi xuống vực, xác trôi ít nhất 3 ngày mới tìm thấy. Hiện trường ở Phước Sơn sương mù dày đặc, máy bay không thể bay vào. Vì vậy phải cắt rừng đi bộ, ai yếu thì ở lại" - ông Hà nghiêm giọng. Được cảnh báo từ người có kinh nghiệm hơn 20 nắm địa bàn huyện Phước Sơn nhưng các phóng viên có mặt với khoảng 20 cán bộ không chút nao núng.

Đoạn đường từ thị trấn Khâm Đức vào tới xã Phước Lộc chỉ có 50km, ngày thường nếu đi xe 2 cầu của quân đội chỉ mất khoảng 2 tiếng. Nhưng người viết bài này vẫn không khỏi thấy ớn lạnh khi con đường thực ở trước mắt mình.

Từ 7 giờ sáng, đoàn công tác do Trưởng Ban Nội chính tỉnh Quảng Nam dẫn đầu rời Sở chỉ huy tiền phương đặt ở UBND xã Phước Công cắt qua rừng keo nhưng có độ dốc dựng đứng tiến về xã Phước Lộc. Tất cả người đi trong đoàn đều phải cầm chặt vào cây để xuống từng bước. Mất 2 giờ đoàn mới đi được khoảng 5km. Thấy vậy, anh Hà thúc giục: "Đề nghị tăng tốc để chúng ta kịp tới hiện trường. Dưới đó có hàng trăm người đang chờ cứu...".

Gần trưa, đoàn đã xuống được đường DH3, con đường độc đạo để vào các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim với ngổn ngang những khối đá to như căn nhà nằm chắn ngang. Con đường rộng 7m nhưng có đoạn bị sạt lở gần hết chỉ đủ cho một bước chân người nhè nhẹ bước qua.

Đại tá Nguyễn Quang Nam - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho hay, đường bị chia cắt nên mấy ngày nay, các lực lượng phải gùi thực phẩm vào tiếp tế cho phía trong khu vực sạt lở.

Nhiệm vụ bất khả thi

Đến đầu giờ chiều, đoàn đã đến được địa phận xã Phước Thành, trước mắt hiện ra những lán trại xập xệ nằm trong đống bùn non ngay dưới quả núi bị sập phân nửa.

Hỏi ông Nguyễn Mạnh Hà, nơi đây có phải nơi 217 công nhân bị cô lập, ông Hà cho biết, đây mới là khu lán trại của công nhân, còn 2km mới vào tới nơi. "Đây là lán trại của công nhân xây dựng thủy điện Đăk Mi2. Rất may là trước khi xảy ra sạt lở quả núi này vào sáng 28/10, chủ đầu tư đã yêu cầu công nhân đến nơi an toàn, nếu không chắc chắn sẽ có rất nhiều người sẽ bị chôn vùi ở suối Nước Mắt này rồi" - ông Hà chia sẻ.

Bất ngờ với cái tên suối Nước Mắt, con suối ngay nơi xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất trên quãng đường từ Sở chỉ huy tiền phương chúng tôi đi vào nên tôi tò mò tìm hiểu. Anh Nguyễn Văn Bưng - người dân địa phương nói ngay, suối Nước Mắt là dòng suối chia cắt 2 xã Phước Thành và xã Phước Lộc. Nguồn cơn của tên suối bắt đầu từ hàng chục năm trước khi hàng loạt bãi vàng mọc lên trong đó có mỏ vàng Bãi Muối, một mỏ vàng nổi tiếng của Quảng Nam

"Suối ở đây có màu đục là bởi chất xả thải từ các mỏ vàng, trong đó có mỏ vàng Bãi Muối đổ ra. Rất nhiều người dân cũng như phu vàng khi đi qua đây bị nước cuốn trôi chết mất xác. Vì vậy con suối có tên là suối Nước Mắt" - anh Bưng cho hay.

Đến xế chiều, hiện trường 13 người bị vùi lấp ở xã Phước Lộc vẫn còn xa xăm. Trong khi trời chiều Phước Sơn bắt đầu âm u dự báo sẽ có cơn mưa sắp đổ xuống buộc ông Nguyễn Mạnh Hà phải yêu cầu đoàn quay trở lại Sở chỉ huy tiền phương.

Trên đường quay về, ông Hà cho hay, hiện 5 thi thể người dân được tìm thấy đã được mai táng theo phong tục. Nhưng để vào được xã Phước Lộc bằng đường đi bộ hay xe máy là nhiệm vụ bất khả thi.

"Để vào hiện trường vụ sạt lở 11 người ở thôn 6 và 2 cán bộ xã Phước Lộc mất tích do lũ quét, sạt lở đất ở thôn 1 sẽ mất hàng tuần nếu thời tiết thuận lợi và dùng xe cơ giới. Còn nếu trời mưa thì có thể phải mất cả tháng" - ông Hà cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Quảng Nam đề nghị Bộ Quốc phòng dùng trực thăng tiếp tế lương thực cho 3.000 hộ dân

Khoảng 3.000 hộ dân 2 xã miền núi của tỉnh Quảng Nam đang bị cô lập, đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thiên ([Tên nguồn])
Sạt lở đất ở Quảng Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN