Xe ô tô bị từ chối đăng kiểm trong trường hợp nào?

Sự kiện: Thời sự

Nhiều chủ phương tiện đi đăng kiểm mới giật mình khi nhận được thông báo xe vi phạm giao thông và phải nộp phạt tới hơn 100 triệu đồng.

Xe ô tô bị từ chối đăng kiểm trong trường hợp nào? - 1

Nhiều chủ phương tiện bị từ chối đăng kiểm vì vi phạm giao thông chưa nộp phạt

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều chủ xe ô tô mang xe đi đăng kiểm đã bị từ chối đăng kiểm vì bị “phạt nguội”. Thậm chí, có chủ xe ô tô ở TP. Hồ Chí Minh khi đến cơ quan đăng kiểm mới giật mình nhận được thông báo xe ô tô của mình vi phạm 48 lần, bị phạt số tiền 148 triệu đồng.

Ngày 9/10, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã từ chối đăng kiểm gần 16.000 trường hợp ô tô bị "phạt nguội” trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 5.500 phương tiện chấp hành việc nộp phạt.

Các xe ô tô bị “phạt nguội” chủ yếu vi phạm các lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, lấn làn, chạy quá tốc độ…

Việc các chủ xe bị “phạt nguội” nhưng chưa nộp phạt dẫn đến việc hàng ngàn xe ô tô bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm, không thể lăn bánh trên đường.

Ông Hệ cho hay, việc từ chối đăng kiểm đối với các phương tiện ô tô vi phạm giao thông được thực hiện theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, thông tư quy định, không được kiểm định phương tiện khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên “chương trình quản lý kiểm định”.

“Cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm đối với các phương nằm trong danh sách cơ quan CSGT thông báo về vi phạm hành chính giao thông đường bộ là có cơ sở và đúng theo quy định của Thông tư 70 của Bộ GTVT và  Luật giao thông đường bộ. Chủ phương tiện có nghĩa vụ tới cơ quan CSGT để phối hợp làm rõ người vi phạm và nộp phạt theo quy định”, ông Hệ nói.

Theo vị này, các trường hợp chủ xe Van (chủ yếu 2 dòng Kia Morning và Chevrolet Spark) lắp thêm ghế sau (dù có sử dụng hay không sử dụng) cũng vi phạm quy định luật giao thông đường bộ và những chiếc xe này cũng sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Trường hợp chủ xe tự ý lắp thêm cản trước/sau, vượt quá kích thước hiện trạng của xe khoảng 4cm cũng vi phạm quy định. Ngoài việc, bị cơ quan quản lý từ chối đăng kiểm, các phương tiện này con bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt hành chính với lỗi: "tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".

Xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nhưng không chấp hành cũng sẽ bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm.

Chủ phương tiện khi đến cơ quan đăng kiểm xe cần xuất trình: giấy chứng nhận đăng ký biển số, bảo hiểm còn hiệu lực, sổ chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận và tem kiểm định còn hiệu lực.

Phương tiện sau khi kiểm định mà có kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn quy định sẽ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Mức phí kiểm định đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi, xe cứu thương là 240.000 đồng; xe ô tô khách từ 10-24 ghế là 280.000 đồng…

Ô tô giá 350 triệu bị “phạt nguội”... 148 triệu đồng!

Không ít tài xế giật mình khi phát hiện ô tô của mình vi phạm lên đến hàng chục lỗi với số tiền trên trăm triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN