Vụ Vạn Thịnh Phát: Ngoài tuyên án, HĐXX còn kiến nghị gì?

Ngoài tuyên án đối với Trương Mỹ Lan và đồng phạm, HĐXX còn kiến nghị nhiều nội dung cần thiết, liên quan đến việc giải quyết triệt để ở giai đoạn 2 của vụ án này.

Ngày 11/4, TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Một góc phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Một góc phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xác định có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, quá trình phạm tội kéo dài, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của SCB nên không thể tha thứ.

Theo HĐXX, xét thấy bị cáo Trương Mỹ Lan không còn khả năng cải tạo, cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Từ đó, HĐXX quyết định tuyên tổng mức án tử hình đối với Trương Mỹ Lan về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

85 bị cáo khác được xác định vai trò đồng phạm với Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt các mức án khác nhau, từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân về nhiều tội danh.

HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm bồi thường 673.849 tỷ đồng, tương đương dư nợ 1.243 khoản vay.

Ngoài bản án hình sự và trách nhiệm dân sự, tòa còn kiến nghị nhiều nội dung liên quan để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ đại án này.

Thứ nhất, thông qua vụ án này, HĐXX nhận thấy các bị cáo đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập doanh nghiệp quá dễ dàng nhưng không kinh doanh, lấy pháp nhân đứng tên góp vốn chồng chéo… khiến cơ quan chức năng khó phát hiện, là kẽ hở để kẻ xấu thực hiện hành vi trái luật.

HĐXX kiến nghị Chính phủ, Bộ kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý việc thành lập doanh nghiệp, có phương án hậu kiểm đối với doanh nghiệp để tránh việc  kẻ xấu lợi dụng, thành lập doanh nghiệp với mục đích trái pháp luật.

Thứ hai, HĐXX kiến nghị tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong công tác kiểm toán tại các ngân hàng để đảm bảo minh bạch tài chính. Thực tế nhiều ngân hàng (trong đó có SCB) thuê công ty kiểm toán lớn nhưng khi kiểm toán không phát hiện sai phạm nào. Đến khi bị thanh tra, kiểm soát đặc biệt thì phát hiện sai phạm nghiêm trọng.

HĐXX đề nghị Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) - Bộ Công an và VKSND Tối cao, trong giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ vai trò các công ty kiểm toán tại SCB và đơn vị kiểm toán có liên quan, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ ba, liên quan đến số tiền 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD được các trợ lý của Trương Mỹ Lan khai đã đưa về Vạn Thịnh Phát hoặc về Hầm B1 - Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur) hoặc giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Số tiền này có nguồn gốc từ các khoản vay tại SCB và từ việc phát hành trái phiếu.

HĐXX đề nghị C03 - Bộ Công an, VKSND Tối cao khi điều tra giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ 108.000 tỷ đồng và hơn 14 triệu USD này để đảm bảo thu hồi và làm rõ các sai phạm liên quan (nếu có).

Thứ tư, trong 10 năm tái cơ cấu SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã rút hàng triệu tỷ đồng từ SCB. Trong số này, bị cáo Lan đã mang đi đầu tư, chuyển nhượng, góp vốn vào nhiều dự án. HĐXX kiến nghị C03 – Bộ Công an tiếp tục xác minh các tài sản, dự án của Trương Mỹ Lan hoặc các dự án bị cáo Lan hợp tác đầu tư để thu hồi, nhằm giải quyết triệt để trong giai đoạn 2 của vụ án này.

Thứ năm, trong vụ án này có 5 bị cáo đang bị truy nã, bị xét xử vắng mặt. HĐXX kiến nghị C03 – Bộ Công an tiếp tục xác minh nguồn gốc tài sản của 5 bị cáo này. Nếu có liên quan đến hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan thì xem xét kê biên, thu hồi, làm căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Thứ sáu, HĐXX kiến nghị C03 – Bộ Công an tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) đối với 3 người liên quan vụ án đã chết là Nguyễn Phương Hồng, quyền Tổng Giám đốc SCB;  Nguyễn Tiến Thành, thành viên HĐQT ngân hàng SCB và Nguyễn Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết hoạt động sát nhập, tái cơ cấu, thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng để phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay đều có khả năng thu hồi vốn.

Nguồn: [Link nguồn]

Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhận mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến chung thân, tử hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Công Thư ([Tên nguồn])
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN