Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Vì sao chỉ có 3 người được trả lại sổ tiết kiệm?

Sự kiện: Tin nóng

Tòa án xác định ba người này không có quan hệ vay mượn, họ cũng không biết Hà Thành là ai, do đó buộc ngân hàng trả lại tiền gốc và lãi theo sổ tiết kiệm cho họ.

Theo bản án sơ thẩm vừa được tuyên hôm qua (24-3), có 3 đại gia trong vụ án ''siêu lừa'' Hà Thành được tòa tuyên buộc ngân hàng trả lại tiền trong sổ tiết kiệm.

Đó là bà Phan Thị Tuất (70 tỉ đồng), ông Trần Văn Thanh (10 tỉ đồng), ông Nguyễn Văn Đức (hơn 22 tỉ đồng).

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án đối với Hà Thành và 25 đồng phạm

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án đối với Hà Thành và 25 đồng phạm

Miếng mồi thi công dự án

Theo tài liệu vụ án và diễn biến phiên tòa, khoảng giữa năm 2018, bà Phan Thị Tuất quen biết và có nhờ Nguyễn Văn Hồng (nhân viên Công ty MHD) giúp để công ty của bà Tuất được nhận thầu thi công xây dựng dự án Tòa nhà MHD Trung Văn.

Khi này Hà Thành và đồng phạm Nguyễn Thanh Tùng mua lại cổ phần trong Công ty MHD, chủ đầu tư của dự án MHD Trung Văn.

Khi biết bà Tuất muốn nhận thi công dự án, Hà Thành đặt điều kiện bà Tuất phải chứng minh năng lực tài chính bằng cách gửi tiết kiệm đồng sở hữu với Nguyễn Văn Hồng trong 3 tháng tại VietABank.

Theo cáo buộc, do cần tiền, Hà Thành đã nghĩ ra cách vay tiền của người khác dưới hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu. Sau đó, Thành và các đồng phạm cầm cố các sổ tiết kiệm này để vay tiền và chiếm đoạt của các ngân hàng NCB 47,5 tỉ đồng, của PVComBank 49,4 tỉ đồng,VietABank 273,9 tỉ đồng và 63 tỉ đồng của một số cá nhân.

Quá trình làm thủ tục vay tiền, Thành và đồng phạm đã giả chữ ký, chữ viết của những người có tiền. Các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua quy trình, quy định, tiếp tay cho hành vi lừa dối, chiếm đoạt của Hà Thành.

Việc này nhằm để Thành kiểm soát được tài chính của bà Tuất. Nếu hết hạn gửi tiền mà không hợp tác được với nhau thì sẽ cùng tất toán hợp đồng, bà Tuất nhận lại tiền.

Những nội dung trao đổi này đều thông qua Nguyễn Văn Hồng, bà Tuất không gặp Hà Thành.

Bà Tuất đồng ý và sau đó, bà Tuất và Hồng cùng đến gửi tiết kiệm tại VAB. Theo thỏa thuận, bà Tuất góp 20 tỉ đồng, Nguyễn Văn Hồng góp 20 tỉ đồng. Phần góp của Nguyễn Văn Hồng do Thành lo. Nhưng thực tế, Thành không lo được số tiền này.

Khi làm thủ tục, nhân viên VietABank lập Hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trị giá 40 tỉ đồng, kèm giấy đề nghị phong tỏa để bà Tuất yên tâm là tiền gửi không bị rút ra.

Mặt khác, nhân viên VietABank lập sổ tiết kiệm 20 tỉ đồng (toàn bộ số tiền này của bà Tuất) đưa cho Hà Thành. Bà Tuất không biết VietABank phát hành sổ tiết kiệm này.

Ngay hôm sau, với sự giúp sức của nhóm nhân viên ngân hàng, Hà Thành làm hồ sơ vay vốn, ký giả bà Tuất và Nguyễn Văn Hồng, rút tiền ra.

Hà Thành còn đề nghị bà Tuất tiếp tục chứng minh năng lực tài chính để cùng nhận dự án khác bằng cách mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu tương tự.

Lần này bà Tuất gửi vào 50 tỉ đồng. Nhân viên ngân hàng tiếp tục phát hành hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu cho bà Tuất, làm sổ tiết kiệm đưa Hà Thành và giúp sức Hà Thành vay vốn rút tiền ra.

Tương tự, anh Trần Văn Thanh, giám đốc một công ty xây dựng, cũng quen biết và nhờ Nguyễn Văn Hồng giúp tiếp cận hồ sơ, tham gia dự thầu, ký kết hợp đồng để thi công Tòa nhà MHD Trung Văn.

Vẫn với chiêu thức cũ, yêu cầu chứng minh năng lực tài chính bằng cách gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu, Hà Thành đã rút được 10 tỉ đồng từ VietABank.

Nhân viên ngân hàng môi giới

Còn đối với anh Nguyễn Văn Đức, anh là khách hàng gửi tiền tiết kiệm ở PGD Đông Đô, VietABank và không quen biết Hà Thành, cũng không gặp Hà Thành. Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng bộ phận khách hàng cá nhân PGD Đông Đô) nhờ anh cho một khách hàng VIP của ngân hàng vay tiền để chứng minh năng lực tài chính. Khách hàng này chính là Hà Thành.

Theo thỏa thuận, thời gian cho vay chỉ là 2 giờ. Anh Đức đã cầm cố sổ tiết kiệm để vay 22,7 tỉ đồng. Tiền được giải ngân về tài khoản của anh Đức. Sau đó, Quỳnh Hương chỉ đạo thực hiện hạch toán trên hệ thống ngân hàng, chuyển tiền của Đức đi cho vay, khi nào tiền về tài khoản, anh Đức sẽ đến ký bù chứng từ cho vay.

Số tiền của anh Đức, Hà Thành dùng để trả nợ cho người khác. Trả xong, Thành lại lập tức vay lại của người đó rồi đem số tiền này trả cho anh Đức, Những việc này đều có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng nên mới thực hiện trót lọt.

Sau khi số tiền được trả về tài khoản, anh Đức đến ngân hàng, ký bổ sung các giấy tờ, trả nợ ngân hàng và nhận về các sổ tiết kiệm dùng để cầm cố trước đó.

Đối với trường hợp của 3 người: bà Phan Thị Tuất, Trần Văn Thanh, Nguyễn Văn Đức, Tòa án xác định đây không phải là quan hệ vay mượn, những người này không biết Thành là ai. Do đó buộc ngân hàng trả lại tiền gốc và lãi theo sổ tiết kiệm cho họ.

Được biết, khi sự việc xảy ra, VietABank đã tất toán các sổ tiết kiệm của 3 cá nhân này và nhiều người liên quan khác trong vụ án để thu hồi nợ.

Vụ án được khởi tố từ năm 2018, qua nhiều phiên tòa, nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, bản án sơ thẩm vừa được tuyên hôm qua 24-3. Tâm điểm chú ý vẫn là câu chuyện giải quyết nghĩa vụ dân sự.

Bản án tuyên tạm giữ tiền trong sổ tiết kiệm của nhiều người gửi tiền để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho Hà Thành. Tổng số tiền của các đại gia này lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Riêng đại gia Đặng Nghĩa Toàn bị tạm giữ tổng cộng 122 tỉ đồng tại 3 ngân hàng NCB, PVCombank, VietABank.

Sở dĩ các đại gia bị tuyên giữ lại tiền là vì Tòa xác định quan hệ giữa họ và Hà Thành là quan hệ vay mượn riêng biệt. Việc gửi tiền vào ngân hàng để sau này nếu Thành không trả được thì ngân hàng có trách nhiệm trả.

Thỏa thuận này không phản ánh đúng ý chí của hai bên. Bản chất việc gửi tiền của là để ngân hàng trả nợ thay cho Thành. Đây là hợp đồng giả cách, che giấu thỏa thuận vay mượn.

Nguồn: [Link nguồn]

Toàn cảnh vụ ‘siêu lừa’ Hà Thành chiếm đoạt 433 tỉ đồng

Vụ án có 26 bị cáo liên quan việc chiếm đoạt 433 tỉ đồng của ba ngân hàng và một số cá nhân. Nguyễn Thị Hà Thành phải trả cho ngân hàng NCB 47 tỉ đồng, PVCombank 49,5 tỉ đồng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BÙI TRANG ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN