Vụ mua “nốt” xe 600 triệu: Vào bến Mỹ Đình có mất phí?

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, doanh nghiệp có nhu cầu chỉ cần làm hồ sơ gửi cho sở, chậm nhất là 3 ngày đơn vị này sẽ có văn bản trả lời. Thậm chí, doanh nghiệp có thể đăng ký nốt xe qua email, hoặc fax...

Mới đây, trong cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam ngày 15.10, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải phát biểu: “Có người nói với tôi, xin một nốt xe vào bến Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng”. Tuy nhiên, sau đó, Sở GTVT Hà Nội có văn bản khẳng định không có việc mất 500 - 600 triệu đồng vào bến xe Mỹ Đình.

Vụ mua “nốt” xe 600 triệu: Vào bến Mỹ Đình có mất phí? - 1

Xe khách hoạt động tại bến xe Mỹ Đình

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ tháng 7.2013 đến nay, bến xe Mỹ Đình giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động với 1.642 lượt xe/ngày. Sở Giao thông không chấp thuận, thỏa thuận tăng tần suất tại bến xe Mỹ Đình đối với bất kỳ đơn vị kinh doanh vận tải nào.

Về việc cấp nốt vào bến xe, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nốt xe chạy vào bến Mỹ Đình chỉ cần làm hồ sơ đăng ký với Sở GTVT ở địa phương.

“Khi chúng tôi nhận được hồ sơ sẽ xem xét xem có đảm bảo các tiêu chí, điều kiện kinh doanh không. Nếu đảm bảo đầy đủ các yếu tố, sau 3 ngày chúng tôi sẽ có văn bản trả lời. Thậm chí việc đăng ký có thể gửi qua gmail hoặc fax cho chúng tôi. Việc đăng ký “nốt” xe hoàn toàn không mất phí”, ông Linh nói.

Vụ mua “nốt” xe 600 triệu: Vào bến Mỹ Đình có mất phí? - 2

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Theo ông Linh, hiện nay có câu chuyện, doanh nghiệp chuyển nhượng, trao đổi với nhau quyền khai thác giữa các xe khách và nốt xe. Các doanh nghiệp thực hiện theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã. Việc trao đổi này cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vì đây là chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Thêm nữa, doanh nghiệp họ kinh doanh xe khách không có lãi thì họ hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.

“Chúng tôi chỉ quản lý về chất lượng dịch vụ, các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn vị nào không thực hiện đúng, chạy sai luồng tuyến, chạy sai biểu đồ, đưa xe kém chất lượng, chở quá tải... chúng tôi sẽ xử lý. Việc xử lý này đều căn cứ theo Nghị định 86 và Thông tư 83 của Bộ GTVT”, ông Linh nói.

Liên quan đến việc xe khách bắt khách dọc đường, gây mất an toàn giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, xe khách bắt khách sai quy định thường rơi vào các xe không có đăng ký, không được cấp phù hiệu, xe chạy theo dạng hợp đồng. Còn đối với nhà xe có đăng ký luồng tuyến với Sở là rất ít.

“Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với thanh tra của Sở, phát hiện xử lý những nhà xe bắt khách sai quy định. Đối với nhà xe vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp sở giao thông vận tải ở địa phương xử lý nghiêm. Vấn đề này cần thời gian, không thể đùng một cái là xử lý triệt để được”, ông Linh nói.

Xếp “nốt” hay “lốt”?

Theo giải thích của ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, xếp “lốt” được phiên từ “Slot” (đặt một vị trí - PV) của tiếng Anh giống như trong ngành hàng không. Nhưng trong ngành vận tải thường dùng từ “node” hay “nốt” vì trên biểu đồ chạy xe thời điểm xuất bến được thể hiện bằng “Node”. Hiện trong văn bản của cơ quan quan nhà nước, từ xếp “nốt” (tài chuyến) được sử dụng chính thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN