Vụ MH370: Nhìn lại 2 năm “mò” xác máy bay AF 447

Việc tìm kiếm chiếc máy bay của Pháp rơi và vỡ tan trên Đại Tây Dương, chôn vùi 228 người, đã mất tới 2 năm.

Chiều tối 24/3,Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố những phân tích mới về dữ liệu vệ tinh Inmarsat cho thấy chiếc máy bay MH370 đã đâm xuống Ấn Độ Dương và không còn ai trong số 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay sống sót giữa vùng biển khắc nghiệt này.

Tuyên bố này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người thân những hành khách đi trên chuyến bay định mệnh. Hàng trăm người dân Trung Quốc đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh để phản đối cái họ gọi là “hai tuần dối trá và thông tin sai lệch” từ phía nhà chức trách Malaysia về số phận người thân của họ. 17 ngày chờ đợi trong hi vọng để rồi tuyệt vọng, nhiều người trong số họ bật khóc đau đớn trong khi những người còn lại phản ứng một cách giận dữ.

Vụ MH370: Nhìn lại 2 năm “mò” xác máy bay AF 447 - 1

Khu vực được cho là máy bay MH370 rơi cách Australia 2.350km và là khởi đầu của cuộc tìm kiếm.

Không phải người thân của 227 hành khách trên chuyến bay MH370 là những người duy nhất phải chịu nỗi tuyệt vọng kinh hoàng này. Bốn năm về trước, năm 2009, một chuyến bay của Pháp cũng bị rơi xuống Đại Tây Dương, chôn vùi 228 sinh mạng xuống biển sâu và gây nên thảm kịch cho người thân của 216 hành khách có mặt trên máy bay.

Chuyến bay định mệnh

Đêm 31/5/2009, chuyến bay mang số hiệu AF 447 bằng máy bay Airbus 330 của Pháp khởi hành từ thành phố Rio de Janeiro, Brazil, mang theo 228 người và dự kiến tới Paris, Pháp vào sáng sớm hôm sau.

Tuy nhiên, cũng giống như số phận chiếc MH370 của Malaysia, chiếc AF 447 đã không tới được đích đến. Lúc 2h sáng, cơ trưởng và hai phi công phụ phát hiện ra họ đang phải đối mặt với một tình huống vô cùng nguy hiểm.

Vụ MH370: Nhìn lại 2 năm “mò” xác máy bay AF 447 - 2

Những biểu ngữ tố cáo Malaysia Airlines là “kẻ sát nhân”.

Theo kết luận của Ủy ban Điều tra rút ra 2 năm sau đó dựa vào hộp đen tìm được, khi máy bay AF 447 đang ở độ cao 12 km, các tinh thể băng đã bám đầy vào ống pitot của bộ cảm biến đo tốc độ của máy bay, khiến cơ chế lái tự động bị vô hiệu. Máy bay lộn vòng về bên phải và rơi dần xuống. Cảnh báo máy bay đang gặp nguy hiểm liên tục vang lên. Các phi công cố gắng nâng độ cao máy bay nhưng bất lực.

Chưa đầy một phút, các tốc độ hiển thị trên màn hình điều khiển liên tục thay đổi. Mỗi phút, máy bay giảm hơn 3km độ cao.

Điều khác biệt giữa AF 447 và MH370 là các phi công trên chuyến bay của Pháp đã cố gắng liên lạc và làm theo chỉ dẫn từ trạm kiểm soát không lưu. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực đề thất bại. Lúc 2h14, sau 4 giờ cất cánh, hộp đen máy bay ngừng hoạt động, toàn bộ khối sắt khổng lồ lao xuống biển Đại Tây Dương.

Vụ MH370: Nhìn lại 2 năm “mò” xác máy bay AF 447 - 3

Việc tìm kiếm và phát hiện AF 447 là thành công lớn nhưng tìm kiếm MH370 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Chiếc Airbus 330 đã vỡ tan khi chạm mặt nước. Thiết bị phát tín hiệu định vị không hoạt động, toàn bộ 228 người thiệt mạng. Giống MH370, máy bay AF 447 mất tích khỏi màn hình radar, kéo theo một cuộc tìm kiếm cứu hộ vất vả. 

Đó là những phút cuối của chiếc phi cơ xấu số, theo báo cáo của ủy ban điều tra thuộc BAE đưa ra gần 4 năm sau tai nạn.

2 năm cho quá trình tìm kiếm

Giống như vụ chiếc MH370 gặp nạn, nhiều quốc gia đã chung tay tìm kiếm máy bay AF 447 như Pháp, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, Senegal. Tuy nhiên, việc trục vớt máy bay và tìm kiếm thi thể nạn nhân phải mất tới 2 năm.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, ngày 6/6/2009, Brazil vớt được hai thi thể đầu tiên tại một quần đảo cách nước này khoảng 640km. Cuối tháng sau đó, 50 thi thể tiếp theo được tìm thấy.

Ngày 3/4/2011, nhiều mảnh vỡ của chiếc máy AF 447 này được tìm thấy.

Hai năm sau, tháng 5/2011, hộp đen máy bay được tìm thấy và được đưa lên từ độ sâu gần 4km cùng với 104 nạn nhân xấu số. Tuy nhiên, vẫn còn 74 người và xác chiếc máy bay chưa được tìm ra.

Vụ MH370: Nhìn lại 2 năm “mò” xác máy bay AF 447 - 4

Chiếc AF 447 đâm xuống nước rồi vỡ tan trên Đại Tây Dương

Đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử 75 năm của Hàng không Pháp. Sau nỗ lực kéo dài của rất nhiều phương tiện ngầm và trên mặt biển, số phận bi thảm của chiếc máy bay Airbus 330 mang số hiệu AF 447 mới được hé lộ sau khi hộp đen máy bay được tìm thấy.

Việc tìm kiếm chiếc máy bay MH70 cũng được cho là mất nhiều thời gian và quan trọng nhất là những manh mối có được từ các mảnh vỡ và tập trung ở nam Ấn Độ Dương.

Theo tờ BBC, thuyền và máy bay đang tiến tới hai vật thể lớn được cho là mảnh vỡ máy bay MH370 đã được vệ tinh chụp lại. Nếu hai vật thể này cho thấy dấu hiệu một vụ nổ thì đây sẽ là đầu mối quan trọng cho biết điều gì đã thực sự xảy ra với máy bay và thu ngắn khoảng cách tìm kiếm.

Tuy nhiên, “vì thời gian đã xảy ra quá lâu, do tác động của gió và dòng chảy nên các mảnh vỡ trôi khá xa, việc tìm kiếm không dễ dàng”, ông David Mearns, Giám đốc công ty cứu hộ Blu Water nói.

Theo ông David Mearns, việc tìm kiếm hộp đen là rất cần thiết. Chiếc hộp này có tuổi thọ 30 ngày, đôi khi lâu hơn.

“Không giống như MH370, chúng tôi đã xác định được vị trí rơi cuối cùng của chiếc AF 447 nên việc tìm kiếm dễ dàng hơn dù đều không có tín hiệu hộp đen. Việc tìm kiếm MH370 sẽ khó hơn rất nhiều”, ông David Gallo, Viện Hải dương học, Mỹ, cho biết.

“Chúng ta đã biết đường bay của AF 447 nhưng việc tìm kiếm vẫn mất hơn 2 năm. Giờ chúng ta không biết chính xác đường bay của MH370 trong khi khu vực tìm kiếm lại quá rộng lớn”, tiến sĩ Simon Boxall, nhà Hải dương học của đại học Southampton, Mỹ, nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN