Vụ hôi bia: "Lộc trời cho" hất đổ lòng nhân ái

Một chiếc xe tải gặp nạn, hàng nghìn thùng bia đổ ào xuống đường. Người dân nhao ra thu lượm. Nhưng không phải họ giúp đỡ tài xế mà là họ vơ vét về mình, coi như “lộc trời cho”. Gần 1.500 thùng bia rời khỏi hiện trường, để lại người tài xế ngơ ngác, mếu máo trước khoản đền bù khổng lồ, thậm chí, còn phải đối mặt với cảnh lao tù nếu không đền được.

Đó là câu chuyện đang làm dậy sóng dư luận trong những ngày vừa qua.

"Lòng nhân ái ngày càng xa xỉ"

Cũng như đa số ý kiến gửi về, độc giả Phạm Ngọc Đông (dongvp…@gmail.com) lên án hành động “hôi bia” này: “Tai nạn xảy ra, không giúp đỡ đã thấy hổ thẹn với lương tâm, huống chi lại lao vào cướp bóc. Vừa thương người tài xế, vừa thấy xấu hổ cho tinh thần đùm bọc của người Việt Nam.”. Tương tự, độc giả halanphuongnd…@gmail.com lo lắng khi dường như lòng nhân ái ngày càng trở nên xa xỉ hơn.

Độc giả Ngô Trịnh Mai Oanh (oanhngo…@gmail.com) cho biết chị rất bức xúc trước hình ảnh xấu xí này: “Sao người ta có thể bê những thùng bia đi với khuôn mặt rạng rỡ, mặc những giọt nước mắt đau khổ của người bị nạn?”. Còn độc giả Đông Dương (dongduong…@gmail.com) cho biết anh rất buồn khi tưởng tượng đến cảnh những người hôi bia hoan hỉ kể lại cho con cháu nghe chuyên họ đã hôi của từ chiếc xe bị tai nạn ra sao, và rồi họ sẽ giáo dục con cháu như thế nào?

Trong khi đó, độc giả Trần Thị Thanh Tâm (bangbangtam…@gmail.com) bảy tỏ lòng thương cảm với người tài xế: “Anh Hậu đang sống trên mảnh đất quê hương Việt Nam, vậy mà khi hoạn nạn lại thật cô đơn và bất lực trước đồng loại. Nỗi đau đó còn lớn hơn nỗi đau bị chủ phạt tiền”.

Từng là nạn nhân của nạn hôi của, độc giả Vũ Thị Thanh Bình (thanhbinh…@gmail.com) kể lại câu chuyện của mình: “Lần đó tôi suýt chết vì khi bị tai nạn họ đã lấy của tôi cả tiền lẫn điện thoại. Không có điện thoại liên lạc, bác sĩ phải chờ tôi tỉnh để liên lạc với gia đình rồi mới cấp cứu cho tôi.”

Vụ hôi bia: "Lộc trời cho" hất đổ lòng nhân ái - 1

Tranh nhau hôi của từ chiếc ô tô bị nạn (Ảnh: ZING.VN)

Vụ hôi bia: "Lộc trời cho" hất đổ lòng nhân ái - 2

Sau 30 phút, nơi vừa có hơn 1.000 thùng bia nằm ngổn ngang đã chỉ còn lại những mảnh vỏ chai vỡ nát (Ảnh: Người lao động)

Độc giả Kim Oanh (kimoanh…@yahoo.com) đặt ra hàng loạt câu hỏi xót xa: “Cướp của người bị nạn về làm giàu ư? Sao họ có thể nuốt trôi mồ hôi nước mắt của người khác? Tại sao xã hội ngày càng nhiều những kẻ siêng ăn nhác làm như thế này?”. Còn theo độc giả nguyenha…@gmail.com, “khi uống những lon bia đó, những người hôi của đã đồng thời tự xóa đi nhân cách của mình”.

Khi đọc những thông tin về vụ việc, độc giả Ngô Hoàng Quốc Việt (quocviet…@gmail.com) viết: "Văn hóa người Việt ta đã dần bị mai mòn bởi một lối sống vô cảm và cá nhân. Thế giới sẽ nhìn người Việt thế nào?”. Cùng chung suy nghĩ, độc giả haiphong…@gmail.com nhận định những người hôi của chỉ một bộ phận rất nhỏ nhưng họ đã khiến hình ảnh con người và đất nước Việt Nam xấu đi trong mắt chính người dân ta và bạn bè quốc tế.

Nhìn ra nước bạn, độc giả có email haytin…@gmail.com viết: “Bị sóng thần tấn công, trước nguy cơ chết đói nhưng người Nhật vẫn xếp hàng dể nhận đồ cứu trợ, không hề có hiện tượng chen lấn xô đẩy”.

Nhớ đến câu chuyện hôi của vừa xảy ra tại Philippines sau siêu bão Haiyan, độc giả lovestarratsevol@yahoo.com cho rằng điều đó hoàn toàn có thể thông cảm, bởi khi đó “họ đã mất tất cả và đang phải giành giật lấy sự sống”, vụ hôi bia vừa rồi tại Đồng Nai thì khác hoàn toàn. “Đừng nói người Philippines cần phải học người Nhật. Hãy nói rằng: Người Việt Nam hãy học từ văn hóa của người Nhật” – độc giả này viết.

Đưa ra hình ảnh đối lập với cảnh hôi bia, độc giả có địa chỉ email phutrach…@gmail.com cho biết, cách đây ít lâu, tại Sóc Trăng cũng có một xe chở bia bị lật, tuy nhiên người dân xung quanh đã chung tay giúp đỡ tài xế. Một câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra tại Đà Nẵng. Dù ít dù nhiều, những chai bia được thu gom lại đã khiến ai ai cũng phải cảm động.

Bêu tên, xử lý hình sự, hay là… như thế nào?

Có đến 90% ý kiến độc giả cho rằng cần xử lý nghiêm những người hôi bia bởi cách hôi của công khai này gần với cướp giật hơn là hôi của thuần túy. Độc giả Hoàng Anh (anhdt…@yahoo.com.vn) viết: “Đây không chỉ là hành vi thiếu văn hóa mà còn là công khai chiếm đoạt tài sản người khác”. Độc giả Thanh Thủy (lethanhthuy…@gmail.com) gợi ý nên phạt gấp 10 lần giá trị của việc hôi của, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn độc giả hongphuc.nguyen…@gmail.com cũng cho rằng cần luật hóa quy định xử phạt hành vi hôi của.

Khi biết tin công an vào cuộc điều tra vụ việc, độc giả có email binhtrieu…@gmail.com tỏ ra vui mừng: “Ít ra phải cho những người hôi của thấy được hậu quả mà mình gây ra cho người khác là rất lớn”.

Vụ hôi bia: "Lộc trời cho" hất đổ lòng nhân ái - 3

Có đến 90% ý kiến độc giả cho rằng cần xử lý nghiêm những người hôi bia (Ảnh: ZING.VN)

Quanh vấn đề xử lý thế nào với những người hôi bia, có ý kiến cho rằng có thể đưa danh tính những người này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng tình với ý kiến này, độc giả quocthanh…@gmail.com viết: “Cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm khắc đối với những người này bằng cách phạt hành chính và đưa ra phê bình trước quần chúng nhân dân nơi họ đang cư ngụ để lên án và răn đe với những người khác”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng việc “bêu tên” là không nên. Độc giả daodung…@gmail.com viết: “Nói đã nói nhiều rồi, người nào xấu hổ thì cũng đã xấu hổ rồi. Giờ mà bêu tên họ nữa, những người thân mà đặc biệt là con em họ đến trường bị chế giễu thì hậu quả còn tệ hại hơn”. Còn độc giả Đinh Thị Hoài Thương (hoaithuong…@gmail.com) cho rằng việc báo chí đưa tin thường xuyên cũng đã phần nào đánh vào tâm lí những người hôi của. “Có thể người ta cũng muốn được trả lại số bia đó nhưng không biết làm thế nào vì sợ xấu hổ. Làm thế nào đó để lấy lại số bia bị mất là giải pháp cần nhất trong lúc này: - độc giả này viết.

Là một trong số rất nhiều người ủng hộ ý kiến chung tay giúp đỡ người tài xế, độc giả hungtuong…@gmail.com viết: “Số tiền 400 triệu là rất lớn với một cá nhân, nhưng nếu là một cộng đồng thì không là gì cả. Hãy bớt đi một buổi ăn sáng, một lần la cà quán nước, một buổi nhậu… đổi lại chúng ta sẽ làm cho anh Hậu giữ được niềm tin rằng không phải ai cũng xấu. Hành động đó cũng sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc và tự hào về bản thân mình”. Tương tự, độc giả tcthanghoa…@gmail.com cũng cho rằng, hành động này không chỉ giúp người gặp nạn mà còn là là lời cảnh tỉnh cho người dân hãy biết yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống..

Trong khi đó, nói về vụ hôi bia vừa xảy ra, GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết “hôi bia” dù sao cũng chỉ là sự ăn cướp một cách nhỏ mọn. “Xã hội có những kẻ ăn cướp giấu mặt, lớn hơn “ăn bia” nhiều. Đó là người có thế lực tham nhũng, ăn cướp của dân. Nhưng khi chưa lộ mặt, họ vẫn đi giảng đạo đức cho người khác.” - Giáo sư Thịnh nói.

Ai nên gánh trách nhiệm sau vụ hôi bia?

Tôi không biết trong trường hợp này ai là người chịu trách nhiệm chính. Rất nhiều người vẫn nghĩ rằng anh tài xế đó phải chịu trách nhiệm về số bia đã mất, hoặc những người hôi bia sẽ phải đền bù, cũng có thể công ty vận chuyển sẽ hỗ trợ, hoặc có bảo hiểm, nhưng đó không phải là cách làm hay. Hơn 300 triệu là số tiền quá nhỏ bé so với quy mô của một nhà máy bia. Giá như họ có một động thái ví dụ là sẽ hỗ trợ toàn bộ số bia đã mất kia thì hình ảnh hãng bia sẽ đi vào lòng người.

Độc giả Nguyễn Văn Phương (nvp_hut...@yahoo.com)

Có một bài trên Facebook đã viết: "Từ những gì người Nhật đã thể hiện, điều quan trọng nhất và cần thiết nhất chúng ta có thể học hỏi là cách xây dựng niềm tin của họ. Nhân dân không hoảng loạn trước nguy cơ thảm họa hạt nhân vì họ tin vào khả năng kiểm soát và xử lý sự cố của chính phủ, cũng như tin vào tính trung thực của những thông tin về mức độ an toàn. Họ không tranh giành vì họ tin vào sự công bằng của việc phân phát. Họ không hôi của vì họ tin rằng họ sẽ sớm khôi phục lại cuộc sống như trước kia bằng chính sức lao động của họ. Và trên tất cả, họ tin rằng những hành động có ý thức của họ sẽ được cộng đồng đáp lại bằng những hành động có ý thức. Tất cả góp phần tạo nên một cộng đồng quy củ và kỷ luật.”

Độc giả Hoàng An (nghialp…@gmail.com)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Hôi bia mặc tài xế van xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN