Vụ giàn khoan: Sẽ có nhiều nước ủng hộ Việt Nam

“Sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ có nhiều nước và nhân dân yêu hòa bình thế giới ủng hộ Việt Nam”.

“Đúng thời điểm”

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh quân khu 1 cho rằng, Thủ tướng đã có bài phát biểu mạnh mẽ mà ông “chờ đợi từ lâu” tại hội nghị cấp cao ASEAN, ngày 11/5.

“Cá nhân tôi, và có lẽ, tất cả người dân Việt Nam đã rất chờ đợi sự lên tiếng của Thủ tướng từ lâu. Thủ tướng đã lên tiếng đúng thời điểm – đó là tại hội nghị cấp cao ASEAN”, Trung tướng nói.

“Tôi cho rằng, lúc này chúng ta nên kịch liệt, kiên quyết lên tiếng phản đối bằng các biện pháp hoà bình, mềm dẻo đấu tranh bằng lẽ phải. Đồng thời, kêu gọi được sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới và khu vực trong vấn đề Biển Đông”.

Hội nghị cấp cao ASEAN chính là cơ hội để Việt Nam cho các nước trong khu vực thấy lẽ phải của mình và âm mưu xâm chiếm từ phía Trung Quốc.

Điều này đã được Thủ tướng bày tỏ tại Hội nghị, khi ông nói rằng, đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN. Trung Quốc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm đấu tranh: “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.

Vụ giàn khoan: Sẽ có nhiều nước ủng hộ Việt Nam - 1

Giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc

Trung tướng Thệ nhận định, phát biểu của Thủ tướng đã nêu lên quan điểm, cách giải quyết vấn đề Biển Đông theo đường lối ngoại giao phù hợp với tình hình hiện nay. Thể hiện sự độc lập chủ quyền, kiên quyết đấu tranh để giành lại toàn vẹn lãnh thổ. Mặc dù bị xâm phạm, nhưng Việt Nam cũng đã hết sức kiềm chế, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Đây cũng là mong muốn của nhân dân Việt Nam – dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Ông nói thêm: “Phát biểu của Thủ tướng sẽ tác động mạnh mẽ đến người yêu hòa bình trên toàn thế giới. Chắc chắn, sẽ có nhiều nước trên thế giới ủng hộ công lý, lẽ phải của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông”.

Thực tế cho thấy, một số nước đã lên tiếng phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Hội nghị ASEAN, các nước ASEAN đã ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

“Không để mắc mưu Trung Quốc”

Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là âm mưu đã được chuẩn bị từ trước của Trung Quốc. Với lý do “doanh nghiệp hoạt động kinh tế”, Trung Quốc âm mưu xâm chiếm Biển Đông.

Đó là lý do vì sao bên cạnh giàn khoan Hải Dương - 981 có lúc lên tới 80 tàu, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến đấu tốc độ nhanh. Tàu của Trung Quốc còn lại đâm va vào tàu Việt Nam và mở bạt che pháo đe doạ.

Trước âm mưu trên, chúng ta cần phải đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, bằng công lý, lẽ phải. Các biện pháp đưa ra cần khôn khéo, mềm dẻo để họ thấy được lẽ phải và thấy được việc làm của họ là sai trái, tự rút đi.

Nếu đụng độ quân sự nghĩa là chúng ta mắc mưu của Trung Quốc. Bây giờ chỉ cần cảnh sát biển của ta nổ súng thì tình hình trên biển sẽ chuyển biến ngay. Trung Quốc sẽ lợi dụng lý do này để gây hấn theo kịch bản đã chuẩn bị sẵn. Vì thế, tàu Trung Quốc liên tục khiêu khích, đâm va vào tàu Việt Nam.

Tuy nhiên, không vì thế ta nhu nhược để họ muốn làm gì thì làm. Họ làm được cái này thì sẽ làm cái khác. Giàn khoan Hải Dương - 981 đứng được ở Biển Đông, sau đó sẽ có thêm nhiều giàn khoan khác đặt thêm. Hệ quả, gây nguy hiểm đến lãnh thổ của chúng ta. “Vì thế, bằng mọi giá, phải đuổi giàn khoan trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

Ông Thệ nhắc lại, phải đấu tranh bằng con đường ngoại giao, trên nhiều mặt trận, kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của người dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng nói thêm, khi tất cả các biện pháp hòa bình đều không được, chúng ta muốn hòa bình nhưng họ không chịu, bắt chúng ta phải cầm súng chiến đấu, thì chúng ta cũng sẵn sàng.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhận định, Trung Quốc hay sử dụng chiêu bài “sự đã rồi”, sau đó đàm phán. Hiện nay, Trung Quốc đang bộc lộ chiêu bài này qua thông tin có thể đàm phán song phương với Việt Nam. “Nhưng nếu chúng ta đàm phán song phương, tức là mắc mưu của họ”. Đã có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, có Nguyên tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)... thì cứ theo pháp luật mà làm, sao phải đàm phán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng – Tất Định ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN