Vụ đâm tàu ở Vũng Tàu: Nước mắt “vọng phu”

Nửa tháng sau vụ tàu Sima Sapphire (quốc tịch Singapore) đâm gãy đôi tàu cá Tiền Giang TG 82819 TS tại vùng biển Vũng Tàu làm 8 người chết và mất tích, chúng tôi tìm đến gia đình các nạn nhân tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang. Nỗi đau mất người thân và những gánh nặng cuộc sống đang đè nặng gia cảnh người bị nạn.

Xóm trọ tang thương

Khu nhà trọ số 123 ở tổ 6, khu phố 5, phường 9, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tuềnh toàng nằm sâu trong con hẻm nhỏ chỉ một người đi lọt. Cuối hẻm là căn nhà nơi bà Đỗ Thị Thương (49 tuổi), vợ của nạn nhân Đặng Văn Thơm (hiện đang mất tích) và là chị ruột nạn nhân Đỗ Ánh (đã tìm thấy thi thể) ở trọ. An ủi lớn nhất với bà là đứa con trai là Đặng Văn Được năm nay 19 tuổi may mắn thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng đó. 

Đã hơn nửa tháng trôi qua, kể từ khi tai nạn xảy ra, không khí đau thương ở đây vẫn còn u ám. Xóm trọ có gần 20 phòng thì có đến 3 gia đình là nạn nhân trong vụ chìm tàu vừa qua, trong đó hai gia đình có người thân mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy xác.

Vụ đâm tàu ở Vũng Tàu: Nước mắt “vọng phu” - 1

Bà Đỗ Thị Thương bên bàn thờ người chồng đang mất tích

Căn phòng nơi bà Thương đang trọ chỉ rộng chừng 15m2, không thấy có gì đáng giá. Ngay ở góc cửa vào, một chiếc bàn vừa được mua về để lập bàn thờ. Bà Thương bảo: “Không còn hy vọng gì nên tôi lập cái bàn thờ để mong ông ấy (chồng bà Thương) được siêu thoát. Còn xác em tôi hiện đã đưa về quê”. 

Bà Thương quê ở Bạc Liêu còn chồng ở An Giang. Cuộc sống khó khăn khiến ông bà phải bươn trải nhiều nơi kiếm sống rồi phiêu dạt về đây kiếm kế sinh nhai. Ông thì đi biển còn bà hay đau ốm nên ở nhà làm mấy việc nhẹ. Con gái lớn của ông bà đang đi phụ bán cơm ở Vũng Tàu. Đặng Văn Được là con trai thứ hai phải bỏ học đi biển với cha từ khi mới 13 tuổi. Khi chúng tôi đến, Được đã về An Giang thăm bà nội đang bị bệnh nặng. Còn cậu út năm nay mới học lớp 8. Mấy năm trước, nghề biển èo uột, ông Thơm và con đi làm cả năm mà chẳng có tiền chia. Năm nay đỡ hơn, hy vọng của gia đình bà vừa nhen nhóm thì tai họa bất ngờ ập đến. 

"Hơn 10 năm trước, bão đã cuốn ổng mất tích 5 ngày mới trở về nhà. Nhưng lần này, ông ý đã đi mãi không về” - bà Mỹ nghẹn ngào trong nước mắt. 

Bà kể, hôm vụ tai nạn xảy ra bà không hay biết nên vẫn đi làm ở cảng cá. Đến trưa, khi nhận được tin chồng, con và em trai bị nạn, bà không tin nổi đó là sự thật. “Người tui lúc đó như điên loạn. Đạp xe về nhà mà đụng vô người ta cũng không biết”. Nén nỗi đau trong lòng, bà hy vọng chồng và em vẫn còn sống vì con trai của bà đã may mắn được cứu. “Nhưng đến ngày thứ 3 sau vụ tai nạn họ gọi tôi về nhận xác em trai thì tôi biết… không còn hy vọng gì nữa. Sinh nghề tử nghiệp biết làm sao bây giờ. Giá mà đưa được xác ổng về với mẹ con tui…”, bà Thương nức nở. 

Cách đó hai phòng trọ, chị Nguyễn Thị Mỹ (vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hiệp) đã cạn khô nước mắt. Đưa cho chúng tôi xem mấy cân cá, mực vẫn còn tươi để trong tủ lạnh. Chị kể, hai ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, một người cùng xóm trọ do có việc gia đình đã xin “quá giang” tàu khác về nhà. Nhân tiện, anh Hiệp chồng chị đã gửi đồ ăn và gọi điện về cho vợ. “Ông dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe và nhớ uống thuốc trị bệnh tim đều đặn để không nặng thêm… Ai dè, đó là những lời cuối cùng.

Những đứa trẻ mất cha

Cũng tại xóm trọ nghèo này, chúng tôi đã không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến hoàn cảnh gia đình chị Cao Kim Huệ - vợ nạn nhân Nguyễn Văn Tân (38 tuổi). Chồng chị ra đi để lại chị bơ vơ với đứa con trai còn chưa tròn một tuổi. Nhìn đứa trẻ hồn nhiên đùa nghịch lòng người mẹ càng thêm quặn thắt.  Cố nuốt nước mắt vào lòng, chị Huệ cho hay, anh Tân đã đi biển 20 năm nay.

Vụ đâm tàu ở Vũng Tàu: Nước mắt “vọng phu” - 2

Chị Cao Kim Huệ và đứa con mới 11 tháng tuổi trước bàn thờ của người chồng, người cha đang mất tích

Trước đó, ngày 9/9 do bố vợ nhập viện, anh Tân gọi về nói chuyện với vợ qua bộ đàm Đài duyên hải. Anh khoe chuyến này trúng lắm, hỏi thăm các con và còn dặn chị coi thằng con trai lớn học hành. Như có linh tính, khoảng 23h đêm 15/9 trước khi xảy ra vụ tai nạn vài tiếng, anh Tân cũng gọi về. Nhưng do tín hiệu chập chờn nên anh chị chưa nói được gì. Cả đêm chị chập chờn không yên giấc vì theo lịch trình tàu đã cập bến vào khoảng nửa đêm nhưng đến sáng vẫn không thấy chồng về. “Nghĩ là có chuyện chẳng lành nhưng tui không ngờ là tàu lại gặp nạn thảm khốc đến thế…”, chị Huệ ôm đứa con nhỏ vào lòng khóc nấc.

Khi chúng tôi xem những tập vở của đứa con trai lớn đang học lớp 8, chị bảo nó học giỏi lắm, anh chị hy vọng ở nó nhiều. Từ hôm hay tin ba mất, nó lầm lì hẳn nhưng vẫn cố đến trường cho mẹ đỡ buồn. “Còn ảnh thì vợ chồng cũng ráng mà lo cho nó học hành đến nơi đến chốn, giờ một mình tui thì không biết tương lai ra sao…?” - chị Huệ lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Tư - Mai Huyên (Giaothongvantai.vn)
Đâm tàu trên biển Vũng Tàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN