Vụ cháy nhà gỗ ở HN: Khổ trăm bề!

Đám cháy ập đến trong chốc lát đã làm mất nhà, mất cửa, thiêu rụi nhiều tài sản, giấy tờ và cả tiền bạc mà họ dành dụm chắt chiu mãi mới có được.

Liều mình thoát thân
 

Khu tập thể nhà gỗ phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gồm 3 dãy nhà. Nhà C8 là dãy nhà thuộc khu tập thể này, gồm 2 tầng. Mỗi tầng có hơn chục căn hộ, đã được xây dựng cách đây từ hàng chục năm, nay đã cũ kĩ, tồi tàn.

Cả dãy nhà dài dằng dặc tun hút vào bên trong mà chỉ có một lối đi vào độc đạo rộng chừng 1m, kéo sâu suốt theo chiều dài khu nhà.

Theo nhiều người dân, trước đây, khu tập thể có 2 lối đi vào ở hai đầu nhưng mới đây chỉ còn một lối đi lại duy nhất, lối đi đã bị lấn chiếm xây bịt kín lại. Các phòng nằm san sát nhau, chỉ cách một vách gỗ.
 
Sống ở đây, ban ngày cũng như ban đêm. Nếu không bật điện thì tối om, ánh sáng dường như không đủ sức lọt qua những khe ván nhỏ được bao bọc bịt kín cả 4 bề. Đóng cửa vào, nhìn ra bên ngoài không biết là trưa hay là tối.
 
Nguy cơ xảy ra cháy ở khu tập thể này đã được cảnh báo từ trước bởi thực tế toàn bộ kết cấu ngôi nhà được xây bằng gỗ, dây điện mắc chằng chịt.
 
Vụ cháy sáng 26/8 ập đến quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay, cố gắng sao cho chạy được để thoát thân chứ chẳng mang gì theo được ngoài bộ quần áo mặc trên người.

Vụ cháy nhà gỗ ở HN: Khổ trăm bề! - 1

“Khói bất ngờ túa ra từ một căn nhà trong khu rồi thấy tiếng hô hoán, kêu gào có cháy, gọi nhau chạy toán loạn cả lên”

Vụ cháy nhà gỗ ở HN: Khổ trăm bề! - 2

Bác Vũ Văn Tuy (SN 1954) sống tại phòng số 21 vẫn còn nhớ như in lúc ngọn lửa ập đến

Vụ cháy nhà gỗ ở HN: Khổ trăm bề! - 3

Đám cháy ập đến trong chốc lát đã làm mất nhà, mất cửa, thiêu rụi nhiều tài sản của người dân

“Bất ngờ khói thốc mù mịt, cay xè cả mắt, hai người cách nhau 1m còn không nhìn thấy gì. Gió thốc lửa ập đến nhanh quá, trần nhà cháy dữ dội. Ở ngoài tiếng chân người chạy cùng tiếng hô hoán kêu gào náo loạn” - bác Tuy kể lại.
 
Trong nhà có một cụ già nằm ở giường cùng vợ và đứa con gái lớn, lối độc đạo vào khu nhà thì đã bị khói lửa kẹt cứng. Dù đã gần 60 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng lâm vào đường cùng, bác đã trèo lên mái nhà giật tung cửa gió trên nóc nhà để cho vợ và đứa con gái cố chui mình lên thoát nạn.
 
“Lúc đó, tôi khản giọng đi vì hô gào, kêu cứu, thiếu may mắn chút nữa thì tôi cũng bỏ mạng” - bác Tuy nhớ lại.

Nhưng đau xót thay, cứu được người vợ và đứa con gái thì bà cụ Hoàng Thị Dăm (SN 1928)- mẹ đẻ của bác Tuy cũng phải bỏ mạng vì sức cùng lực yếu.
 
May mắn hơn, cụ Trần Thị Nguyên (88 tuổi) đã thoát chết trong gang tấc vì sống ngay ở tầng 1 khu tập thể. Cụ Nguyên ở với người con trai là Đặng Thế Túy (SN 1955). Lúc vụ hỏa hoạn xảy ra, may mắn ông Túy cũng ở nhà bà nên đã được cứu sống.
 
“Mắt bà cụ mờ không tự đi được. Khói ùa vào, hơi lửa nóng khiến lúc đó bà càng không thể mở được mắt, nhưng rồi cũng kịp được đưa ra ngoài” - ông Túy kể.

Khổ trăm bề!
 
Nhiều người gọi đây là 'khu ổ chuột'. Nay bỗng dưng đám cháy ập đến trong chốc lát đã làm mất nhà, mất cửa, thiêu rụi nhiều tài sản, giấy tờ và cả tiền bạc mà họ dành dụm chắt chiu mãi mới có được.
 
Như trường hợp gia đình của chị Đào Thị Lan (40 tuổi). 2 vợ chồng cùng đứa con nhỏ mới sinh sống ở đây được 8 năm.
 
Chồng mưu sinh bằng nghề đạp xích lô trên phố, vợ bám vào chợ rau hàng ngày để kiếm sống. Lúc xảy ra cháy 2 vợ chồng đều đi vắng, nghe tin báo tất tả chạy về thì tất cả căn nhà đã bị lửa thiêu rụi.

Vụ cháy nhà gỗ ở HN: Khổ trăm bề! - 4

Toàn bộ đồ đạc tài sản của các hộ dân bị thiêu rụi hoàn toàn

Nhìn toàn bộ đồ đạc, tài sản, giấy tờ chát thành tro, anh chị đau xót lắm nhưng không biết làm thế nào.
 
Hay trường hợp của ông Đặng Thế Túy nuôi mẹ già nay đã 88 tuổi. Vợ mất, có hai còn nhỏ hiện đang vào Sài Gòn làm thuê. Một mình ông ở lại nuôi mẹ bằng nghề sửa chữa điện gia dụng tại khu tập thể.
 
2 mẹ con có đời sống sinh hoạt vô cùng eo hẹp, bởi thu nhập của ông Túy cũng thất thường. Các con đi làm xa nhưng không có tiền nên hiếm khi mới thấy gửi về. 

Nay vụ hỏa hoạn xảy ra, mất nhà cửa, tài sản chẳng có là bao nhưng đồ nghề kiếm sống hàng ngày bị lửa thiêu trụi, giờ ông chẳng biết trông vào đâu.
 
“Sắp tới chẳng biết ở đâu. Giờ mong muốn lớn nhất được chính quyền phường, quận giải quyết chỗ ăn ở tạm thời bởi mẹ già đau ốm già cả rồi, mắt lại kém không nhìn thấy gì” - ông Túy đau buồn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Tuấn (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN