Vụ cảnh sát đánh người ở Sóc Trăng: Nạn nhân có quyền yêu cầu khởi tố

Các nạn nhân có quyền yêu cầu giám định thương tích để xác định tỷ lệ tổn thương, từ 31% thì có quyền yêu cầu khởi tố vụ án.

Video: Đoạn clip ghi lại vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội

Diễn biến vụ việc

Liên quan đến clip cảnh sát đánh 2 thiếu niên tới tấp được lan truyền trên mạng xã hội, tối 28/9, đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, quan điểm Ban Giám đốc Công an tỉnh là cán bộ, chiến sĩ nào sai đến đâu, xử lý nghiêm đến đó theo quy định.

Theo xác minh bước đầu, sự việc xảy ra vào lúc 15h ngày 25/9, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT dịp lễ Sene Đolta trên quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn qua phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Hình ảnh được cắt từ clip được đăng tải trên mạng xã hội.

Hình ảnh được cắt từ clip được đăng tải trên mạng xã hội.

Lúc này, Tổ tuần tra thuộc Đội CSGT-TT Công an thị xã Vĩnh Châu có 5 người do đại úy H.T.A, Phó Đội trưởng, Tổ trưởng và 4 cán bộ là Tổ viên, gồm: đại úy C.M.T; trung úy N.Q.T.; đại úy T.M.Đ. và thượng úy Đ.T.P. phát hiện 1 thiếu niên điều khiển xe mô tô hiệu Exciter chở theo 1 thiếu niên khác đi ngược chiều. Tổ tuần tra nghi 2 em sử dụng rượu, bia và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Khi Tổ tuần tra ra tín hiệu dừng phương tiện, đối tượng không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng qua các tuyến đường Nam Sông Hậu - Lê Lai - Trưng Nhị - 30/4 - huyện lộ 43 - Nam Sông Hậu (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) với quãng đường khoảng 30km.

Khi đến địa bàn ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải (khu vực cơ sở thu mua tôm ông Sái), lực lượng làm nhiệm vụ mới dừng được phương tiện.

Do quá không kiềm chế được trước hành vi của 2 người đi xe máy, nên 3 cán bộ N.Q.T., C.M.T và Đ.T.P. đã có hành vi bạo lực với 2 đối với 2 thiếu niên, bị camera giám sát của nhà kho ghi lại.

Sau đó Tổ công tác đưa người và phương tiện về trụ sở Công an xã để làm việc.

Tại đây, hai người đi xe máy khai nhận là N.H.Đ. (SN 2006, người điều khiển phương tiện) và người đi cùng là L.T.L. (SN 2007), cả hai cùng ngụ xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu.

Bước đầu làm việc, hai thiếu niên thừa nhận các hành vi vi phạm, gồm: không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị.

Sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo tạm đình chỉ 4 cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu tham gia ca trực ngày 25/9. Đồng thời, yêu cầu Công an thị xã Vĩnh Châu báo cáo toàn bộ vụ việc để có hướng xử lý tiếp theo.

Nạn nhân có quyền yêu cầu khởi tố vụ án

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (TP.HCM) đã có những chia sẻ quan điểm về vụ việc này.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT thì CSGT có quyền được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện.

Đồng thời, CSGT được quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. CSGT được tạm giữ GPLX, giấy đăng ký xe, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Hình ảnh được cắt từ clip được đăng tải trên mạng xã hội.

Hình ảnh được cắt từ clip được đăng tải trên mạng xã hội.

Song song đó, CSGT được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết TNGT; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự ATGT; được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật…

"Như vậy, pháp luật không quy định CSGT được quyền "đánh người" trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ", luật sư Lễ nhấn mạnh.

Trường hợp, người vi phạm có hành vi chống lại người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự xã hội thì căn cứ theo Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì người thi hành công vụ có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ bằng cách giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó.

Người thi hành công vụ cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ; bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm.

Và chỉ khi người nào sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ mới quyền sử dụng "vũ lực" để phòng vệ chính đáng.

Qua phân tích từ clip camera hiện trường nhà kho bước đầu nhận thấy các thiếu niên lái xe chưa có dấu hiệu sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công các CSGT đang thi hành công vụ thì CSGT không có quyền sử dụng "vũ lực" đối với các thiếu niên này.

Các CSGT đã sử dụng nón bảo hiểm đánh liên tiếp nhiều lần vào vùng đầu của thiếu niên, dùng chân đạp vào bụng… là những nơi nguy hiểm của cơ thể. Còn có chiến sĩ đứng nhìn không ngăn cản, trong khi hai thiếu niên chỉ biết ôm đầu chịu trận, đón nhận những cú đánh đạp "đầy bạo lực" của CSGT".

"Hành vi của các CSGT là dấu hiệu cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của các thiếu niên, là vượt quá quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Thông tư 01/2016/TT-BCA.

Việc các CSGT cố ý "đánh người" là dấu hiệu vi phạm của "Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ" theo Điều 137 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Lễ phân tích thêm.

Cũng theo luật sư Lễ, các nạn nhân có quyền yêu cầu giám định thương tích xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, từ 31% thì có quyền tố giác và yêu cầu khởi tố vụ án.

Mặt khác, hai thiếu niên đi xe máy có người sinh năm 2006 là 16 tuổi và người sinh năm 2007 là 15 tuổi, được xem là trẻ em nên cần căn cứ Luật Trẻ em (Điều 1. Trẻ em là người dưới 16 tuổi) nên đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện quyền bảo vệ trẻ em trong vụ việc này.

"Bởi, bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em (khoản 1 Điều 4 - Luật Trẻ em)", luật sư Lễ giải thích thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ công an đánh tới tấp 2 thiếu niên đi xe máy

Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo tạm đình chỉ 4 cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu có liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh công an đánh hai thiếu niên chạy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyễn ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN