Vụ án Vạn Thịnh Phát: 84 bị cáo đã trả lời xét hỏi trước tòa thế nào?

Sau 1 tuần làm việc, HĐXX đã xét hỏi, công bố hành vi, lời khai tổng cộng 84/86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Thừa nhận sai phạm

Kết thúc phiên xét xử hôm 8/3, HĐXX đã xét hỏi được 84 bị cáo, chủ yếu là các bị cáo bị xét xử về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về ngân hàng. Các bị cáo đã trả lời thẩm vấn đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trong đó, bị cáo Phạm Thu Phong - cựu Trưởng Ban kiểm soát SCB khai, khi làm kiểm soát tại SCB thì gặp rất nhiều khó khăn, như nhân sự không có, truy xuất dữ liệu ngân hàng không được, bị cáo không thể tiếp cận về mặt nghiệp vụ đối với hồ sơ...

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thừa nhận có nhận 5,2 triệu USD từ SCB.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thừa nhận có nhận 5,2 triệu USD từ SCB.

Đến năm 2018, khi nhận thấy không thể thực hiện kiểm soát được nên bị cáo này nộp đơn và xin bà Lan cho nghỉ việc, Lúc nghỉ việc, bị cáo Phong được bà Lan cho 20 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này bị cáo đã nộp lại cho Cơ quan điều tra.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và cho biết cáo trạng truy tố bị cáo là đúng. Bị cáo Nhàn mong HĐXX xem xét, rằng bị cáo không sửa mà chỉ bổ sung phần kết luận và thừa nhận kết luận thanh tra đã không phản ánh đúng thực tế khách quan.

Cụ thể, các khoản vay xếp loại 3 - 5 nhưng lại xếp vào nhóm 1 là theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Việc bị cáo Nhàn đến gặp bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là do Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB và Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng giám đốc SCB nhờ, mục đích là chuyển nguồn thu từ 2 dự án TimeSquare, dự án Chợ vải về SCB để phục vụ cho việc tái cơ cấu.

Bị cáo Nhàn thừa nhận có nhận tiền từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đưa. Việc nhận tiền từ Võ Tấn Hoàng Văn là do bị cáo bị ép, bị cáo Văn nói bị cáo là đừng làm khó Văn và làm khó mình. Bị cáo sau khi nhận tiền đã nhiều lần liên hệ để trả lại tiền.

Ngay từ khi bị khởi tố, bị cáo đã muốn đem tiền nộp lại nhưng thấy chết nhiều người quá nên chưa nộp ngay. Bị cáo Nhàn mong HĐXX xem xét việc sử dụng tiền là do gia đình bị cáo có việc nên tạm thời phải sử dụng và ngay từ đầu bị cáo có ý thức trả lại số tiền này.

“Bị cáo mong HĐXX xem xét, bản thân bị cáo khi thanh tra đã hết sức cố gắng. Các báo cáo đều xác định đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan điều tra nhưng sau đó theo chỉ đạo của anh Hưng mà bị cáo đã làm sai. Bị cáo nhận thấy mình có sai phạm. Mong HĐXX xem xét khoan hồng với bị cáo”, bị cáo Nhàn nói.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng trình bày, cáo trạng xác định đúng hành vi của bị cáo. Bị cáo Hưng có nhận tiền quà lễ tết từ Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn. Theo bị cáo này thì việc thanh tra SCB bản chất là thanh tra định kỳ chứ không phải thanh tra đột xuất.

Bị cáo Hưng đề nghị HĐXX xem xét, rằng sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới phát hiện có sự sai lệch về mặt số liệu trong báo cáo thanh tra. Tuy nhiên, là người đứng đầu, bị cáo hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Bị cáo Hưng thừa nhận mình có thiếu sót, đã thiếu kiểm tra giám sát trong quá trình thanh tra dẫn đến không phản ánh thực tế, làm sai lệch kết quả tài chính của SCB. Đối với việc chỉ đạo thu hẹp phạm vi thanh tra theo kế hoạch 92 sang 99 là do Nhàn đề xuất thay đổi, điều chỉnh kế hoạch thanh tra vì thời gian không nhiều, khối lượng quá lớn.

Các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, thừa nhận sai phạm.

Các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, thừa nhận sai phạm.

“Bị cáo điều chỉnh do nghĩ thuần túy là điều chỉnh về mặt thời gian chứ không nghĩ sâu hơn. Bị cáo thừa nhận việc điều chỉnh này đã không làm rõ sai phạm của 71 khách hàng. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo là về mặt ý thức, bị cáo hoàn toàn không chủ động thực hiện. Bị cáo do gần về hưu nên không dành toàn sức, toàn tâm cho việc thanh tra và chính điều này đã dẫn đến sai phạm”, bị cáo Hưng trình bày.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Du - nguyên Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng khai với HĐXX, cáo trạng xác định đúng hành vi của bị cáo. Bị cáo Du thay bị cáo Nguyễn Văn Hưng từ 1/10/2018. Lúc đó, toàn bộ kết luận thanh tra đã được báo cáo đầy đủ, Du chỉ ký để ban hành chính thức.

Bị cáo Du thừa nhận, do tin tưởng nên có thiếu sót là không rà soát lại, không phát hiện việc bao che, bưng bít thông tin của các bị cáo khác, không phát hiện kịp thời dẫn đến hậu quả vụ án xảy ra. Với trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo Du nhận thấy rõ trách nhiệm của mình. Bị cáo xin HĐXX xem xét, khoan hồng cho mình cũng như các cán bộ cấp dưới của đoàn kiểm tra.

Các bị cáo khác thuộc đoàn thanh tra giám sát ngân hàng đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, thừa nhận sai phạm và mong HĐXX khoan hồng.

Thừa nhận hành vi

Trong khi đó, nhóm bị cáo là lãnh đạo, cán bộ nhân viên SCB, nhân viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, khi trả lời thẩm vấn của HĐXX đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trong đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai thực hiện hành vi sai phạm vì tin vào khả năng bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ giúp SCB vượt qua khủng hoảng sau khi hợp nhất.

“Bản thân bị cáo lúc đó rất tin tưởng vào tài năng của bà Trương Mỹ Lan sẽ phát triển doanh nghiệp. SCB cần có sự nương tựa để giải quyết các chuyện trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai, nên khi có dự án có tài sản đảm bảo là bất động sản thì bị cáo rất tin tưởng sẽ đưa SCB vượt qua giai đoạn tái cơ cấu”, bị cáo Văn nói.

Về căn cứ niềm tin bà Lan sẽ đưa SCB vượt qua khủng hoảng, bị cáo Văn cho biết do nhìn vào cách bà Lan quan tâm cấp dưới, cách đầu tư vào bất động sản ở các vị trí chiến lược một cách dài hơi.

“Bị cáo nhìn vào các tài sản bà Lan có và nghĩ tài sản đó sẽ sinh lời”, bị cáo Văn khai.

Trong khi đó, bị cáo Trương Huệ Vân - Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (cháu gái bà Lan) khai do gần gũi, được bà Lan cho ăn học, cho làm việc cùng nên bị cáo nói mình rất hiểu bà Lan. Bà Lan cho bị cáo cảm giác được an toàn và niềm tin với bà Lan.

Trương Huệ Vân - Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh phát được bà Lan cho ăn học, cho làm việc cùng.

Trương Huệ Vân - Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh phát được bà Lan cho ăn học, cho làm việc cùng.

Khi được hỏi có ý kiến, trình bày gì thêm hay không thì bị cáo Trương Huệ Vân hỏi có phải là lời nói sau cùng hay không và rơm rớm cho biết bà Trương Mỹ Lan "đã dạy bị cáo cách làm người".

40 bị cáo còn lại là cán bộ, nhân viên SCB, nhân viên của Vạn Thịnh phát đều thừa nhận hành vi vi phạm đúng như cáo trạng truy tố.

Các bị cáo xác nhận bà Lan là chủ nhân thật sự của Ngân hàng SCB. Các bị cáo thực chất chỉ là người làm thuê, phải theo chỉ đạo của bà Lan. Trong đó, có bị cáo nhận thức là nếu không làm theo chỉ đạo thì sẽ bị đuổi việc, không nhận được lợi ích gì từ những khoản vay của nhóm bị cáo Vạn Thịnh Phát được giải ngân.

Như vậy, kết thúc tuần làm việc đầu tiên, vụ án chỉ còn lại 2 bị cáo chưa được xét hỏi, gồm Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Nguyễn Cao Trí - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào thứ Hai (11/3) với phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và bị cáo Nguyễn Cao Trí.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày 8/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm liên quan sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan bước vào ngày thứ 4 với phần xét hỏi các bị cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Quang ([Tên nguồn])
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN