Võ sư 12 đời vợ vẫn... cô đơn

Sự kiện: Thời sự Bình Định

Đi hết gần cả đời người vẫn đau đáu khát vọng đoàn tụ, cuộc đời võ sư Phi Long cùng 12 đời vợ ở vùng đất võ Bình Định vẫn được nhiều người truyền tụng.

Con nhà tông

Tên thật là Trần Quốc Long, võ sư Phi Long (74 tuổi, trú xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định) với biệt danh “Độc cô cầu bại” là con nhà nòi dòng võ nức tiếng ở Bình Định. Ông được cha và người bác truyền dạy võ nghệ từ nhỏ. Đam mê và bộc lộ rõ khả năng rất sớm, cha ông còn bỏ tiền để mướn rất nhiều thầy giỏi về nhà. Võ nghiệp của võ sư Phi Long bắt nguồn từ võ đường của võ sư Lý Xuân Tạo ở thị xã An Nhơn. Liên tục đánh thắng, ông Long được võ sư Tạo trả công cho mỗi trận đấu rất cao, từ 70.000- 75.000 đồng/trận (thời điểm này, chiếc Honda 67 chỉ có giá khoảng 37.000 đồng).

Võ sư 12 đời vợ vẫn... cô đơn - 1

Võ sư “Độc cô cầu bại” Phi Long sau khi trải qua 12 đời vợ sống một mình trên đèo An Khê.  Ảnh: D.T

Theo ông Long, năm 1966, võ sư Phi Long đã  đoạt chức vô địch võ thuật với chiến thắng tưng bừng trước những đối thủ “đại thụ”. Năm 1968, ông Long tiếp tục giành được chức vô địch tại giải võ thuật toàn Đông Dương mở rộng, tại đây có sự tham gia của các võ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, sau trận chung kết, một số võ sư Thái Lan cho rằng võ cổ truyền Việt Nam ăn cắp các đòn, thế của nước khác. Thậm chí, võ sĩ Muay Thái còn muốn thách đấu và khẳng định sẽ hạ ngay võ sư Phi Long trên sàn.

Bình tĩnh, ông Long giải thích cặn kẽ và khẳng định không có chuyện ăn cắp, thế nhưng các võ sĩ Thái Lan không tin. Vì vậy, ông Long bằng quyết định: “Nếu không tin thì lên đài giao đấu nhưng tôi báo trước sẽ không nương tay đâu”.

Trận đài quy định có 3 hiệp đấu nhưng khi hiệp đấu thứ 2 diễn ra khoảng hơn 1 phút thì võ sĩ Muay Thái đã bị võ sư Phi Long hạ knock- out. Sau trận ấy, ai cũng trầm trồ, thán phục, không một võ sư, võ sĩ… nào còn thắc mắc hay dám lên đài thách đấu với ông Long nữa.

Chết đi sống lại vì đòn xấu của kẻ thù

Võ sư 12 đời vợ vẫn... cô đơn - 2

Dù tuổi cao nhưng võ sư Phi Long vẫn hăng say luyện võ.  Ảnh: D.T

"Cũng bởi cái tội mê võ, cứ bôn ba đó đây nên tôi không trụ được với người vợ nào. Ai đời ở với vợ mà cứ nghĩ đến quyền đến cước, mải mê tập luyện, bỏ bê mấy bả nên làm sao mấy bả không buồn cho được".

Võ sư Phi Long

Trong sự nghiệp võ thuật của mình, võ sư Phi Long gặp vô số người, thượng vàng hạ cám, kiểu nào cũng có, người tốt rất nhiều, kẻ xấu cũng chẳng ít. Thế nhưng, người mà khiến ông “ôm hận” nhiều nhất là võ sĩ Diệp Minh Lai (gốc Tàu).

Võ sư Phi Long kể, trong trận thượng đài tại Trường hát Sùng Nhơn (ở Quy Nhơn), ông Long hạ Diệp Minh Lai đo ván. Sau đó, Diệp Minh Lai tìm cách kết thân cùng ông Long, nghĩ đồng nghiệp có thiện chí học hỏi nên ông chẳng chút rè chừng mà cứ thân thiết. Thế nhưng, vào một đêm, Diệp Minh Lai dẫn ông Long đi nhậu khiến ông say bí tỉ rồi gọi đàn em chở đến chỗ vắng, đánh bất tỉnh. Tưởng ông Long đã chết, họ chở đến bãi rác ở ngoại ô thành phố để vứt xác. Ông Long nằm bất động đến gần sáng mới tỉnh dậy, toàn thân ê ẩm, cổ họng phát không ra tiếng.

Rất may, nhờ có chút kiến thức về đông y, ông Long bẻ đọt dứa ven suối ăn để phục hồi sức khỏe rồi lê về nhà một học trò gần đó. Lòng đầy uất hận, ông tự kê đơn, bí mật dưỡng thương. Sau khi bình phục, ông lùng sục tìm kiếm Diệp Minh Lai khắp nơi. Nhận được tin, Diệp Minh Lai ngồi ở một quán cà phê, ông Long phi đến ngay. Khi thấy bóng ông Long bước vào, Diệp Minh Lai và nhóm đàn em liên tục dùng dao chém tới tấp rồi nhanh chóng tẩu thoát. Nhờ võ nghệ cao cường, ông Long né được các đòn hiểm ác, hiện trường để lại chỉ là 17 vết chém trên bờ tường. Sau trận đó, Diệp Minh Lai bỏ đi biệt xứ.

Biết Diệp Minh Lai chuyên hành nghề bán cần sa cho lính Mỹ đóng ở miền Nam, ông Long lặn lội khắp những nơi có trại lính Mỹ, từ miền Trung cho đến miền Nam, Tây Nguyên... để tìm. Cuối cùng, ông Long nghe được thông tin Diệp Minh Lai đang lẩn tránh ở Khánh Hòa. Sau một thời gian cho đệ tử theo dõi, ông Long biết được Diệp Minh Lai có thói quen mỗi ngày đều đến một quán cà phê vào thời điểm cố định, ngồi một mình trên gác.

Một hôm, ông Long đến trước, ngồi chờ cho đến khi nghe bước chân ông Lai lên cầu thang thì nhảy ra, tung cú đá cực mạnh khiến  Lai lăn xuống đất, nằm bất động. Sau đó, ông Lai cúi đầu xin tha mạng, ông Long mới dừng lại rồi bỏ đi.

Đi qua 12 đời vợ, cuối đời “nếm vị” cô đơn

Giai thoại về quá trình chinh phục phụ nữ của võ sư Phi Long dài vô kể, danh sách chính thức thì ông có 12 đời vợ và 6 người con (3 trai và 3 gái), người tình tứ phương thì nhiều vô kể. Rất nhiều người trong số này được xem là “sắc nước hương trời”. Người vợ cuối cùng của võ sư Phi Long là bà Trần Thị, sau khi lên đèo An Khê ở với ông thì năm 2009, bà về lại quê, đây cũng là mốc thời gian ông Long lại trở thành người cô đơn.

Ông Long chia sẻ: “Người ta nói trai ham sắc, gái ham tài, quả không sai chút nào. Tôi nổi danh trên sàn đấu, cao lớn nhưng lại trắng trẻo như thư sinh nên nhiều người phụ nữ mê. Người đàn ông nào thấy gái đẹp không mê, tôi cũng muốn xây dựng một gia đình yên ấm, hạnh phúc với cô gái xinh đẹp như mọi người. Nhưng vì tôi quá đam mê võ thuật, lơ là chuyện vợ con nên họ dần xa tôi”.

Theo ông Long, võ thuật phải dùng nhu thắng cương mới “đáng nể”, chứ dùng mạnh thắng yếu chỉ là chuyện đương nhiên, bình thường. Dù đã 74 tuổi nhưng võ sư Phi Long vẫn giữ được vóc dáng như thanh niên, dáng đi thẳng đứng, nhanh nhẹn. Ông tâm sự, hiện tại vẫn muốn có một người phụ nữ bầu bạn, chia sẻ với mình sớm tối, xây dựng hạnh phúc gia đình, cuộc sống bớt đi cô quạnh.

“Sống một mình ở thời điểm cuối đời, tôi thấy cô đơn và tiếc nuối ký ức đã qua. Những lúc trái gió trở trời, nằm một mình trên đèo rất tủi thân. Tôi đâu có nấu ăn, toàn ăn quán suốt mấy năm nay. Có một số phụ nữ thích tôi rồi muốn tôi đến sống với họ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn sống ở đây, vì còn phải thực hiện nhiều ý định về võ thuật đang còn dang dở”- ông Phi Long tâm sự.

Võ sư Phi Long rày đây mai đó để đấu đài, dạy võ. Mỗi nơi chàng “võ sĩ tài hoa” lưu lại đều có bóng dáng một phụ nữ yêu võ thuật, mê đắm chàng võ sĩ có gương mặt điển trai, sở hữu những đòn quyền sát thủ và hầu hết ai cũng sắc đẹp.

“Cũng bởi cái tội mê võ, cứ bôn ba đó đây nên tôi không trụ được với người vợ nào. Ai đời ở với vợ mà cứ nghĩ đến quyền đến cước, mải mê tập luyện, bỏ bê mấy bả nên làm sao mấy bả không buồn cho được. Nếu là người khác, với 12 người vợ ít nhất cũng sinh được vài chục đứa con. Đằng này tôi chỉ có 6 đứa con, như vậy đủ thấy tôi “mê võ bỏ vợ” như thế nào”- ông Long thổ lộ.

Gặp võ sư Việt dạy võ giúp ni cô Nepal thoát động đất

Vị võ sư này trở thành người VN đầu tiên mang võ thuật cổ truyền lên Himalaya truyền cho các ni cô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN