Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN

Giới võ lâm Sài Gòn đến bây giờ vẫn nhớ như in một lão thiền sư với chòm râu bạc dài và đôi mắt sáng tinh anh trong bộ áo cà sa vàng, tay lần chuỗi hạt Phật pháp. Đó chính là vị cố nhân sáng lập nên môn phái Trung Sơn võ đạo Mai Văn Phát lừng lẫy một thời trong giới võ thuật Sài Gòn thập niên 60 – 70.

Ông là vị võ sư đầu tiên xuống tóc tu hành của làng võ cổ truyền Việt Nam với mong muốn “lấy võ học để cảm hóa và rèn luyện nhân cách con người” trong hoàn cảnh đất nước đang hỗn loạn bởi tiếng súng của giặc ngoại xâm.

Bén duyên nghiệp võ nơi cửa thiền

Sau bấy nhiêu năm kể từ ngày vị cố nhân đã về với đất, chúng tôi được dịp trò chuyện với những đại đệ tử còn lại của võ sư Mai Văn Phát để tìm hiểu về những năm tháng của vị võ sư, đồng thời là nhà tu hành yêu nước vang danh huyền thoại một thời khói lửa. Ông ra đi đã để lại một sự nghiệp võ học lẫy lừng và những đóng góp to lớn cho nền võ thuật nước nhà.

Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN - 1

Đại sư Mai Văn Phát. Ảnh TG

Theo lời kể của hậu duệ vị võ sư này thì ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Thới Đông, huyện Ô Môn (Cần Thơ). Từ nhỏ, cậu bé Mai Văn Phát vốn gầy gò, nhỏ con bởi tuổi thơ vất vả theo cha mẹ đi cày cấy. Vì thế, mới 7 tuổi, cậu đau ốm thường xuyên. Đến năm 10 tuổi, những trận ốm liên tiếp trước đó “dồn tụ” lại trở thành một cơn bạo bệnh, e chừng không thể qua khỏi. Thương con, cha mẹ ông đi khắp nơi tìm người thầy thuốc cao tay mong mỏi chữa bệnh cho con trai. Lúc bấy giờ, hay tin ngôi chùa trên núi Thất Sơn thuộc Châu Đốc (An Giang) có vị cao nhân giỏi võ với khả năng chữa bệnh cao siêu nên cha mẹ Phát liền tìm đến gửi gắm đứa con tội nghiệp đang bị bệnh tật dày vò. May mắn thay, sau một thời gian được sư thầy vận nội công đẩy độc tố trong người ra, cậu bé Phát dần khỏe mạnh. Cũng từ đây, một cơ duyên mới cùng võ thuật đã mở ra với cậu bé ốm yếu vốn bị cho là “không nhấc nổi một tấc sắt” này.

Vị sư thầy trụ trì ngôi chùa nói trên chính là thủ hạ của tướng Nguyễn Trung Trực, người anh hùng đã chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu của Pháp trên dòng sông Nhật Tảo. Khởi nghĩa sau đó thất bại, vị chủ tướng bị giặc chặt đầu, ông đành lên núi Thất Sơn lánh nạn, mai danh ẩn tích dưới pháp danh Thích Thiện Hoa. Ở nơi hoang vu náu mình, ông vẫn không quên nhiệm vụ của vị chủ tướng trước lúc chết và bí mật rèn luyện võ nghệ cho những thanh niên yêu nước trong vùng để chờ thời cơ khởi nghĩa. Mai Văn Phát trong quá trình ở chùa, nhờ thông minh, ham học hỏi, chịu khó rèn luyện nên vượt trội về võ thuật so với các đồng môn và thành đệ tử ruột của vị thiền sư ẩn danh. Sau bao năm tháng khổ luyện, cậu thanh niên tuổi đôi mươi đã sớm tinh thông những quyền cước của võ trận quân sự trong đội nghĩa quân bí mật.

Thế nhưng, sau 10 năm xa cách cha mẹ làm chàng trai mới lớn không chịu nổi sự nhớ nhung quê nhà. Vậy là, cậu từ biệt sư phụ về Cần Thơ sống với cha mẹ và tiếp tục niềm đam mê võ học của mình. Tiếp bước sư phụ, chàng trai trẻ đã mở lớp dạy võ cho các trai tráng trong làng để rèn luyện sức khỏe. Một hôm, có bậc cao thủ người Trung Hoa tên là Lào Thêm đi ngang qua sân tập võ, chợt nhìn thấy khí chất quân tử và phong thái tinh anh của Phát đang hướng dẫn tập luyện cho các môn sinh, bèn sinh lòng cảm mến và ngỏ ý thu nhận làm đệ tử để truyền dạy tuyệt kỹ võ công của mình.

Như một sự nhân duyên hiếm có, mai Văn Phát nhanh chóng lĩnh hội được tinh hoa các quyền cước của vị cao thủ này và giữ trọn lời hứa đem võ thuật để cống hiến vì cuộc sống con người. Vì vậy, ngày thì tập luyện võ cho thanh niên, ban đêm, ông thường chèo xuồng luồn lách qua những kênh rạch của Cần Thơ để vận chuyển thuốc men, lương thực cho bộ đội đang lẩn trốn trong rừng. Người trong vùng ai cũng nể phục một chàng thanh niên vừa giỏi võ vừa có sự dũng cảm và tinh thần yêu nước cao độ trong khi ở miền đất tạm chiếm này, quân địch đang cày xới và truy lùng cách mạng ráo riết.

Đến phong trào võ học chống nạn đầu độc con người bằng thuốc phiện

Đến năm 1950, khi hoạt động ngầm bị bại lộ, võ sư Mai Văn Phát rời quê nhà lên Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông vừa mở lớp dạy võ tại nhà vừa bôn ba khắp nơi kiếm sống trong những ngày tháng cơ cực. Nghe tiếng của người võ sư yêu nước đã lâu, vị sư thầy trụ trì chùa Phước Viên (Quận 1, TP.HCM) đã mời ông về dạy võ cho chi đoàn Phật tử Trúc Lâm. Tại đây, võ sư Mai Văn Phát đã quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp hiệu là Thích Thiện Tánh với mong muốn dùng võ học để cảm hóa và rèn luyện nhân cách con người hướng về điều thiện, đồng thời bồi đắp tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ trong thời kỳ đất nước đang lâm nguy.

Thời kỳ này, đế quốc Mỹ thay chân Pháp tiếp tục thực hiện chính sách đầu độc nhân dân Việt Nam để làm giàu cho chúng và làm suy yếu con người dễ bề cai trị. Căm tức bọn đế quốc trước tình trạng hàng ngàn người dân chìm đắm trên bàn đèn thuốc phiện, vị hòa thượng Thích Thiện Phát đã quấy động phong trào tập võ để rèn luyện thân thể cho mọi người dân nhằm chống lại hiểm họa do bọn đế quốc gây nên. Lúc đó, sân chùa đã biến thành võ đường thực sự, thu hút hàng ngàn môn sinh theo học với số lượng đồng nhất so với các lò võ thời kỳ ấy. Ngay cả những thanh niên trốn đi quân dịch cho lính Ngụy cũng được sư phụ giúp ẩn náu và cưu mang. Năm 1964, thiền sư Mai Văn Phát chính thức thành lập môn phái Trung Sơn võ đạo, là sự kết hợp tinh hoa của võ Việt quân sự và võ thuật Trung Hoa Thiếu lâm ở ngay nơi ông bắt đầu nghiệp tu hành.

Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN - 2

Đệ tử của đại sư Mai Văn Phát biểu diễn kỹ thuật của Trung Sơn võ đạo. Ảnh TG

Với tâm thế của một người xuất gia, ông không bao giờ chủ trương đấu đài cho các môn sinh của mình. Ông từng nói: “Võ đài là chốn gian lận”. Bởi vậy, trong khi các võ đường khác luôn lựa chọn môn sinh xem như “con gà cựa” để đào tạo võ sĩ đấu đài, thì ông lại cấm các học trò của mình đi thượng đài mà chỉ luyện võ để tự vệ và rèn luyện sức khỏe bản thân. Thế nhưng, có một số đệ tử của ông vẫn trốn sư phụ đi giao đấu với các võ sĩ khác. Điều này làm ông giận đến nỗi không nhìn mặt họ nữa bởi vị thiền sư luôn tâm niệm rằng, học võ không phải để đi đánh người bị thương mà chỉ sử dụng trong trường hợp bất khả kháng!

Đến bây giờ, khi đại sư Mai Văn Phát đã viên tịch, những đệ tử của ông vẫn đang dốc sức truyền dạy võ thuật , làm rạng danh hơn nữa Trung Sơn võ đạo mà sư phụ đã sáng lập. Nói đến tuyệt kỹ của phái võ mình mà vị cố nhân đã sử dụng để ngăn chặn nạn đầu độc con người Việt Nam bằng thuốc phiện, võ sư Phạm Ngọc Hùng, một trong những đệ tử ruột của tổ sư mai Văn Phát tiết lộ: “Trung Sơn võ đạo không đặt nặng vào công phu ghê gớm mà chủ yếu dựa vào kỹ thuật và đường hướng vận động khéo léo của tứ chi để tạo nên sự biến hóa khôn lường hạ gục đối thủ. Đó là sự kết hợp của vũ khí toàn thân: chỏ gối, tay, chân để áp sát đối tượng theo bộ pháp (cách di chuyển) linh hoạt; từ đấy tấn công bằng cách đánh lạc hướng khôn khéo làm đối phương không kịp trở tay. Tuy đòn thế không thật mạnh mẽ nhưng lại vô cùng biến ảo, đưa đối thủ vào trong tầm ngắm dễ dàng.”

Hiện nay, môn phái đã phát triển lên hơn 30 võ đường trong nước và một số ở nước ngoài với số lượng môn sinh đông đảo. Dù đại sư Mai Văn Phát - vị tu hành huyền thoại võ đạo đã ra đi nhưng những thế hệ tiếp nối vẫn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết võ Việt đến thế hệ trẻ hôm nay theo di nguyện của vị cố nhân.

Tuyệt chiêu “hổ trảo” của đại thiền sư

Trung Sơn võ đạo có tất cả 18 bài quyền với đủ các loại binh khí. Những quyền cước đã trở thành “món ăn đặc sắc” của môn phái như: Bạch xà dương hổ thượng trì, Tạt thủ hoành phong, Hầu xiềng,… Tương truyền, giang hồ thời đó thường đồn rằng đại sư Mai Văn Phát có chiêu “hổ trảo” làm bọn giặc phải khiếp sợ. Nhưng những võ sư còn lại với tư cách là đệ tử môn phái gắn bó với vị đại sư lại phản bác rằng: Thầy là một nhà tu hành, tâm luôn hướng đến điều từ bi nên không thể ví với “hổ trảo” như vậy (tức là bàn tay như móng vuốt của hổ có thể “xé” xác đối phương). Thực ra đó chỉ cách sử dụng bàn tay linh hoạt để “trói” đối phương trong tích tắc, cũng là một trong những tuyệt kỹ trong các thế đánh của phái Trung Sơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN