Vietnam Airlines chưa cho phi công nào chấm dứt hợp đồng

Đây là khẳng định của ông Phạm Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) dù đã có phi công của VNA sang hãng hàng không khác làm việc.

VNA cho biết, hiện tượng lao động kỹ thuật cao có xu hướng “nhảy việc” sang hãng hàng không khác đã xuất hiện rải rác từ đầu năm 2014. Cụ thể, ban đầu là các kỹ sư, thợ máy làm đơn xin nghỉ việc, đến giữa năm 2014 một số phi công cũng nộp đơn xin nghỉ. VNA xác nhận đã có hơn 30 phi công ở đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc.

Đến đợt cao điểm Tết Dương lịch (từ 30.12.2014 – 4.1.2015) có 117 lượt phi công báo ốm và có thêm 9 trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc. Một số trường hợp sau khi đơn phương nộp đơn xin nghỉ việc đã chuyển sang làm việc tại một hãng hàng không nội địa khác.

Theo thông tin Dân Việt có được, có cơ trưởng đã sang làm việc ở hãng hàng không khác được gần một năm nhưng vẫn chưa nhận được quyết định thôi việc từ VNA.

Ông Phạm Ngọc Minh xác nhận: “Những người đơn phương nghỉ việc tại VNA đều chưa có quyết định chấm dứt HĐLĐ. Chúng tôi yêu cầu quay lại để giải quyết vấn đề bồi hoàn chi phí đào tạo”.

Vietnam Airlines chưa cho phi công nào chấm dứt hợp đồng - 1

Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc VNA cho biết chưa thực hiện chấm dứt HĐLĐ với phi công nào đơn phương nghỉ việc 

Theo lãnh đạo VNA, trong HĐLĐ có điều khoản bồi hoàn chi phí tuy nhiên để nêu rõ con số là bao nhiêu sẽ có tranh luận lớn. VNA tính toán ngoài chi phí đào tạo cơ bản để trở thành phi công còn cần đào tạo thành cơ trưởng, nâng cấp. Ông Phạm Ngọc Minh cho rằng: “Hằng năm phải đào tạo rồi nâng cấp, ngoài chi phí trên giấy tờ có thể tính toán được thì việc tích lũy kinh nghiệm hàng nghìn giờ bay được tính như thế nào?”.

Chi phí đào tạo cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài được hãng thuê. Ông Trần Thanh Hiền – Trưởng Ban Tài chính Kế toán của VNA cho rằng: “Nếu so sánh tiền lương phải tính đến cả chi phí đào tạo trong đó. Ví dụ năm 2013 tổng chi tiền lương cho phi công khoảng 550 tỉ đồng thì hãng cũng đã bỏ ra chi phí đào tạo hơn 200 tỉ đồng. Phải tính đầy đủ chi phí vào cấu trúc tiền lương của phi công”.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng trong Hợp đồng Huấn luyện dự khóa bay không có điều khoản bồi hoàn, chỉ nêu học viên có trách nhiệm về làm việc cho VNA sau khi tốt nghiệp.

Còn Hợp đồng đào tạo đối với học viên được chọn đi đào tạo phi công cơ bản với tổng chi phí 1,75 tỉ đồng, có điều khoản bồi hoàn chi phí đào tạo. Tuy nhiên chỉ nêu ra các trường hợp phải bồi hoàn nếu vi phạm “Hợp đồng đào tạo”, chưa nêu rõ việc học viên sau khi ký HĐLĐ có phải bồi hoàn hay không?

Chưa thể ngăn được lực lượng lao động kỹ thuật cao nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt, VNA đã phải “cầu cứu” Bộ GTVT có biện pháp tức thời. Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA.

Điều này có nghĩa là, dù phi công đơn phương nộp đơn xin nghỉ việc tại VNA cũng chưa thể làm việc cho một hãng hàng không khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN