Vì sao nhiều quan tham có thể thoát án tử hình?

Sự kiện: Thời sự

Các chuyên gia luật pháp cho rằng, nộp lại 3/4 số tiền tham ô, tham nhũng là một trong những điều kiện cần để thoát án tử.

Nộp 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ có thể thoát án tử

Thời gian vừa qua, tại các phiên tòa xử các bị cáo phạm tội liên quan đến kinh tế, chức vụ hoặc tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ, việc người phạm tội nộp tiền để khắc phục hậu quả nhằm hưởng sự khoan hồng của pháp luật dần trở nên phổ biến.

Ông Nguyễn Bắc Son (bìa trái ảnh), ông Nguyễn Duy Linh (bìa phải ảnh)

Ông Nguyễn Bắc Son (bìa trái ảnh), ông Nguyễn Duy Linh (bìa phải ảnh)

Không chỉ là được giảm án, không ít những quan chức đã thoát án tử khi nộp tiền đủ số tiền để khắc phục hậu quả trong vụ án tham ô, nhận hối lộ.

Điển hình, trong vụ án MobiFone mua AVG, khi cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nộp đủ số tiền 3 triệu đô la nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG) thì tòa tuyên ở mức án tù chung thân. Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Còn tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình mà chuyển sang hình phạt tù chung thân.

Hay gần đây, đầu tháng 11/2021, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Sau khoảng thời gian đầu chối tội, ông Linh đã thừa nhận hành vi phạm tội; đồng thời tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỷ đồng nhận hối lộ. Ghi nhận tình tiết này, HĐXX sau đó đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

Luận bàn về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, có 3 trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có trường hợp "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".

"Đây là điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Điều này cũng phần nào có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ. Đây cũng là chiếc "phao" vừa cứu người phạm tội và Nhà nước lại có thể thu hồi lại số tiền trong các vụ án này", ông Hòa nêu quan điểm.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Không chỉ là nộp lại tiền

Về nội dung này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo trong việc áp dụng hình phạt; cho thấy khả năng cải tạo, giáo dục của con người.

Đồng thời, cơ hội được sống, được chuộc lại lỗi lầm vẫn luôn mở ra kể cả trong những tình huống người phạm tội đang đối mặt với cái chết do hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của mình", ông Cường nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, không phải cứ phạm tội, cứ tham ô, nhận hối lộ, đến khi bị tuyên án tử hình thì nộp lại tiền sẽ được thoát án tử hình.

"Nhận thức như vậy là sai lầm và không phù hợp với chính sách pháp luật hiện nay. Quy định này không phải là "kim bài miễn tử", không phải là cơ hội để cho các đối tượng không ngần ngại thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ!", luật sư Cường nhận định.

Phân tích về điều kiện "cần" và "đủ" trong Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, luật sư Cường nhấn mạnh, trường hợp không có căn cứ cho thấy người phạm tội đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện tội phạm, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì dù đã nộp lại 100% tài sản do phạm tội mà có, thì vẫn không thoát án tử hình.

Ngoài ra, theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam quy định, người bị kết án tử hình vẫn có quyền khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm; đồng thời, có đơn đề nghị xin miễn tội chết gửi đến Chủ tịch nước. Trường hợp được Chủ tịch nước ân giảm, được đặc xá, đại xá, người phạm tội cũng có thể được miễn thi hành án tử hình.

"Bởi vậy, đối với người đã bị kết án tử hình, cánh cửa cuộc đời họ không hoàn toàn đã đóng lại, pháp luật Việt Nam vẫn có cơ hội để họ có hy vọng về sự sống, dù hy vọng đó là mong manh.

Với người phạm tội tham ô, nhận hối lộ, việc bồi thường khắc phục hậu quả trong giai đoạn thi hành án cũng là một cơ hội, cùng với các điều kiện khác thì họ có thể được sống. Đó là những quy định thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng của pháp luật và mở rộng cơ hội cho người thi hành án", luật sư Cường nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ Công an: Chống tham nhũng quyết liệt nhưng 1 số trường hợp ‘chưa biết sợ’

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, dù công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất đồng bộ, quyết liệt, nhưng một số trường hợp vẫn “chưa biết sợ".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN