Vì sao nên giữ quy định đặc xá nhân dịp lễ lớn?

Sự kiện: Thời sự

Các luật sư đã nêu ra một số lý do nên giữ quy định đặc xá cho các phạm nhân nhân dịp lễ lớn.

Vì sao nên giữ quy định đặc xá nhân dịp lễ lớn? - 1

Dự thảo quy định người phạm tội lần đầu mới được đặc xá. (Ảnh minh họa)

Giữ quy định đặc xá dịp lễ lớn

Tại phiên họp thứ 23 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Một trong những vấn đề của dự thảo được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là việc dự thảo bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước hay đối tượng được xét đặc xá bắt buộc phải đảm bảo điều kiện là đối tượng phạm tội lần đầu và phải chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Trao đổi với PV về dự thảo Luật Đặc xá mới, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) và luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng, không nên bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước.

“Tôi cho rằng nên giữ quy định đặc xá vào dịp lễ lớn của đất nước như dịp Quốc khánh 2/9 và ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 bởi đây là những ngày trọng đại, người dân trên cả nước vui chơi mừng đất nước độc lập, giải phóng, thống nhất và cũng là dịp tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vì vậy, một hành động nhân đạo của Nhà nước như đặc xá cho các phạm nhân vào dịp trọng đại này sẽ làm tăng thêm ý nghĩa, giá trị tinh thần của ngày lễ”, luật sư Phong nói.

Luật sư Tuấn Anh cho rằng, việc đưa ra mốc thời điểm ngày lễ lớn của đất nước, sẽ tạo thêm một cơ hội để các phạm nhân phấn đấu cải tạo để sớm trở về với gia đình vừa thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

“Một phạm nhân nếu đã đạt được các tiêu chuẩn để được đặc xá, tức là họ đã có nỗ lực cải tạo để trở về với xã hội, đây chính là tinh thần mà pháp luật muốn hướng tới.

Theo quan điểm của tôi, đặc xá bao nhiêu lần không quan trọng mà việc đặc xá cho ai và có đúng đối tượng hay không mới thật sự quan trọng”, luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.

Đặt điều kiện “phạm tội lần đầu” sẽ thiếu công bằng

Nêu quan điểm về quy định, đối tượng đặc xá phải đảm điều kiện là phạm tội lần đầu, luật sư Trần Tuấn Anh và luật sư Hà Huy Phong đều cho rằng, quy định này có thể tạo ra sự thiếu công bằng. Nhiều phạm nhân dù cố gắng cải tạo nhưng sẽ không bao giờ có cơ hội sớm trở về xã hội vì họ tái phạm tội.

“Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi đã quy định về việc tha tù trước thời hạn bắt buộc phải thuộc đối tượng “phạm tội lần đầu”.

Như vậy, nếu Luật đặc xá cũng đặt điều kiện này thì tạo ra sự trùng lặp và những người tái phạm tội sẽ không bao giờ có cơ hội được trở về với xã hội sớm hơn mức án họ bị tuyên dù có nỗ lực cải tạo đến đâu.

Việc đặt điều kiện “phạm tội lần đầu” cũng tạo ra sự thiếu công bằng. Tôi lấy ví dụ, đối tượng bị xử phạt tù chung thân về tội giết người sẽ được xét đặc xá vì phạm tội lần đầu.

Tuy nhiên, một người bị phạt 3 năm tù về tội “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” sẽ không được đặc xá vì trước đó người này đã có 1 tiền án về tội đánh bạc”, luật sư Tuấn Anh phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Hà Huy Phong cho rằng, thay vì đặt điều kiện “phạm tội lần đầu” mới được đặc xá, Luật Đặc xá mới có thể quy định, sẽ xét đặc xá với trường hợp tái phạm thuộc các trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Các trường hợp tái phạm nhưng thuộc trường hợp nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được xét đặc xá.

Về việc dự thảo quy định phải chấp hành xong hình phạt bổ sung mới được đề nghị đặc xá, luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá, đây là quy định cứng nhắc, gây bất lợi cho những người phạm tội mà vì lý do khách quan nên không thể thực hiện đầy đủ phần nghĩa vụ dân sự, trong khi họ vẫn đáp ứng đủ các điều kiện khác để có thể được đặc xá.

“Nhiều trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội vì lý do khách quan nhưng gây ra thiệt hại lớn, trong khi bản thân phạm nhân thuộc diện hộ nghèo, không thể khắc phục hậu quả. Tôi cho rằng, với những trường hợp này nếu đáp ứng các điều kiện được đặc xá có thể xem xét đặc xá cho họ.

Sau khi trở lại xã hội, khi họ có điều kiện kinh tế sẽ ra quyết định buộc thi hành hình phạt bổ sung”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Hà Huy Phong thì cho rằng, không nên đề cập và quy định một cách chung chung sẽ dẫn tới nhiều đối tượng chịu thiệt thòi và bị ảnh hưởng vì lí do không đủ điều kiện kinh tế.

“Quy định về việc buộc phải hoàn thành nghĩa vụ dân sự chỉ nên giới hạn ở các tội phạm mà động cơ gây án có liên quan đến chiếm đoạt tài sản của Nhà nước hoặc của người khác”, luật sư Hà Huy Phong kiến nghị.

Những đối tượng nào sẽ được đặc xá?

Chấp hành án phạt tù bao nhiêu thời gian sẽ được đặc xá? Người bị kết án chung thân thì điều kiện đặc xá như thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN