Vệ tinh to như xe bus của Châu Âu mất tích

Các chuyên gia không gian của Nasa cho biết Envisat, vệ tinh quan sát Trái đất lớn nhất trong nhóm vệ tinh theo dõi thời tiết mà Cơ quan Không gian Châu Âu (Esa) vừa chính thức tuyên bố chấm dứt sứ mệnh hôm 9/5, sẽ không rơi xuống Trái đất trong vòng vài năm tới mà ở lại quỹ đạo thêm 150 năm nữa.

Envisat, dự án trị giá 2,9 tỷ USD, có kích thước bằng một chiếc xe bus trường học, mang theo thiết bị đủ để theo dõi các hiện tượng thời tiết của địa cầu, từ đại dương, băng hà, đất đá đến khí quyển, đã bị mất liên lạc một cách bí ẩn từ tháng 4 sau 10 năm nghiên cứu thành công hành tinh của chúng ta từ quỹ đạo.

Theo kế hoạch trước đó, vệ tinh này sẽ chấm dứt hoạt động vào năm 2013. Tuy nhiên, sự cố mất liên lạc từ hôm 8/4 đã khiến hy vọng kéo dài thời gian phục vụ của con tàu thất bại. Như vậy vệ tinh khổng lồ này phải “về hưu” sớm 1 năm so với dự kiến.

Vệ tinh to như xe bus của Châu Âu mất tích - 1

Vệ tinh quan sát Trái đất Envisat của Esa đã chính thức chấm dứt sứ mệnh từ hôm 9/5 (Ảnh: Space.com)

Envisat nặng 8 tấn, dài 10,5m, rộng 9m cùng tấm pin mặt trời dài 14m, sẽ biến thành rác thải không gian lớn nhất trong quỹ đạo thấp của Trái đất. Năm 2010, các nhà khoa học của Esa dự tính con tàu sẽ ở lại quỹ đạo thêm 1,5 thế kỷ nữa.

Hiện chưa có cách nào giúp Envisat không vỡ thành từng mảnh.

“Hiện tại, không gì có thể ngăn cản một vụ va chạm giữa Envisat với các mảnh vỡ trong quỹ đạo và tạo ra vô số mảnh vỡ khác mặc dù một vụ va chạm như vậy có xác suất rất thấp hàng năm”, Nick Johnson, GĐ Chương trình Rác thải Quỹ đạo của NASA, cho biết.

Hệ thống theo dõi rác thải không gian sẽ để mắt tới Envisat giúp bảo vệ các con tàu đang hoạt động khác. Trung tâm Điều hành Không gian của Căn cứ Không quân Vandenberg đăt tại California (Mỹ) sẽ cung cấp thông tin cho các nhà điều hành vệ tinh nếu phát hiện Envisat đến gần tàu của họ trong vòng 1km.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Song Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN