Vàng và máu: Bình yên sau dâu bể
Trong khi vàng để lại nhiều ám ảnh cho con người thì câu chuyện về những đứa trẻ thất lạc trong cuộc chạy loạn tháng 3/1975 được bộ đội, đồng bào dân tộc thiểu số cưu mang lại là một nốt nhạc trong trẻo, bình yên sau bao nhiêu dâu bể.
Chưa có số liệu chính thức về số trẻ thất lạc khi cùng cha mẹ chạy loạn trên đường 7 nhưng theo phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai, con số đó không dưới 200.
Xin giữ họ của cha nuôi
Cứ dăm ba bữa, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa lại đưa con về chơi nhà cha mẹ. Nhìn cảnh cả gia đình quây quần bên mâm cơm, người ta không nghĩ chị Hoa là con nuôi trong nhà. Ngày ấy, ông Trường là đại úy bộ đội pháo binh đang truy quét đám tàn binh rút chạy về đồng bằng trên đường 7.
Khi đến buôn Ma Lất (thuộc xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa - Phú Yên), nghe có tiếng khóc yếu ớt của trẻ em, ông dừng xe nhảy xuống xem. “Tôi hốt hoảng khi thấy giữa những chiếc xe đang bốc cháy ngùn ngụt là một cháu nhỏ đang co ro khóc thét. Không kịp suy nghĩ, tôi nhảy qua các đám lửa, bồng cháu ra ngoài, đưa về đơn vị. Đó là Hoa bây giờ. Ngày ấy, chậm một chút thì cháu đã bị thiêu chết” - ông Trường kể.
Ở đơn vị đến khi giải phóng, Hoa được ông Trường đưa về nhà ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa nuôi dưỡng như con ruột dù khi ấy bà Đặng Thị Khánh (vợ ông Trường) đang nuôi con nhỏ mới sinh. Sau khi có chồng, ra riêng, Hoa được vợ chồng ông Trường chia cho 7 sào đất để trồng mía và cho con bò cái để gầy giống.
“Trong suốt thời gian ấy, chồng tôi tìm mọi cách để liên lạc bố mẹ ruột cho Hoa nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cho đến 3 năm trước, qua những thông tin mà ông nhà gửi đi, bố mẹ ruột của Hoa mới tìm đến. Vợ chồng tôi rất mừng cho con” - bà Khánh nói.
Ông Trường chỉ cho chị Hoa (bìa phải) và cháu ngoại bức ảnh lúc chị mới được đưa về
Bố mẹ ruột của chị Hoa là bà Nguyễn Thị Bổn và ông Võ Văn Bói đều đã ngoài 70, hiện đang sinh sống cùng 5 người con tại xã Kon Đào, huyện Đắk Tô - Kon Tum. “Ngày gặp lại con, tôi không biết nói gì, chỉ ôm con mà khóc. Cứ nghĩ vĩnh viễn mất con, nào ngờ con vẫn khỏe mạnh thế này” - bà Bổn bồi hồi.
Ngày nhận lại Hoa, biết cha mẹ nuôi đối xử tử tế với con mình, bà Bổn xúc động xin vợ chồng ông Trường cho con vẫn được giữ họ Nguyễn thay vì đổi sang họ Võ của cha ruột. Giờ chị Hoa vẫn sinh sống ổn định ở Củng Sơn.
“Nơi tôi được sinh ra lần 2”
Tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa có 4 trẻ thất lạc được người dân nơi đây nuôi dưỡng thì hiện cả 4 đều chưa tìm được cha mẹ. Trong đó, anh Lê Chăm Đào và chị Sô Giang Thị Xuyến mặc dù là người Kinh nhưng lại mang họ Êđê, Chăm H’roi. Anh Đào được cha nuôi là ông Lê Chăm Ram tìm thấy khi đang kiệt sức vì lạc giữa rừng. Xuyến được ông Sô Giang Tiên, nguyên trưởng Trạm Y tế miền Tây (Phú Yên), nuôi dưỡng.
Chị Xuyến còn nhớ, năm ấy mình 6 tuổi, mẹ đưa 4 chị em di tản. Trong lúc hỗn loạn, Xuyến và một người chị tên Oanh tuột khỏi tay mẹ. Một phụ nữ người dân tộc tìm thấy 2 chị em khi đang bò xuống suối uống nước. Chị Oanh được người này gửi cho bộ đội, còn Xuyến thì đưa về nhà và sau gửi cho ông Tiên. “Hơn 10 năm qua, tôi đã viết rất nhiều thư gửi đến báo, đài mong tìm lại cha mẹ mình nhưng vẫn không có hồi âm. Tôi đã xác định sẽ ở đây với cha nuôi để phụng dưỡng ông lúc tuổi già nhưng vẫn muốn tìm, muốn được biết cha mẹ ruột giờ sống ra sao”- chị Xuyến tâm sự.
Chị Xuyến đang được ông Tiên truyền lại các bài thuốc để chữa bệnh cho người dân
Hiện chị Xuyến đang có cuộc sống êm ấm với chồng là cán bộ xã và 2 đứa con xinh xắn. Hằng ngày, chị cùng cha nuôi lên rừng lấy thuốc về chữa bệnh cho người dân địa phương. Ông Sô Giang Tiên năm nay đã 86 tuổi, nổi tiếng với bài thuốc gia truyền chữa bệnh gan. Mặc dù có 3 con ruột nhưng ông lại truyền nghề cho chị Xuyến. “Nó là đứa sáng dạ, chịu khó lại rất thương người, phù hợp với nghề thuốc. Giờ nó học hết nghề của tôi rồi” - ông Tiên nói.
Anh Lê Chăm Đào cũng nhiều lần tìm cha mẹ. Có khoảng 30 người tìm đến nhìn con nhưng không ai chắc chắn. Có người còn xin anh mẫu tóc để xét nghiệm ADN nhưng rồi một đi không trở lại. Hiện vợ và con trai đầu của anh Đào đang là cán bộ xã Sơn Hội, còn người con trai út đang theo học đại học ở TPHCM. Mặc dù đã ở riêng nhưng ngày nào anh Đào cũng qua nhà cha mẹ nuôi để chăm sóc ông bà.
“Trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn muốn biết cha mẹ ruột mình là ai, còn sống hay đã mất, chứ có tìm được tôi cũng không rời mảnh đất này. Đây là nơi tôi được sinh ra lần 2” - anh Đào bày tỏ.
Làng trẻ lạc dưới chân đèo Tôna Đèo Tôna nằm trên Quốc lộ 25, giữa huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa (Gia Lai). Theo bà Ngô Thị Ngọc Phú, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH thị xã Ayun Pa, rất nhiều trẻ mất cha mẹ ở khu vực này. “Những trẻ đó được đồng bào dân tộc thiểu số đưa về nuôi dưỡng, nhất là ở buôn Phumamiơng, xã Iartô (thị xã Ayun Pa) và buôn Phùm, xã Iasiom (huyện Krông Pa). Chính quyền địa phương rất quan tâm đến những trường hợp này, họ được cấp đất sản xuất, được hưởng các chế độ của đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống đều ổn định” - bà Phú nói. Còn theo ông Siu Gié, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Krông Pa, những người này rất chịu khó làm ăn và rất khấm khá. “Nhiều người tìm được cha mẹ ruột ở TPHCM nhưng họ không đi, họ chỉ gắn bó ở đây thôi” - ông Gié cho biết. |