Vàng tặc dựng lán hoành hành công khai

Đã nhiều tháng nay, vàng tặc tập kết tại đỉnh núi Cư Kuin, thuộc thôn Thanh Bình, xã Ea Kinh, huyện Krông Pách (Đăk Lăk) dựng lán trại, sử dụng máy móc khai thác vàng một cách công khai...

Thâm nhập mỏ vàng

Nhận được nguồn tin báo trên đỉnh núi Cư Kuin, vàng tặc ngang nhiên đào đất, khoét núi, sử dụng máy nổ… hoạt động sôi nổi suốt ngày đêm như một công trường lớn, chúng tôi đã lặn lội về đây. Từ dưới chân núi đã thấy những lán trại của vàng tặc cheo leo nơi vách núi, tiếng máy nổ vang xa cả cây số...

Vàng tặc dựng lán hoành hành công khai - 1

Lán trại và máy móc phục vụ khai thác vàng trên đỉnh núi Cư Kuin

Khi nhóm chúng tôi cách vị trí khai thác khoảng 20m, phát hiện chiếc xe máy của “nhân viên” cảnh giới vòng ngoài của vàng tặc, ngay lập tức tiếng máy nổ im bặt; mọi hoạt động ở đây trong phút chốc trở nên “bình yên” đến lạ thường.

Biết việc thâm nhập đã bị phát hiện, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bãi vàng. Cửa hầm vàng nằm gần đỉnh núi Cư Kuin, ở vị trí có độ dốc khá cao. Chúng tôi hỏi chuyện 2 phu vàng, một người quê ở Thái Nguyên, người kia ở huyện Mđrăk (Đăk Lăk). Mặc dầu 2 phu vàng trò chuyện khá bình tĩnh, nhưng cả 2 vẫn thủ sẵn mỗi người một mã tấu bên cạnh, nhằm đề phòng trường hợp bị công an ra tay bắt giữ. Cả 2 cho biết, họ làm thuê cho chủ bãi Nguyễn Văn Hoàng (còn có biệt danh là Hoàng tóc dài) trú ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pách, mỗi tháng ngoài cơm nuôi được trả công 5 triệu đồng.

Tại hiện trường, chúng tôi thấy có 4 lán trại, 1 nhà bếp, 1 máy nghiền, 2 máy nổ, 1 máy tời, nhiều máy khoan, 1 bể lọc, 1 máy phát điện kèm đường điện thắp sáng. Với quy mô khá hoành tráng này, chủ bãi vàng phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây chuyền và công nghệ.

Đang trò chuyện, thì phu vàng quê ở Thái Nguyên nghe điện thoại của chủ bãi gọi tới. Theo lời của chúng tôi, phu vàng này trả lời qua điện thoại: “Đoàn chỉ lên thăm chơi để làm phim và mời anh về nói chuyện”. Chỉ trong thời gian ngắn, Hoàng “tóc dài” đã có mặt ở bãi vàng. Hầu hết số phu vàng khi thấy động cũng nằm im trong hầm vàng ẩn nấp, chỉ khi biết đó là đoàn lên làm phim, họ mới lầm lụi chui ra khỏi hầm vàng sâu hun hút. Theo các phu vàng, “công trường” chỉ có 8 nhân công. Nhưng qua quan sát vật dụng sinh hoạt, máy móc, phương tiện phục vụ việc đào đãi vàng, chúng tôi nhận định phải có vài chục người đang khai thác ở đây.

Cứu lấy môi trường

Ông Võ Minh Thành - Phó Trưởng công an xã Ea Kinh xác nhận: Chủ bãi vàng Hoàng “tóc dài” này trước đây đã tổ chức khai thác trên núi Pháo (thuộc thôn Thanh Xuân, xã Ea Kinh), sau khi bị lực lượng chức năng truy quét thì tiếp tục dạt về núi Cư Kuin để hành nghề. Còn anh Hoàng Đại Cương - công an viên thôn Thanh Bình bức xúc: “Việc tổ chức khai thác vàng trái phép trên núi Cư Kuin này không những hủy hoại môi trường rừng, môi trường nước, gây sạt lở núi mà còn gây mất an ninh trật tự địa bàn”.

Theo người dân định cư gần chân núi Cư Kuin, do việc khai thác vàng bừa bãi, dẫn tới nguồn nước trong vùng bị nhiễm độc, đã có một số trâu, bò của bà con bị bệnh và chết. Cánh đồng lúa dưới chân núi cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước đầu nguồn bị chặn lại để đãi vàng. Ở đây, hầu hết bà con sử dụng nước giếng, nên rất lo sợ những hóa chất phục vụ đào đãi vàng ngấm xuống làm nhiễm độc nguồn nước. Trước đây bà con có ý kiến, chủ bãi vàng hứa sẽ đền bù cho dân, nhưng chỉ hứa suông. Người dân trong thôn Thanh Bình bức xúc lắm, đã phản ánh lên chính quyền xã, nhưng chưa thấy lực lượng chức năng vào cuộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm phóng viên (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN