Ukraine: Tên lửa Buk được hối hả kéo về Nga

Ukraine công bố video cho thấy tên lửa phòng không Buk đang được vội vàng kéo về phía biên giới Nga.

Ngày 18/7, tờ Washington Post của Mỹ đưa tin chính phủ Ukraine vừa công bố một đoạn video trên YouTube cho thấy một giàn tên lửa phòng không Buk (hay SA-11 Gadfly) đang được hối hả đưa từ miền đông Ukraine về phía biên giới với nước Nga.

Mặc dù đoạn video này vẫn chưa được xác nhận, song hình ảnh trong video cho thấy một chiếc xe tải chở một hệ thống Buk với một quả tên lửa bị thiếu trên giàn phóng của nó. Có vẻ như hệ thống này được gắn trên một xe bánh xích vốn có tốc độ chậm hơn xe bánh lốp rất nhiều.

Ukraine: Tên lửa Buk được hối hả kéo về Nga - 1

Tên lửa phòng không Buk được gắn trên xe bánh xích không thể chạy được nhanh

Việc hệ thống tên lửa gắn trên xe bánh xích này được vận chuyển bằng xe tải chứng tỏ hệ thống cơ động của nó đã bị vô hiệu hóa, hoặc nó cần phải được di chuyển tới một địa điểm khác càng nhanh càng tốt.

Hôm qua, các quan chức Mỹ cũng đánh giá rằng chiếc máy bay MH17 gặp nạn trên bầu trời Ukraine khiến 298 người thiệt mạng nhiều khả năng đã bị bắn rơi bởi một quả tên lửa SA-11 được phóng lên từ một địa điểm do phe ly khai Ukraine kiểm soát.

Ukraine: Tên lửa Buk được hối hả kéo về Nga - 2

Một hệ thống Buk được hối hả vận chuyển bằng xe tải về phía biên giới (Ảnh cắt từ clip)

SA-11 là một trong những biến thể của dòng tên lửa phòng không tầm trung Buk được phát triển từ cuối những năm 1970. Biến thể mới hơn SA-17 có tầm quan sát xa hơn và tầm bắn cao hơn nhờ hệ thống radar cải tiến. Tên lửa của hệ thống SA-17 này có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao hơn 20.000 mét, gấp đôi độ cao hành trình của MH17.

Cả tên lửa SA-11 và SA-17 đều có thể tương tác với các hệ thống phòng không khác thông qua một xe chỉ huy, tạo ra một mạng lưới phòng không đặc biệt để thực hiện những nhiệm vụ bảo vệ từng vùng trời cụ thể. Ngoài ra, hai hệ thống này đều có thể hoạt động độc lập và theo dõi mục tiêu bằng chính radar của mình, dù có xe chỉ huy hay không.

Nếu quả thực một hệ thống tên lửa như vậy đã được sử dụng để bắn hạ MH17, nhiều khả năng hệ thống đó đã hoạt động độc lập, bởi các thông tin tình báo do Mỹ thu thập được cho thấy họ chỉ phát hiện duy nhất một hệ thống radar phòng không hoạt động ở khu vực gần nơi máy bay rơi.

Ukraine: Tên lửa Buk được hối hả kéo về Nga - 3

Máy bay MH17 bị rơi ở khu vực do phe ly khai Ukraine kiểm soát

SA-11 và SA-17 đều có thể phóng lên nhiều loại tên lửa khác nhau, với vận tốc trung bình gấp 3 lần vận tốc âm thanh, có nghĩa là nó có thể bay được hơn 27.000 m/phút sau khi đạt vận tốc tối đa.

Nếu như tên lửa này được phóng lên từ vị trí ngay phía dưới MH17, nó có thể vọt lên và tiêu diệt chiếc máy bay trong vòng chưa đầy 20 giây.

Cho đến nay các điều tra viên quốc tế vẫn đang nỗ lực tìm cách tiếp cận với hiện trường máy bay MH17 rơi trong khu vực chiến sự do phe ly khai Ukraine kiểm soát. Sau khi tiếp cận hiện trường, các chuyên gia này sẽ xem xét dấu hiệu chất nổ lưu lại trên xác máy bay, từ đó họ có thể quyết định được đó là loại chất nổ nào, được trang bị cho loại tên lửa nào và do ai sản xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia rơi ở Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN