Tuyệt kĩ huấn luyện “ngưu vương”

Để trở thành “ngưu vương”, “ông trâu” được chăm sóc và huấn luyện rất bài bản, tốn nhiều công sức.

“Ông trâu” học tiếng Việt và tập thể dục mỗi ngày

Sau khi trâu được vận chuyển về xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, những “chuyên gia” nuôi trâu chọi tại đây sẽ bắt đầu khóa huấn luyện quan trọng cho những “ông trâu” này.

 Theo anh Hà Hữu Đức (trú xã Hải Lựu) – người có thâm niên gần 20 năm nuôi trâu chọi và từng là nhà vô địch của hội chọi trâu Hải Lựu, việc đầu tiên khi tậu trâu về nhà là phải dạy cho trâu nghe và hiểu được tiếng Việt. Bởi lẽ, những chú trâu “nhập khẩu” này đều chỉ nghe hiểu chỉ lệnh bằng tiếng nước ngoài.

“Ông trâu” nặng nhất đang được nuôi để tham gia chọi trâu Hải Lựu có trọng lượng lên tới hơn 1,1 tấn, nhập khẩu từ Myanmar.

“Ông trâu” nặng nhất đang được nuôi để tham gia chọi trâu Hải Lựu có trọng lượng lên tới hơn 1,1 tấn, nhập khẩu từ Myanmar.

“Nếu không dạy được trâu tiếng Việt, thêm nữa là lạ chủ, trâu có thể nổi điên với người ra lệnh cho nó và việc này rất nguy hiểm”, anh Đức chia sẻ.

Mỗi ngày, trâu sẽ ăn nhiều bữa với khẩu phần ăn bao gồm cỏ, ngô xay, mía mật… Loại thức ăn sẽ được thay đổi phù hợp vào từng giai đoạn nuôi trâu.

“Mỗi lần thay đổi thức ăn, “ông trâu” lại không chịu ăn vì lạ miệng. Sau đó thì “ông” sụt cân làm người nuôi như tôi cứ phải thấp thỏm”, anh Đức cười nói.

Một ông trâu khác được cột cạnh sân đấu có cặp sừng “khủng bố” dài khoảng nửa mét.

Một ông trâu khác được cột cạnh sân đấu có cặp sừng “khủng bố” dài khoảng nửa mét.

Một ngày tập luyện của “ông trâu” bắt đầu từ sáng sớm, người nuôi trâu sẽ đưa trâu chọi ra đồng để chạy tập thể dục. Sau đó, trâu sẽ tập húc đất để luyện thể lực, sức mạnh. Kết thúc phần tập luyện, “ông trâu” sẽ được đi tắm bùn tại các ao, ruộng nước. Việc tắm bùn sẽ giúp cho trâu dưỡng da, tăng độ dày cho lớp biểu bì.

Mẹo “độc” giúp trâu không hoảng loạn trong ngày đại chiến

Tại lễ hội hằng năm sẽ có hàng vạn người tham gia và những tiếng hò reo, tiếng chiêng, tiếng trống sẽ rất dễ khiến trâu hoảng loạn, dẫn tới việc sợ chiến, chạy loạn trong khu vực đấu trường.

Theo những “chuyên gia” nuôi trâu tại Hải Lựu, để tránh tình trạng trên, người nuôi trâu phải đưa trâu ra đường “diễu hành” trong những ngày gần diễn ra lễ hội. Việc đưa trâu đi “diễu hành” sẽ khiến cho trâu làm quen với nơi đông người.

Quá trình “diễu hành”, người nuôi trâu sẽ dùng chiêng, trống đánh bên tai trâu để quen dần, qua đó trâu sẽ không hoảng khi nghe thấy tiếng động lớn ở lễ hội.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu thu hút khoảng 70.000 lượt khách du lịch mỗi năm.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu thu hút khoảng 70.000 lượt khách du lịch mỗi năm.

Anh Thanh – một “chuyên gia” khác nuôi trâu chọi ở Hải Lựu cho hay, những năm đầu khi mới tổ chức lại lễ hội, người dân Hải Lựu dùng luôn những con trâu cày ngoài ruộng mang ra sân đấu, khi chọi xong, làng nào có trâu thì mang về mổ lấy thịt liên hoan.

“Những năm gần đây, kinh tế khá hơn, dân chơi trâu chọi vì thế mà đầu tư hơn, trâu chọi được nhập khẩu và được đào tạo bài bản. Những “ông trâu” phải có vòng ngực từ 2,1 mét trở lên, tương đương khoảng 700kg mới đủ tiêu chuẩn tham gia lễ hội”, anh Thanh thông tin.

Cũng theo anh Thanh, trâu chiến dũng mãnh trên sân đấu là thế nhưng ở ngoài đời lại rất… hiền. Chúng chỉ “nổi điên” khi thấy những con trâu đực khác nên những “chuyên gia” nuôi trâu chọi ở Hải Lựu không ai bảo ai cũng tự đưa trâu đến những khu vực khác nhau tập luyện, tránh để trâu chọi tiếp xúc với nhau cũng như gặp những con trâu cày bình thường khác.

“Tuy nhiên, một số người nuôi trâu chọi có cách “nuôi kín”, không cho trâu tiếp xúc với người lạ nên chúng rất dễ nổi điên, mất kiểm soát khi có người lạ tới gần”, anh Thanh cho hay.

Sau khi kết thúc hội chọi trâu, những “ông trâu” sẽ được tập trung tại khu mổ trâu chọi do ban tổ chức lễ hội lập ra, đảm bảo vệ sinh. Đầu “ông trâu” vô địch sẽ được tế lễ tại đền thờ Thành hoàng làng – Thừa tướng Lữ Gia. Phần thịt của trâu chọi một phần để lại cho những hộ nuôi mở tiệc, phần khác được đem bán làm quà trong ngày cuối lễ hội với giá dao động không vượt quá 1,2 triệu đồng/kg thịt do ban tổ chức quy định để tránh tình trạng thương mại hóa lễ hội. Thịt trâu chọi đem bán là một phần đặc sắc, được du khách thập phương đến với Hải Lựu rất mong chờ.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện ít ai biết về lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam

Theo những người dân thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chọi trâu tại đây đã có truyền thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Mở cửa thấy Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN