Từ vụ giám thị bị giết: Lái xe taxi "hóa quỷ", làm sao thoát?

Khi đi taxi, hành khách nên gọi điện hoặc giả vờ gọi cho người thân để thông báo đặc điểm chiếc xe taxi, thông tin tài xế.

Từ vụ giám thị bị giết: Lái xe taxi "hóa quỷ", làm sao thoát? - 1

Hành khách nên chon taxi có quan hệ thân quen nếu đi xa. (Ảnh minh họa)

Vừa qua, tại tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ án mạng thương tâm, lái xe taxi Nguyễn Văn Tiến (26 tuổi, ở TP.Hà Tĩnh) do đã ra tay sát hại chị Phạm Thị Oanh (23 tuổi, quê ở Hà Nam, sinh viên Đại học Sư phạm Huế), nữ giám thị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tại tỉnh Hà Tĩnh) lấy 250.00 rồi phi tang xác xuống gầm cầu.

Trao đổi với phóng viên một số luật sư, cán bộ điều tra đều bày tỏ nuối tiếc vì khi đi taxi chị Oanh nhìn thấy dấu hiệu phạm tội của Tiến nhưng lại không tìm cách thoát khỏi nguy hiểm.

“Trên đường đi chị Oanh nhắn tin cho bạn bày tỏ sự lo lắng vì thấy taxi đi lòng vòng. Nhưng đáng tiếc chị Oanh lại không tìm cách rời khỏi xe. Tâm lý của đa số các đối tượng phạm tội là cố gắng che giấu hành vi, dấu vết. Vì vậy, giả sử chị Oanh gọi điện cho người thân bày tỏ lo lắng và nói đang đi cùng anh tài xế ABC của hãng ABC thì tôi cho rằng, tài xế taxi chưa chắc dám gây án vì thông tin của anh ta đã bị lộ”, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá.

Từ vụ án sát lái xe taxi hại nữ giám thị, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, người dân khi đi taxi cần thận trọng trong việc lựa chọn phương tiện và cần được trang bị một số kiến thức cơ bản đối phó với tội phạm phòng trường hợp bất trắc.

Từ vụ giám thị bị giết: Lái xe taxi "hóa quỷ", làm sao thoát? - 2

Khi đi taxi cần thông tin tới người thân đặc điểm chiếc xe nếu cảm thấy mối nguy hiểm từ tài xế.(Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV, thiếu tá Đặng Mạnh Cường – Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm, để tránh trở thành nạn nhân của tài xế có ý đồ phạm tội, khi đi taxi hành khách cần lưu ý một số kỹ năng như sau:

Chọn taxi quen: Nếu thường xuyên phải đi lại vào ban đêm hoặc tỉnh xa, hành khách cần tạo dựng mối quan hệ thân quen với một số lái xe taxi và nên cho người nhà biết về vị tài xế taxi.

Bắt taxi qua bộ đàm: Trong trường hợp đột xuất, phải di chuyển vào ban đêm hoặc đi tới nơi mình không thông thuộc địa bàn, vắng người qua lại thì hành khách nên gọi xe qua đường số điện thoại của hãng để tránh taxi “dù”và đối tượng xấu vờ lái taxi để phạm tội.

Tất cả hãng taxi đều trang bị hệ thống định vị toàn cầu.Vì vậy, nếu khách bắt taxi qua đầu mối của hãng thì thông tin về taxi và tài xế cùng hành trình của khách sẽ được lưu lại. Nếu hành khách bị tài xế tấn công thì lực lượng chức năng sẽ dễ dàng ứng cứu. 

Cho lái xe thấy có người thứ 3 biết mình đi taxi: Tội phạm thường có tâm lý che giấu hành vi và dấu vết phạm tội. Nếu tài xế có ý định phạm tội nhưng khi nghe được thông tin, người thân hành khách cũng đã nắm được đặc điểm của mình thì  tâm lý phạm tội sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy trước khi lên taxi vào ban đêm, hành khách nên ghi lại hãng xe, biển số xe và thông tin tài xế gửi cho người thân.

Khi di chuyển, hành khách nên gọi điện hoặc giả vờ gọi cho người thân để thông báo đặc điểm chiếc xe taxi, thông tin tài xế… Khi gọi điện nên tìm cách để tài xế taxi nghe được cuộc trao đổi.

Trong trường hợp đang trong tình trạng không tỉnh táo như say rượu thì hành khách trước khi lên xe cần thông tin tới người thân về đặc điểm chiếc xe hoặc nối máy để tài xế nói chuyện với người thân của mình.

Nếu bắt taxi cho người quen đang trong tình trạng không tỉnh táo, người dân nên ghi nhớ đặc điểm xe để phòng xảy ra bất trắc, ví dụ xin số điện thoại tài xế.

Không nên mang nhiều tài sản: Khi di chuyển đường xa hoặc vào ban đêm, hành khách không nên thể hiện mình là người có điều kiện, đeo trang sức vật dụng đắt tiền hoặc ăn mặc hở hang khêu gợi vì điều đó có thể kích thích lòng tham, ham muốn của tài xế thiếu bản lĩnh, thúc đẩy họ có ý định phạm tội.

Ngồi ở hàng ghế sau: Việc ngồi ở hàng ghế sau sẽ giúp hành khách dễ quan sát cử chỉ, thái độ của tài xế và có thể giữ được thế chủ động nếu tài xế tấn công bất ngờ.

Kiên quyết rời khỏi xe nếu thấy bất thường: Trên đường di chuyển nếu hành khách nhận thấy lái xe taxi có các biểu hiện như đi sai cung đường, tỏa ra lấm lét, bất thường thì hành khách phải tìm mọi cách xuống xe ngay lập tức. Hành khách có thể lấy cớ đi vệ sinh, vờ vào mua hàng… hoặc thông báo ngay tới cảnh sát 113 để được trợ giúp.

Ghi nhớ đặc điểm tên tội phạm: Trường hợp tài xế có hành động tấn công thì hành khách nên bình tĩnh để xử lý. Nếu đối tượng có hung khí thì hãy làm theo yêu cầu, phải ưu tiên đảm bảo tính mạng bản thân đầu tiên. Hành khách cố gắng kéo dài thời gian và tìm cơ hội cầu cứu và trốn thoát.

Nếu không thể kêu gọi bất cứ sự giúp đỡ nào khác thì hành khách ghi nhớ đặc điểm của tên tội phạm, biển số xe... để trình báo với công an sau sự việc.

Đầu tháng 6.2016, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhận được trình báo của ông Kim (người Hàn Quốc) về việc ông bị một tài xế taxi trộm mất 6 triệu đồng khi bắt xe về nhà.

Từ thông tin đặc điểm chiếc xe taxi ông Kim cung cấp, Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ được hung thủ lái xe taxi Nguyễn Văn Thành (35 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội), thu lại tang vật vụ án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN