Từ vụ đòi con nuôi tại tịnh thất Bồng Lai: Đòi lại đứa con đã cho, không dễ!

Theo chuyên gia, nếu nguyên đơn, bị đơn đồng ý chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi và cháu B đồng ý thì có thể xem xét áp dụng tinh thần của Án lệ 61/2023.

TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa đưa ra xét xử vụ tranh chấp yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (một trong những bị án vụ tịnh thất Bồng Lai). Tuy nhiên, tòa đã tạm ngừng phiên xử để thu thập chứng cứ và để đưa thêm UBND tham gia tố tụng.

Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc lại thắc mắc pháp luật quy định như thế nào về việc chấm dứt nuôi con nuôi; cha mẹ ruột đòi lại đứa con đã cho cha, mẹ nuôi ra sao...

Phải có phán quyết của tòa

Luật sư (LS) Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết để được pháp luật công nhận là con nuôi hợp pháp thì người nhận nuôi con nuôi phải đăng ký tại UBND cấp xã và được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận.

Luật sư đang trao đổi thông tin với bà Dung. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Luật sư đang trao đổi thông tin với bà Dung. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi thì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Cũng theo LS Tám, giống như việc đăng ký nhận nuôi con nuôi, trường hợp chấm dứt mối quan hệ này cũng cần phải tuân theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi

Một cán bộ phòng Tư pháp quận Bình Tân, TP.HCM cho biết khi rơi vào một trong các trường hợp sau thì tòa án sẽ ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi:

Thứ nhất, con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Thứ hai, cha mẹ nuôi hoặc con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi/cha mẹ nuôi.

Thứ ba, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm như lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em…

Cụ thể, khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi giữa các bên.

Lúc này, tòa án sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết để thu thập, xác minh chứng cứ. Trên cơ sở kết quả thu thập, đánh giá chứng cứ, HĐXX sẽ ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của tòa án có hiệu lực pháp luật thì quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt.

Trường hợp này, bé B mới chỉ sáu tuổi (chưa thành niên). Trong khi đó, người nhận nuôi là bà Cao Thị Cúc đang phải chấp hành bản án hình sự nên không có điều kiện, khả năng để nuôi dạy trẻ.

Vì vậy, để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho bé B thì cha mẹ đẻ của bé có quyền khởi kiện đề nghị tòa án xem xét, tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi và giao bé B cho cha mẹ đẻ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Có thể áp dụng án lệ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: “Luật Nuôi con nuôi chưa đề cập tới chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên. Chính vì vậy, tôi đã đề xuất Án lệ 61/2023 về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên.

Tuy nhiên, để áp dụng tinh thần của án lệ trên thì cần sự đồng thuận của cả ba bên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và sự đồng thuận của con nuôi. Tức trong vụ án trên, nếu nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung (mẹ bé) và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (mẹ nuôi bé) đồng ý chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi và bé B đồng ý thì có thể xem xét áp dụng tinh thần của Án lệ 61/2023”.

Theo TS Đại, có thể thấy vụ việc nêu trên đều không thuộc các khoản 1, 2, 3 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi (các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi).

Còn đối với khoản 4 Điều 25 là vi phạm các hành vi cấm, trong đó có hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, việc bà Cúc là một bị án cũng không thuộc trường hợp này.

Còn để chứng minh việc người nhận nuôi con nuôi lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là không dễ.

Lúc này, cần cân nhắc khả năng triển khai cơ chế giám hộ cho trẻ để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ.

Tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ

TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa mở phiên xử vụ tranh chấp yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (một trong những bị án vụ tịnh thất Bồng Lai). HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để đưa UBND thị trấn Long Hải vào tham gia tố tụng và thu thập chứng cứ về việc giao nhận con nuôi.

Nội dung vụ án thể hiện đầu năm 2017, bà Dung sinh được một bé trai và đăng ký giấy khai sinh cho bé ở thị trấn Long Hải, đặt tên là GB.

Đến năm 2019, lúc bé GB được hai tuổi thì gia đình bà xảy ra biến cố. Bà Dung đã tìm đến tịnh thất Bồng Lai để cho con với mong muốn con mình sau này được sống tốt hơn. Sau khi được bà Cúc nhận lời, hai bên đã làm thủ tục giao nhận con nuôi tại UBND thị trấn Long Hải.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo, bà Cúc lại đang phải đi chấp hành án, không có điều kiện nuôi dưỡng, dạy con mình, bà Dung đã khởi kiện ra tòa yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi.

Nguồn: [Link nguồn]

Tạm ngừng phiên tòa vụ đòi con đã cho tại Tịnh thất Bồng Lai

TAND huyện Đức Hòa, Long An tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ liên quan đến việc giao nhận con nuôi tại Tịnh thất Bồng Lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HỮU ĐĂNG - YẾN CHÂU - NGUYỄN HIỀN ([Tên nguồn])
Tịnh thất Bồng Lai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN