Từ vụ Camry đâm chết người: Cần cấm vĩnh viễn lái xe uống rượu

Các chuyên gia cho rằng chưa cần đề nghị tịch thu phương tiện của "ma men" lái xe, nhưng cần áp dụng biện pháp cấm lái xe vĩnh viễn.

Từ vụ Camry đâm chết người: Cần cấm vĩnh viễn lái xe uống rượu - 1

Hiện trường vụ xe Camry đâm chết 3 người, trong đó có 1 trẻ em trên phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội)

Nói về vụ tài xế Nguyễn Quang Vinh lái xe Camry làm chết 3 người ở Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội), ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng có nhiều tình tiết tăng nặng do tài xế không có giấy phép lái xe, sử dụng rượu trước khi điều khiển phương tiện và sử dụng xe của người khác khi chưa được phép.

Ông Liên cho hay: "Ý kiến của người dân tôi ghi nhận được là các cơ quan pháp luật cần xem xét xử theo hình thức tăng nặng, kịch khung tội danh. Nếu xác định nặng hơn còn phải nâng lên tội giết người".

Về vấn đề, trong những trường hợp say rượu lái xe gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có cần thiết phải tịch thu phương tiện hay không, ông Bùi Danh Liên cho rằng đây là tài sản của người khác, không phải của tài xế nên không thể xử lý theo hướng đó được. Đây chỉ là tình tiết tăng nặng.

Đồng quan điểm về hướng xử lý đối với phương tiện của "ma men", ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Người nào gây nên tội, người đấy phải chịu, trong trường hợp không phải xe của người lái, không tịch thu được. Việc xử lý người lái xe thì theo quy định pháp luật".

Tuy nhiên, mở rộng ra đối với các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Thanh đề nghị phải có hình thức xử phạt mạnh hơn nữa để quán triệt tuyệt đối "đã uống rượu bia thì không lái xe".

Ông Thanh cho hay: "Lái xe khi đã say rượu hoàn toàn có thể gây tai nạn chết người. Vì thế, nếu phát hiện anh có uống rượu rồi lái xe, cần tịch thu bằng lái vài năm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, thì không bao giờ cấp bằng lái xe cho anh nữa. Bởi anh uống say, gây tai nạn chết người thì vĩnh viễn không cho lái xe nữa. Như thế mới nghiêm được, chứ còn xử xuề xòa cho xong thì không được".

Trở lại vụ việc xe Camry "điên" ở quận Long Biên, ông Nguyễn Văn Thanh cũng hy vọng cơ quan chức năng sẽ điều tra, xét xử nghiêm người gây tai nạn theo đúng quy định pháp luật, không nhẹ tay được.

Trước đó, khoảng 7h30 sáng 29/2, xe ô tô Camry BKS 29A-866.23 lưu thông trên phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đã bất ngờ tăng tốc đâm vào nhiều xe máy phía trước khiến 3 người tử vong. Tài xế gây tai nạn được xác định là Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, tổ 15, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

Liên quan đến vụ việc, chiều 1.3 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các thủ tục có liên quan để xác minh nguyên nhân tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông như: người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ cho phép, đi sai phần đường, làn đường, ...

Tháng 3.2015, Ủy ban ATGT Quốc gia đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong đó, nếu người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu có hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.

Sau đó, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm kể trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Phong ([Tên nguồn])
Xe Camry đâm chết 3 người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN