Từ 2019: Chủ tịch tỉnh, thứ trưởng không có xe công

Sự kiện: Thời sự

Theo tính toán của Bộ Tài chính, sau khi thực hiện khoán xe công, cả nước sẽ chỉ còn 180 xe công phục vụ chức danh, giúp ngân sách Nhà nước mỗi năm có thể cắt giảm được gần 5.000 tỷ đồng.

Từ 2019: Chủ tịch tỉnh, thứ trưởng không có xe công - 1

Ngân sách sẽ không chi tiền trang bị xe phục vụ đưa đón các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mà sẽ khoán kinh phí đưa đón (Chụp chiều 16/11 tại trụ sở Bộ Y tế) - Ảnh: Tạ Tôn

Cả nước chỉ còn 180 xe công phục vụ chức danh

Sau thời gian thí điểm thực hiện tại Bộ Tài chính, cơ quan quản lý này đã xây dựng xong dự thảo Nghị định để luật hóa Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công và dự kiến áp dụng ngay từ năm 2018.

Theo dự thảo, có bốn chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác và không quy định mức giá cụ thể là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết, theo báo cáo về tình hình sử dụng xe công của 63 địa phương, tổng số ô tô công của cả nước tính đến cuối năm 2016 là 34.241 chiếc. Trong đó, 864 xe phục vụ chức danh, 17.047 xe phục vụ công tác chung và 16.330 xe chuyên dùng.

Một số chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác tương đương từ hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội… Một số chức danh khác như Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng... và chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên. Các đối tượng này sẽ được dùng xe công có giá tối đa 1,1 tỷ đồng.

Các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên sẽ áp dụng tiêu chuẩn khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến cơ quan, được bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác. Ngân sách sẽ không chi tiền để trang bị xe phục vụ đưa đón các lãnh đạo này nữa.

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, sau khi thực hiện quy định mới này, ước tính số lượng xe công phục vụ chức danh giảm 684 xe, tức là cả nước chỉ còn đúng 180 xe công phục vụ chức danh. Cùng với việc giảm được khoảng 10.000 xe phục vụ công tác chung, theo ước tính của Bộ Tài chính, ngân sách cắt giảm được 3.400 tỷ đồng mỗi năm kinh phí để vận hành, bảo dưỡng số xe nói trên. Ngân sách cũng cắt giảm được hàng nghìn tỷ đồng mua xe mới mỗi năm với giá trị trung bình 700-800 triệu đồng/xe.

2018 sẽ sắp xếp xong

Đối với những đối tượng được áp dụng kinh phí khoán thay vì đi xe công như trước, khi thí điểm, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án áp dụng cơ chế khoán. Phương án 1 là khoán 6,5 triệu đồng/tháng/người. Mức này có thể được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm đến 20%. Đây cũng là mức mà Bộ Tài chính đã áp dụng thí điểm trước đó với các Thứ trưởng và Tổng cục trưởng của Bộ này. Tiền khoán này được Bộ Tài chính chuyển thẳng vào lương hàng tháng của người được nhận khoán. Phương án 2 là khoán 16.000 đồng/km. Đơn giá này nhân với số km đi thực tế và nhân với số ngày làm việc trong tháng sẽ ra số tiền khoán. Cục Quản lý công sản cho biết, so với số tiền vận hành mỗi xe công là 320 triệu đồng/năm thì số tiền khoán trên chỉ tương đương một nửa số này.

Còn theo dự thảo Nghị định, có hai hình thức áp dụng tính kinh phí khoán là khoán gọn và khoán theo km thực tế. Kinh phí khoán cả hai hình thức đều tính theo số km từ nơi ở đến cơ quan (2 lần/ngày), số ngày làm việc bình quân hàng tháng sau đó nhân với đơn giá khoán. Điểm khác là khoán gọn dựa trên số km bình quân khi đi công tác, còn hình thức thứ hai tính theo số km từng lần đi công tác. Đơn giá khoán sẽ không áp dụng đồng nhất mà sẽ do Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp Nhà nước xem xét, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định cho từng thời kỳ phù hợp với đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.

Dự thảo Nghị định quy định đến ngày 31/12/2018, các Bộ, ngành và địa phương phải sắp xếp xong vấn đề xe công. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến hết quý I năm nay các đơn vị đã thanh lý được 761 xe công, thu về 35,15 tỷ đồng. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn thì việc sắp xếp xử lý và khoán xe công sẽ giảm chi được hàng nghìn tỷ đồng. Chính sách này không chỉ tiết kiệm cho ngân sách mà còn là hành động thể hiện Chính phủ liêm chính. 

Thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến họp ”trông không được đẹp”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH cho rằng khoán xe công cần quy chuẩn bởi nếu thứ trưởng đi xe công, thứ trưởng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN