TT Putin: “Muốn dân tin, phải có trái tim thấu hiểu”

Sự kiện: Vladimir Putin

“Điều quan trọng nhất là hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong nước để thay thế hàng ngoại nhập trong cửa hàng, để các nhà sản xuất nội địa chiếm một vị trí xứng đáng”- Tổng thống Nga V. Putin phát biểu tại cuộc giao lưu trực tuyến chiều 16.4.

Hơn 2 triệu câu hỏi dành cho Tổng thống Putin

Nội dung chủ yếu của hơn 2 triệu câu hỏi gửi đến cho Tổng thống Putin, tập trung vào vấn đề kinh tế của nước Nga trước lệnh trừng phạt của phương Tây và mối quan hệ của Nga với phương Tây và NATO trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang diễn ra. Gần 250 nhà báo Nga và hơn 70 phóng viên nước ngoài đã tác nghiệp tại trường quay trực tuyến.

TT Putin: “Muốn dân tin, phải có trái tim thấu hiểu” - 1
Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc giao lưu trực tuyến ngày 16.4. Sputnik

Mở đầu cuộc đối thoại, Tổng thống Putin đã điểm lại những nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại Nga năm 2014. Theo ông Putin, sản lượng dầu mỏ của Nga năm 2014 đã đạt con số kỷ lục 525 triệu tấn. Cũng trong năm 2014, khắp nước Nga đã xây dựng được 82 triệu m2 nhà ở, nhiều nhất từ trước tới nay.

Theo đánh giá của ông Putin, việc thất thoát vốn ra nước ngoài cũng không tới mức thảm hoạ. Vốn của các ngân hàng Nga đạt 77 nghìn tỷ rúp, vượt quá giá trị tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Ông Putin cũng cho rằng, mức thâm hụt ngân sách 3,7% là chấp nhận được.

Tổng thống Putin ghi nhận thu nhập thực tế của người dân Nga đã giảm do lạm phát tăng 11,4%. Ông cho rằng, dù có cấm vận và trừng phạt của phương Tây hay không, nước Nga cũng cần phải hướng tới các biện pháp quản lý kinh tế hoàn thiện hơn nữa. Tổng thống Putin thừa nhận, các biện pháp trừng phạt khó thể hy vọng được dỡ bỏ vào lúc này. “Nước Nga không nên cam chịu các biện pháp trừng phạt mà phải tận dụng chúng để tiến tới những ranh giới phát triển mới”,-người đứng đầu nước Nga tuyên bố.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến này, Tổng thống Putin cũng đã gián tiếp gửi thông điệp đoàn kết đến người dân khi ông nhấn mạnh rằng: “Có rất nhiều nguy cơ không thể dự đoán trước. Nhưng nếu chúng ta có thể duy trì được tình hình chính trị hiện tại và nếu người dân Nga vẫn đoàn kết với nhau thì không có mối nguy nào có thể ảnh hưởng đến chúng ta". Tuy nhiên Tổng thống Nga cho rằng, Chính phủ Nga cần có thời gian để thích nghi và vạch ra một kế hoạch để thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Và rằng, nước Nga cần phải nhìn lại giai đoạn khủng hoảng năm 2009 để có đánh giá về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nông nghiệp lên ngôi

Ông Putin cho rằng, kinh tế Nga có thể phục hồi sớm hơn chứ không phải là 2 năm. Sản xuất nông nghiệp trong nước nhất định sẽ tăng trưởng. Trả lời câu hỏi về lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU của Nga, ông Putin khẳng định, chính phủ đã làm hết sức mình để chống lại việc nhập khẩu trái phép thực phẩm của EU vào Nga. Chính phủ cần hỗ trợ nền nông nghiệp trong nước, nếu không thị trường trong nước sẽ tràn ngập hàng ngoại.

"Nếu muốn người dân tin tưởng, chúng ta cũng cần phải có một trái tim thấu hiểu được họ đang sống như thế nào. Dù những bước tiến vừa qua là khá khiêm tốn, chúng ta vẫn đang thực thi những điều mà Chính phủ và Ngân hàng Trung ương khuyến nghị. Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này điều đó đã là đủ”.  

Tổng thống Putin

Liên quan đến lo lắng của những người nông dân tại làng Stepanovo về nền nông nghiệp của Nga, ông Putin khẳng định, các đối tác của Nga đều muốn mua hàng có chất lượng tốt. Chính vì thế, Chính phủ Nga đã đưa ra các biện pháp để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua việc giảm thuế, tăng việc hỗ trợ cho vay đối với những người sản xuất nông nghiệp.

Điều quan trọng nhất là hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp trong nước để thay thế hàng ngoại nhập trong cửa hàng, để các nhà sản xuất nội địa chiếm một vị trí xứng đáng, ông Putin nói.

Ngoài những câu hỏi liên quan đến kinh tế, lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga cũng trả lời thắc mắc về những vấn đề khác như việc Nga bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran và việc đàm phán hạt nhân với Tehran. Tổng thống Putin cho biết: Nga đã ký kết thỏa thuận này vào năm 2007, nhưng vào năm 2010, Tổng thống Nga lúc đó là ông Medvedev đã dừng thỏa thuận này do lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta đã thấy rõ thiện chí của Iran trong vấn đề này. Tất cả các bên tham gia đàm phán đều xác nhận việc hoàn tất thỏa thuận hạt nhân với Iran, chính vì thế Nga đã đưa ra quyết định của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Anh- Đức Hoàng ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN