Trưởng phòng CSHS chia sẻ cách đối phó với trộm có vũ khí
Khi có trộm đột nhập, trước tiên người dân nên tìm cách tự bảo vệ mình và thông báo tới cơ quan chức năng, hô hoán tạo tiếng động để kẻ trộm tẩu thoát nhưng cũng để hàng xóm biết để vây bắt.
Như đã thông tin, ngày 7.12, kẻ gian đột nhập gia đình ông Nguyễn Lương Chuân (ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) trộm tài sản. Khi bị gia chủ phát hiện, đuổi bắt, kẻ gian đã chống trả gây ra vụ thám án khiến 4 người thương vong, trong đó ông Chuân và một người con trai bị kẻ trộm đâm tử vong.
Cơ quan điều tra, Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Kỳ, nghi phạm gây ra vụ án tại nhà ông Chuân.
Trực tiếp tham gia điều tra, phá án, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 - Công an TP. Hà Nội) đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đột nhập nhà ông Chuân với mục đích trộm cắp tài sản nhưng quá trình tẩu thoát lại gây ra hậu quả thương tâm.
Đại tá Dương Văn Giáp chia sẻ với phóng viên.
Từ vụ án tại nhà ông Chuân, người đứng đầu PC45 Công an Hà Nội khuyến cáo, người dân ở vùng nông thôn, các vùng giáp danh giữa các quận, huyện cần nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm trộm cắp tài sản và cướp tài sản.
“Vụ án nhà ông Chuân là sự việc rất đáng tiếc. Trước khi đi ngủ gia đình nạn nhân đã không đóng cửa để đối tượng đi vào công khai từ tầng 1 lên tầng trên. Vì vậy chúng tôi đề nghị người dân trước khi đi ngủ, đi nghỉ, đi công tác... phải kiểm tra lại hệ thống an ninh của nhà mình. Phải đảm bảo tất cả các cửa ra vào, từ cửa cổng đến cửa thông gió đã được khóa, đối tượng trộm cắp không đột nhập được vào nhà.
Nếu đi công tác xa, vắng nhà lâu ngày người dân cần thông báo cho chính quyền địa phương hoặc công an xã, phường để được theo dõi chặt chẽ hơn.
Người dân không nên để tài sản có giá trị như tiền, vàng với số lượng lớn ở trong nhà mà nên gửi ngân hàng hoặc gửi các quỹ tiết kiệm.
Khi đi ngủ, đi làm, người dân nên cất giữ cẩn thận những tài sản quý, đắt tiền để tránh trường hợp đối tượng đi qua nhìn thấy gia đình sơ hở nổi lòng tham nảy sinh ý định đột nhập, trộm cắp”, Đại tá Giáp khuyến cáo.
Đại tá Dương Văn Giáp khuyến cáo người dân cần nâng cáo cảnh giác phòng chống trộm để tránh những vụ án thương tâm như vụ ở Thạch Thất.
Về cách đối phó với các đối tượng trộm cắp, cướp tài sản manh động dùng vũ khí chống trả người phát hiện, Đại tá Dương Văn Giáp khuyến cáo, khi phát hiện nhà có trộm, điều đầu tiên người dân cần làm là khéo léo đưa tất cả những người thân trong gia đình vào một căn phòng, cài cửa chắc chắn sau đó tìm cách thông báo tới cơ quan chức năng địa phương và người xung quanh để được hỗ trợ.
“Các đối tượng trộm cắp thường mang theo hung khí để chống trả lại nạn nhân và người dân vây bắt.
Để phòng ngừa đối tượng chống trả dẫn tới chết người như vụ án ở Thạch Thất, chúng tôi khuyến cáo người dân khi phát hiện trộm thì tìm cách thông tin tới chính quyền địa phương gần nhất để được hỗ trợ lực lượng vây bắt. Người dân cũng cần sử dụng một số công cụ có trong nhà như gậy, đòn gánh… để tự bảo vệ mình.
Ngoài ra, người dân có thể hô hoán hoặc sử dụng các công cụ trong nhà tạo tiếng động lớn để đối tượng tẩu thoát, nhưng đồng thời cho người dân xung quanh biết hỗ trợ, không để đối tượng chống trả gây thương tích hoặc tử vong như vụ án ở Thạch Thất”, Đại tá Dương Văn Giáp chia sẻ.
Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP. Hà Nội khuyến cáo thêm, đây đang là thời điểm giáp tết Nguyên Đán, các đối tượng nghiệm ngập, trộm cắp có khả năng sẽ hoạt động mạnh để lấy tiền hút ma túy và tiêu xài cá nhân. Vì vậy, người dân, các cơ quan công sở, đền, chùa… cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản sản.