Trung ương lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Sự kiện: Thời sự

Khai mạc sáng nay (25/12), Hội nghị T.Ư 9, khóa XII sẽ thực hiện công việc quan trọng theo quy định của Đảng là lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị T.Ư 8 Khóa XII

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm như thế nào

Việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng được thực hiện theo Quy định số 262. Quy định nêu rõ: Lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức; Tính trung thực, động cơ trong sáng, công bằng, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc trong công việc; khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ và tự phê bình, phê bình; Việc chống tham nhũng, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống và chấp hành chính sách, pháp luật…

Theo quy trình, Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban Kiểm phiếu. Bộ Chính trị chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm; Ban Kiểm phiếu phát phiếu; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu. Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.Những người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

“Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”, Quy định 262 của Đảng nêu rõ.

“Kênh” thăm dò tín nhiệm trong Đảng

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, việc Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với những người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thể hiện sự dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. “Đây là việc làm để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh”, ông Phúc nói và cho rằng, đánh giá tín nhiệm đòi hỏi những người bỏ phiếu phải khách quan, trung thực, trên tinh thần xây dựng. 

“Lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một kênh, một cách để đánh giá tín nhiệm trong Đảng. Qua đó giúp những người thuộc diện lấy phiếu nhìn nhận lại công tác lãnh đạo, điều hành và có những điều chỉnh ngày một tốt hơn, chứ không phải nhằm “loại bỏ hay xử lý ai đó”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh đánh giá cán bộ quan trọng trong Đảng. Bởi những người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư hầu hết đều đang nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, Quốc hội. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự nêu gương của những người trên có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến công việc của Đảng, tình hình kinh tế- xã hội của đất nước cũng như của cơ quan nơi họ đang làm việc.

“Kết quả bỏ phiếu sẽ giúp những người thuộc diện lấy phiếu nhìn lại mức độ “tín nhiệm” của mình để có những điều chỉnh tốt hơn. Ngoài ra, đó cũng là kênh để Đảng xem xét, bố trí nhân sự cấp cao trong nhiệm kỳ tới. Do đó, tôi hy vọng, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ diễn ra một cách công tâm, khách quan, trung thực”, ông Thưởng nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Tin tưởng, kỳ vọng sự công tâm, khách quan

 Việc lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở Hội nghị T.Ư 9 được thực hiện sau khi Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Lấy phiếu tín nhiệm được quy định với 3 mức: Tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Lấy phiếu tin nhiệm được coi là thước đo và là bước đi thận trọng để cán bộ tự sửa mình. Chia sẻ với cử tri Hà Nội về việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay. Việc lấy phiếu tín nhiệm có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính, điều cốt lõi để cán bộ thấy sai thì phải sửa, có khuyết điểm thì phải rút kinh nghiệm.Tôi cũng như nhiều người kỳ vọng, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng trước hết là phải công tâm, khách quan, trên cơ sở đánh giá sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi chức danh. Điều đó ai cũng kỳ vọng, làm sao để đánh giá cho chính xác, đừng cảm tính, phải có đong đếm từ thực tiễn. Về phía nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm được công khai, và tôi nghĩ, Đảng cũng đang đổi mới theo hướng này. Xã hội đang rất kỳ vọng vào kết quả chính xác, công tâm, khách quan, vì cán bộ chủ chốt của Đảng cũng là cán bộ chủ chốt của nhà nước.

Thành Nam (ghi)

Lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tháng 12

Trong tháng 12 tới đây, Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 9 để lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN