Trung Quốc phải rút giàn khoan trái phép

Việt Nam và Trung Quốc khẳng định kiềm chế, không để xảy ra xung đột trên Biển Đông và tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết tranh chấp.

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng biển của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải và hòa bình, ổn định của khu vực; làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam và tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai nước. Phó Thủ tướng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; kiểm soát tình hình, không để xảy ra xung đột; đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trung Quốc phải rút giàn khoan trái phép - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 18/6. Ảnh: VGP

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam; nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về biển Đông.

Quan điểm, lập trường của Việt Nam nói trên cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại tại buổi tiếp ông Dương Khiết Trì diễn ra sau đó trong ngày. Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết tranh chấp, bất đồng hiện nay. Bên cạnh đó, sớm tổ chức phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương để trao đổi biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Về ý kiến của ông Dương Khiết Trì liên quan đến tình hình an ninh an toàn đối với các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Lợi dụng các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, một số người đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn, xử lý nghiêm những người vi phạm và có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại.

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt - Trung và tình hình khu vực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai nước khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước.

Lập trường về chủ quyền của Việt Nam không thay đổi (Nguồn: VTV):

Bắc Kinh sử dụng máy bay tuần thám ở giàn khoan

Cục Kiểm ngư cho biết ngày 18/6, ngoài duy trì khoảng 110-118 tàu các loại, Trung Quốc còn huy động 2 máy bay quân sự và 1 máy bay tuần thám hoạt động ở khu vực giàn khoan.

Các tàu hải cảnh, tàu kéo của Trung Quốc đã tăng tốc độ, chặn hướng, áp sát ngăn cản quyết liệt, cách tàu kiểm ngư ở khoảng cách 20-50 m; sẵn sàng phun nước, đâm va khi các tàu kiểm ngư tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 10-12 hải lý. Tuy nhiên, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ nhằm tuyên truyền và thực thi pháp luật; kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các lực lượng bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

V.Duẩn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Kim (Người Lao Động)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN