Trẻ lại bị bỏ quên trên xe: Đã đến lúc phải hành động
Bạn đọc cho rằng cần có phải quy định cụ thể về quy trình đưa đón học sinh, áp dụng công nghệ mới để tránh tái diễn cảnh trẻ bị bỏ quên trên xe dẫn đến tử vong.
Trong tuần qua, những thông tin về vụ việc một trẻ mầm non 5 tuổi ở Thái Bình tử vong trên xe đưa đón của trường do bị bỏ quên đã khiến rất nhiều bạn đọc bàng hoàng, đau xót và chia buồn cùng gia đình bé trai xấu số.
Trước sự việc này, cũng đã có vài trường hợp đau lòng khác từ sự cố trẻ bị bỏ quên trên xe. Do đó, nhiều bạn đọc kiến nghị phải có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trẻ bị bỏ quên trên ô tô để không còn tái diễn cảnh đau lòng.
Đừng để bài học cũ, nỗi đau mới
Bạn đọc Thái Thanh chia sẻ: “Đây không phải lần đầu nước ta xảy ra sự việc đau lòng này. Trước đây, đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc. Do đó, cần phải có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với những người làm công tác đưa đón học sinh”.
“Theo tôi, những người được giao nhiệm vụ đưa đón trẻ phải là người được lựa chọn cẩn thận và có sự giám sát thường xuyên của lãnh đạo nhà trường. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải có trách nhiệm kiểm tra việc con em mình đến lớp.
Sự việc đã xảy ra rồi, các cơ quan chức năng sẽ điều tra và có phán quyết nhưng các bậc phụ huynh cũng cần ngồi lại với nhà trường và đưa ra quy trình đưa đón trẻ an toàn từ nhà đến trường và ngược lại. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ thì mới không còn xảy ra tình trạng đau lòng như trên”- bạn đọc Thanh Xuân ý kiến.
Chiếc xe bị phá tung cửa để đưa cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón ra ngoài. Ảnh: CTV
Trong khi đó, bạn đọc Phạm Hùng bình luận: “Theo tôi được biết, hiện nay mô hình xe đưa đón trẻ mầm non, tiểu học đều theo dạng đóng kín để có điều hòa, dán kính đen khiến việc quan sát ở bên ngoài rất khó. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan đơn vị nên rà soát, nghiên cứu với những xe dịch vụ chở trẻ mầm non, tiểu học phải được thiết kế khác với xe chở khách đường dài.
Đã đến lúc chúng ta phải hành động đưa ra quy chuẩn, quy trình cho những xe chuyên chở học sinh đến trường. Chúng ta không thể khi có vụ đau lòng phân tích, nêu lên, hiến kế này nọ rồi sau một thời gian bị lãng quên cho đến khi có nạn nhân mới rồi mới tiếp tục la lên. Đã đến lúc chúng ta cần quyết đoán đưa ra quy định, quy trình cụ thể và cứ thế nào làm theo. Chúng ta không thể nói suông mà phải hành động ngay từ bây giờ”.
Trang bị kỹ thuật để tránh việc trẻ bị bỏ quên trên xe
Việc trẻ bị bỏ quên trên xe khi đưa đón đi học đòi hỏi sự quan tâm từ phía nhà trường, bậc phụ huynh và có một quy trình chặt chẽ. Mặt khác, cách trang bị kỹ thuật, thiết bị để trẻ thoát ra ngoài khi bị bỏ quên cũng là một điều đáng lưu ý.
Anh TNN, một kỹ thuật viên ô tô tại TP.HCM chia sẻ: Việc đầu tư các công nghệ để phát hiện trẻ bị bỏ quên trên xe cũng là điều cần thiết.
Cụ thể, xe chở trẻ đến trường có thể gắn một hệ thống báo động đơn giản. Hệ thống này bao gồm các cảm biến nhiệt độ và chuyển động, có thể phát hiện sự hiện diện của người trong xe sau khi xe đã dừng. Khi hệ thống phát hiện có người còn lại trong xe, nó sẽ kích hoạt một âm thanh báo động lớn để cảnh báo tài xế và người giám sát.
Xe đưa đón học sinh cũng có thể sử dụng công nghệ thẻ từ (RFID). Theo đó, mỗi học sinh sẽ được phát một thẻ từ và hệ thống đọc thẻ được lắp đặt trên xe. Khi học sinh lên hoặc xuống xe, hệ thống sẽ tự động ghi nhận và gửi thông báo đến phụ huynh và giáo viên. Nếu có học sinh quên không quẹt thẻ, hệ thống sẽ phát cảnh báo để tài xế kiểm tra.
Ngoài ra, xe có thể lắp đặt một hệ thống camera giám sát cơ bản trên xe có thể giúp kiểm tra nhanh chóng tình trạng bên trong xe. Các camera này không cần phải có tính năng phức tạp như nhận diện khuôn mặt mà chỉ cần cung cấp hình ảnh rõ ràng. Sau mỗi chuyến xe, tài xế có thể dễ dàng kiểm tra lại video để đảm bảo không có học sinh bị bỏ quên.
“Bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ quên học sinh trên xe đưa đón, đảm bảo an toàn cho các em trong suốt hành trình đi học và về nhà. Các giải pháp như hệ thống báo động đơn giản, thẻ từ RFID, hệ thống camera giám sát cơ bản với giá thành không cao có thể tiết kiệm chi phí mà còn dễ dàng thực hiện. Đồng thời, mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa những sự việc đáng tiếc xảy ra”- Anh N cho biết thêm.
5 bước sơ cứu trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô Khi trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô và bị ngạt thở, việc sơ cứu kịp thời có thể cứu sống trẻ và giảm thiểu các hậu quả xấu. Dưới đây là 5 bước sơ cứu cơ bản cần thực hiện. 1. Đưa trẻ ra khỏi xe ngay lập tức: Mở cửa xe và đưa trẻ ra ngoài không gian thoáng mát. Việc này giúp giảm nhiệt độ cơ thể trẻ và cung cấp không khí trong lành. 2. Gọi cấp cứu: Gọi ngay số cấp cứu 115 để yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp. 3. Đánh giá tình trạng của trẻ Kiểm tra hô hấp: Xem trẻ có thở không bằng cách quan sát lồng ngực có phập phồng và lắng nghe âm thanh hô hấp. Kiểm tra mạch: Kiểm tra mạch đập ở cổ (động mạch cảnh) hoặc cổ tay. 4. Thực hiện sơ cứu cơ bản Nếu trẻ không thở: Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR). Ép ngực: Đặt lòng bàn tay lên giữa ngực trẻ, ép ngực khoảng 30 lần với tần suất 100-120 lần/phút. Hà hơi thổi ngạt: Sau 30 lần ép ngực, thực hiện 2 lần thổi ngạt bằng cách bịt mũi trẻ và thổi không khí vào miệng trẻ. Nếu trẻ có thở nhưng yếu: Đặt trẻ nằm nghiêng, kiểm tra tình trạng thở của trẻ và giữ trẻ thoải mái cho đến khi đội ngũ y tế đến. 5. Chăm sóc sau cấp cứu Hạ nhiệt cơ thể: Nếu trẻ bị quá nhiệt, lau người trẻ bằng khăn ướt mát hoặc sử dụng quạt để giảm nhiệt độ cơ thể. Kiểm tra toàn bộ cơ thể: Kiểm tra các dấu hiệu tổn thương khác và chăm sóc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Lưu ý rằng các bước sơ cứu này chỉ là cơ bản và có thể thay đổi tùy theo tình trạng thực tế của trẻ và kỹ năng của người sơ cứu. Việc tham gia các khóa học sơ cứu và biết cách sử dụng các thiết bị cấp cứu có thể là rất hữu ích trong các tình huống khẩn cấp như vậy. BS Phạm Cung, Trưởng trạm Y tế phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, TP.HCM TRẦN MINH ghi Bạn đọc Thanh Việt: Hiện nay, xe taxi có gắn mắt thần, khi xe lăn bánh mà có người trên bất kỳ ghế nào, ngoại trừ ghế tài xế là nó sẽ nhảy tiền ngay, nên tài xế không ăn gian chủ được. Vậy sao mình không quy định school bus phải gắn những thiết bị báo động khi khóa cửa mà còn người trên xe. Ví dụ như mắt thần giống taxi hoặc camera báo động khi có người và bắt buộc phải có camera thường trực trong xe; quy trình bắt buộc kiểm soát xe trước khi khóa xe (thể hiện trên hình ảnh lưu camera), định kỳ kiểm tra camera và phạt nguội rất nặng nếu không chấp hành. Một giải pháp nữa là xe school bus phải có nút chuông báo động ở trong xe và chuông thì gắn ở phòng hành chính trong trường (kết nối không dây, thường xuyên được kiểm thử). Khi em nào bị bỏ quên, khi em tỉnh dậy thì bấm chuông, trong trường các cô sẽ biết ngay và thậm chí biết xe nào luôn. Bạn đọc Miền Đông: Để tránh lặp lại những vụ việc đau lòng tương tự thì : 1- Bộ giáo dục cần phải xiết lại ngay quy trình đưa - đón các cháu, bắt buộc các trường phải tuân thủ nghiêm ngặt, đưa ra các tiêu chuẩn bắt buộc về nghiệp vụ, về đạo đức, tâm lý, sức khoẻ của lái xe và nhân viên làm nhiệm vụ đưa đón, có huấn luyện, tập huấn, kiểm tra thường xuyên. 2- Nhà nước nên ưu tiên, tạo điều kiện cho nhập các xe chuyên dụng từ Nhật, Mỹ - miễn thuế nhập khẩu giống xe cứu thương vậy. 3- Bổ sung các phương tiện theo dõi, giám sát trên xe bus đưa đón như : camera, chuông báo động … có kết nối với giáo viên phụ trách lớp, phòng hành chánh của trường . |
Nguồn: [Link nguồn]
Trở về Việt Nam sau chuyến bay dài, chị T.T.L.P (mẹ cháu T.G.H, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) khóc ngất, gục lên vai người thân, bạn bè sau khi vào nhà tang lễ gặp con trai lần cuối. Con trai chị là cháu T.G.H bị bỏ quên trong ô tô đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 vào ngày 29/5 dẫn đến suy hô hấp, tử vong.