Tranh luận TT Mỹ không có chỗ cho thủ đoạn
Ứng viên Tổng thống Mỹ có nên sử dụng mưu mẹo hay thủ đoạn để giành ưu thế trước đối thủ không? Câu trả lời là: Bịp bợm không có chỗ trong các cuộc tranh luận trực tiếp, vì người dân sẽ nhận ra ngay lập tức.
Một tuần trước cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, trong một căn phòng ở trụ sở chính của đảng Dân chủ, khi Tổng thống Obama vẫn đang chuẩn bị cho phần tranh luận, các nhân viên của ông đã phải bắt đầu công việc phê bình. Họ nói: Quá dài. Cắt câu trả lời đó. Hãy giải thích sinh động hơn nữa. Không ai muốn có một giáo sư ở đây cả, họ muốn một vị tổng thống.
Cách đó hàng trăm dặm, tại bang New England, đội của ông Romney đang nỗ lực hết sức để giúp ngài cựu Thống đốc tránh các lỗi gắt gỏng. Nghị sĩ Rob Portman là người "thủ vai" Tổng thống Obama để tập dượt tranh luận cho ông Romney. Ông Portman tìm cách đẩy ông Romney vào tình huống rất khó chịu, mục đích là kích động rồi hướng dẫn ông cách kiềm chế, sau đó lấy lại sự điềm tĩnh và phong thái tổng thống nhất có thể.
Hai người trông không khác gì những thí sinh đang phải miệt mài "văn ôn võ luyện" để trải qua kỳ thi vượt rào gồm ba chặng truyền hình trực tiếp trước ít nhất 67 triệu khán giả.
Tranh luận trực tiếp là một phần tranh cử có tính chất then chốt đối với nước Mỹ trong cuộc đua tìm ra ông chủ Nhà Trắng, được tiến hành từ năm 1960. Mặc dù không có tính chất đảo ngược tình thế nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thắng trong loạt tranh luận này, ứng viên sẽ giành được thêm trên dưới 6% số phiếu bầu.
Phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới tại Denver với phần thắng "tạm nghiêng" về ứng viên Mitt Romney
Lịch sử bầu cử Mỹ cho thấy, chỉ một sự trao đổi đơn thuần, một thái độ hoặc một câu trả lời/câu hỏi đặt không đúng chỗ, một cái liếc mắt cũng khiến ứng viên Tổng thống Mỹ trả giá bằng một dấu chấm hết, nhất là lần này, khoảng cách giữa hai ứng viên rất hẹp.
Sau màn tranh luận ngày 4/10, với vẻ nhạt nhẽo và "đuối" hơn cùng những đoạn "ậm ừ" của ông Obama lập tức mang lại thêm điểm số quan trọng cho ông Romney. Số người ủng hộ cho ông Romney đã tăng lên 51%, trong khi ông Obama vẫn giữ nguyên mức 56%.
Không có chỗ cho thủ đoạn
Với cả hai ứng viên, đây cũng là cơ hội để họ giới thiệu về bản thân mình một lần nữa trước công chúng. “Thời khắc tranh luận cũng giống như Thiền vậy - (phải trả lời câu hỏi) đây là ai?” - cựu phát ngôn viên của Hạ viện Newt Gingrich, người tranh luận với ông Romney trong vòng đầu, nhận định. “Câu chuyện lớn hơn ở đây là gì? Chúng tôi đang xem cái gì? Vở kịch ở đây là gì?”.
Ông Obama từng có nhiều kinh nghiệm tranh luận từ chiến dịch năm 2008, nhưng trên cương vị một Tổng thống đương nhiệm, thách thức lại mới hơn và cũng nhiều hơn bội phần.
Chỉ vài ngày trước khi đứng trên bục tranh luận, ông Obama đã phải bay tới Nevada vài ngày để thực hành tránh "phân tâm" khi nhóm trợ lý phát hiện ra ông có biểu hiện "mất tập trung" trong một buổi lễ kỷ niệm.
“Hầu như không thể tìm ra khoảng thời gian trống nào cho Tổng thống chỉ để chuẩn bị cho cuộc tranh luận” - Dan Pleiffer, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, cho biết. “Thế giới không chờ đợi cho việc chuẩn bị tranh luận”.
Bí kíp để chiến thắng trong cuộc tranh luận là gì? Luật sự Gerry Spence nói rằng: “Khi một người tự biện hộ tức là họ đang thua”. Các ứng viên có nên sử dụng mưu mẹo hay thủ đoạn để giành ưu thế trước đối thủ không? Ông Spence nói rằng: “Bịp bợm không có chỗ” trong các cuộc tranh luận trực tiếp, vì “người dân sẽ nhận ra ngay lập tức”.
Alex Dukalskis - Giám đốc điều hành của Hiệp hội giáo dục Tranh luận Quốc tế tại New York nói thêm: “Những người tranh luận kể cả tổng thống đi chăng nữa đều muốn giành phần thắng, nhưng họ có trách nhiệm làm việc này một cách có đạo đức”.
Chiến lược của Romney là "nhử" Tổng thống vào các phần tranh luận, rồi đẩy ông vào thế hoặc là tự mãn hoặc là thoái thác về trách nhiệm đối với nền kinh tế.
Trong suốt thời gian tập dượt, ông Romney đã cố gắng vạch ra hướng tấn công nếu như ông Obama bóp méo các thực tế và đẩy trách nhiệm cho người khác. Nhóm trợ lý của ông Romney nhớ lại lời khen của ông Obama dành cho bà Clinton trong cuộc tranh luận năm 2008 rằng: “Bà cũng đáng mến đấy”. Họ hy vọng cũng có cơ hội chọc tức tổng thống trong một tình huống tương tự. Các chuyên gia nói rằng Romney sẽ thắng nếu như buộc Obama phải tỏ ra tự mãn hoặc tự ti.
Và để "đá ông ấy [Obama] khỏi căn phòng", ông Romney đã tập dượt hàng tháng trời chứ không chỉ sát giờ đấu trí trực tiếp. Một bận, vì sự cố ngoài ý muốn mà ông Romney phải thức rất khuya, cố vấn của ông là Bet Myer hỏi rằng ông có muốn thực hành vào ngày hôm sau không. “Mệt thật đấy, nhưng tôi có tập” - Romney trả lời qua email.
“Ngài Thống đốc đã làm rất tốt khi thuyết phục được người dân tin rằng kinh tế đang rất tệ” - Brett O’Donnell, huấn luyện viên tranh luận của đảng Cộng hòa, nhận định. “Ông ấy cần làm tốt hơn nữa để làm rõ trách nhiệm trực tiếp của Tổng thống Obama đối với việc này. Đấy phải là trọng tâm của ông ấy. Nếu như trọng tâm đó rơi vào những thứ khác thì tôi nghĩ rằng ngài Thống đốc sẽ gặp bất lợi”.