Tranh luận pháp lý vụ kiện đòi 55,5 triệu USD

Với tổng giá trị tài sản trong vụ kiện lên đến 55,5 triệu USD, đây có thể được coi là vụ kiện lớn nhất về việc tranh chấp tài sản liên quan đến máy đánh bạc trên Việt Nam và thế giới. Đã có nhiều quan điểm, tranh luận pháp lí xung quanh vụ án “vô tiền khoáng hậu” này.

Chiều 7/1, TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên Công ty liên doanh Đại Dương phải trả số tiền hơn 55 triệu USD mà máy đã báo người chơi trúng thưởng. Theo bản án, tòa tuyên buộc Công ty liên doanh Đại Dương (công ty chủ quản của khách sạn Sheraton Sài Gòn) phải trả cho ông Ly Sam số tiền thưởng hơn 55 triệu USD mà máy trò chơi điện tử số 13 (đặt tại câu lạc bộ Palazzo thuộc khách sạn Sheraton) đã thể hiện ông Ly Sam trúng thưởng.

Quy đổi ra tiền Việt Nam, Công ty liên doanh Đại Dương phải trả thưởng cho ông Ly Sam số tiền hơn 1.154 tỉ đồng. Ngoài ra, do bị tuyên thua kiện, Công ty Đại Dương còn phải chịu thêm khoản tiền án phí hơn 1,2 tỉ đồng. Ông Ly Sam được tòa tuyên trả lại phần tạm ứng án phí mà ông đã nộp khi nộp đơn khởi kiện là hơn 567 triệu đồng.

Tranh luận pháp lý vụ kiện đòi 55,5 triệu USD - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Máy đánh bạc có bị “sự cố”?

Tranh luận về việc liệu có hay không máy đánh bạc gặp “sự cố” nên mới dẫn đến việc ông Ly Sam thắng bạc khủng đến 55,5 triệu USD? Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Luật sư tư vấn tại thuvienphapluat.vn), việc Tòa án cấp sơ thẩm bác kết quả giám định “sự cố” máy đánh bạc của bị đơn là có căn cứ vì sau khi xảy ra vụ việc, công ty tự ý tháo bo mạch đi giám định khi chưa có yêu cầu từ phía ông Ly Sam hay của bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào. Hơn nữa, cơ quan giám định không phải do Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ định hay đồng ý theo yêu cầu của đương sự mà do phía công ty liên doanh Đại Dương tự ý làm. Ngoài ra, việc tự ý đi giám định như trên là không mang tính khách quan. Và gây ra lỗi dẫn đến việc sau này không thể trưng cầu giám định được.

Trong khi đó, theo ông Phạm Thanh Hữu (Chuyên gia pháp lý tại Công ty Lawsoft), việc Tòa án tuyên nguyên đơn Ly Sam thắng kiện, nghĩa là công nhận “Máy trò chơi số 13” không gặp sự cố. Tuy nhiên, sự thật máy số 13 có gặp sự cố hay không thì chưa được kiểm định rõ ràng. Hội đồng xét xử nhận định, căn cứ vào hồ sơ, lời khai… nhận thấy “máy trò chơi số 13 nằm trong 6 máy trò chơi được bị đơn nhập khẩu hợp pháp, đã được cơ quan chức năng kiểm định trước khi đưa vào sử dụng”. Cũng theo ông Hữu, việc hàng nhập khẩu hợp pháp, đã được cơ quan chức năng kiểm định trước khi đưa vào sử dụng không đồng nghĩa với việc “nó sẽ không hư”. Việc máy trò chơi số 13 gặp sự cố là điều có thể xảy ra.

“Ông Ly Sam đánh bạc với máy số 13 có giá trị thắng cược cao nhất là 46.000 USD - giả định không có một ai tác động vào máy này - như vậy đây là trò chơi mang tính may rủi; nhưng chắc rằng khi chế tạo ra máy nhà sản xuất vẫn có thể mắc lỗi kỹ thuật. Nên việc máy thua hơn 55,5 triệu USD, dường như là điều không thể nếu máy không gặp sự cố”, chuyên gia pháp lý Phạm Thanh Hữu, nhấn mạnh.

Tiền “khủng”, thi hành án được không?

Liên quan đến một số vấn đề pháp lý còn chưa rõ ràng trong vụ kiện thắng bạc “vô tiền khoán hậu”, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Luật sư tư vấn tại thuvienphapluat.vn), chỉ ra: chứng cứ do ông Ly Sam cung cấp là hình ảnh được chụp lại từ ĐTDĐ, như vậy có đủ cơ sở pháp lí để chứng minh hình ảnh đó là trung thực, không bị chỉnh sửa? Hình ảnh lại nằm trong ô Credit không phải nằm trong ô Win? Cơ sở nào chứng minh cho số tiền 55,5 triệu USD còn lại là do ông Ly Sam tiếp tục chơi và đã thua 5 USD? “Hình ảnh là chứng cứ quan trọng trong vụ án này nhưng nó không được thể hiện đầy đủ khi thắng ở ô Win mà chỉ nằm ở ô Credit. Mặc dù trong vụ án sẽ có các chứng cứ khác bổ sung cho chứng cứ hình ảnh như lời khai và chữ ký của các nhân chứng, nhưng liệu rằng các lời khai trên có đủ khách quan không?”, luật sư Nguyễn Thạch Thảo đặt vấn đề.

Tranh luận pháp lý vụ kiện đòi 55,5 triệu USD - 2

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo

Về việc thi hành án trong vụ án này, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết, theo thông tin đăng ký tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM, Công ty Liên doanh Đại Dương là doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài năm 1995, số vốn kinh doanh đăng ký là 125.000.000USD. Hiện là chủ đầu tư của khách sạn Sheraton Sài Gòn. Vì thế, khả năng thi hành án là có. Cơ quan thi hành án có quyền kê biên tài sản của Công ty liên doanh Đại Dương (trong đó có cả khách sạn Sheraton) để đảm bảo việc thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết, đây chỉ là phiên tòa sơ thẩm nên việc đánh giá đúng, sai hay thắng, thua còn phải chờ phiên tòa phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo của bị đơn là Công ty Liên doanh Đại Dương.

Theo ông Phạm Thanh Hữu (Chuyên gia pháp lý tại thuvienphapluat.vn), trên thế giới cũng đã có nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp giá trị thắng cược khi đánh bạc như:

- Năm 2009, bà Angela Domino (Mỹ), 79 tuổi, khẳng định máy đánh bạc đã hiện lên giải thưởng 86.000 USD khi bà đánh bạc tại Harrah’s Resort thuộc Atlantic City (New Jersey). Tuy nhiên con số ngay sau đó điều chỉnh về 20.000 USD (hai bên đã thỏa thuận).

- Năm 2010, bà Louise Chavez (Mỹ) - cũng nhận được lời chúc mừng cùng số tiền thưởng lên đến 43 triệu USD khi thử vận may tại casino Fortune Valley, bang Colorado. Tuy nhiên casino chỉ trả được 23 USD.

- Tháng 10/2012, anh Berhar Merlaku (Thụy Sĩ) đã chấp nhận khoản tiền 1 triệu euro để chấm dứt vụ kiện đòi casino Bregenz (Áo) trả số tiền thưởng 43 triệu USD.

Cả ba vụ kiện trên đều giống nhau ở chỗ: vụ kiện liên quan đến “đánh bạc với máy”, số tiền trả thưởng ít hơn số tiền mà máy thông báo với lý do là máy bị sự cố. Theo ông Hữu, vụ kiện “máy trò chơi trúng thưởng hơn 55,5 triệu USD” tại TP.HCM tương tự các vụ án trên. Chỉ khác ở chỗ, tòa án cấp sơ thẩm TAND quận 1, TP.HCM đã công nhận số tiền trả thưởng bằng số tiền mà máy thông báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Tùng (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN