TQ không dám bảo vệ đường lưỡi bò trước tòa quốc tế

Việc Trung Quốc không dám tranh luận trước tòa chỉ càng làm cho vụ kiện của Philippines nhanh chóng hoàn tất và phán quyết cuối cùng sẽ sớm được đưa ra.

Ngày 4/6, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của tòa án quốc tế ở La Hay về việc nêu ra những lý lẽ của họ để bảo vệ cho “đường lưỡi bò” bao trùm gần hết diện tích Biển Đông mà họ cho là “chủ quyền” của mình trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng từ năm ngoái.

Tòa Trọng tài Thường trực chuyên giải quyết các tranh chấp quốc tế đã ra thời hạn cho Bắc Kinh trước ngày 15/12 phải trả lời đơn kiện dày 4000 trang của Philippines cho rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã ngang nhiên tuyên bố rằng Trung Quốc không hề có ý định trả lời yêu cầu trên của tòa án quốc tế. “Chúng tôi không chấp nhận và sẽ không tham gia vụ kiện như thế”, ông Hồng nói.

TQ không dám bảo vệ đường lưỡi bò trước tòa quốc tế - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

Sự khước từ tham gia vụ kiện của Bắc Kinh là điều đã được dự đoán trước, bởi Trung Quốc đã liên tục từ chối yêu cầu tham gia vụ kiện kể từ khi Manila bắt đầu khởi động chiến dịch pháp lý chống đường lưỡi bò của Trung Quốc từ tháng 1/2013. Bắc Kinh đã kịch liệt chỉ trích chính phủ Philippines vì đã kiện nước này ra tòa án của Liên Hợp Quốc.

Cơ sở để Philippines kiện Trung Quốc là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà hai nước đều đã tham gia. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không ký kết tham gia các tiến trình trọng tài của công ước này, và nước này vẫn luôn khăng khăng rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là đàm phán song phương.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự bất bình đối với hành động cố tình trì hoãn đàm phán của Bắc Kinh. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rằng Việt Nam đã sử dụng hết các kênh đối thoại với Bắc Kinh, và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xác nhận rằng đang cân nhắc khả năng có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc.

TQ không dám bảo vệ đường lưỡi bò trước tòa quốc tế - 2

Trụ sở nơi Tòa Trọng tài Quốc tế xem xét vụ kiện của Philippines

Về phần mình, Philippines đã thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi nộp đơn kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc vốn do Bắc Kinh đơn phương tuyên bố mà không dựa vào bất cứ cơ sở pháp lý nào.

Phát biểu tại thủ đô Philippines hôm thứ Tư, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker đã xác nhận rằng Mỹ ủng hộ chính phủ Philippines trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng con đường pháp lý, đồng thời chỉ trích cách hành xử “khiêu khích và nguy hiểm” của Trung Quốc trong khu vực.

Bà Pritzker tuyên bố: “Mỹ ủng hộ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao và hòa bình khác để quản lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có việc kiện lên tòa án quốc tế. Con đường giải quyết tranh chấp bằng hành động pháp lý của Philippines là thứ mà chúng tôi ủng hộ.”

Việc Trung Quốc không dám đứng ra trước tòa án quốc tế để bảo vệ cho “đường lưỡi bò” phi lý của mình nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh tiến trình vụ kiện, và phán quyết cuối cùng sẽ sớm được đưa ra. Nếu phán quyết này có lợi cho phía Philippines, đây sẽ là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc, và sẽ là một chiến thắng vang dội cho Philippines, ít nhất là về mặt tinh thần.

Theo quy định của Liên Hợp Quốc, các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ có thể kiện lên các tòa án sau để nhờ giải quyết: Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực và Tòa án Trọng tài Đặc biệt.

Ban đầu, Philippines định kiện Trung Quốc lên Tòa án Công lý Quốc tế, tuy nhiên tòa án này chỉ chấp nhận xét xử các tranh chấp khi có đầy đủ sự tham gia của cả hai bên. Do Trung Quốc khăng khăng từ chối theo kiện, nên cuối cùng Philippines đã lựa chọn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực, bởi đây là cơ quan của Liên Hợp Quốc có chức năng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện UNCLOS. Tòa Trọng tài Thường trực chấp nhận xét xử và đưa ra phán quyết ngay cả trong trường hợp bên bị kiện không chịu tham gia vụ kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WSJ) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN