TQ khó thi hành lệnh "cấm biển" mới ở Biển Đông

Quan chức Trung Quốc thừa nhận lực lượng Cảnh sát biển của nước này khó có khả năng thi hành lệnh cấm mới trên Biển Đông.

Mới đây, Trung Quốc đã đơn phương ban bố và thi hành quy định mới buộc các tàu cá nước ngoài phải xin phép nhà chức trách nước này mới được đánh bắt cá ở Biển Đông, vi phạm trắng trợn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và vấp phải sự phản đối kịch liệt của Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực.

Theo quy định mới do tỉnh Hải Nam ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1, bất cứ tàu thuyền nước ngoài nào đánh cá trong vùng biển do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà không “xin phép” đều sẽ bị xua đuổi và bị tịch thu sản vật đánh bắt được, đồng thời phải đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 tệ (gần 1,7 tỉ đồng).

Tuy nhiên, chính các quan chức chức Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng Bắc Kinh sẽ rất khó có thể thực thi quy định mới về đánh bắt cá này ở Biển Đông vì những khó khăn trong việc thành lập lực lượng Cảnh sát biển thống nhất.

TQ khó thi hành lệnh "cấm biển" mới ở Biển Đông - 1

Tàu tuần tra của Cảnh sát biển Trung Quốc

Bà Lin Yun, Trưởng phòng Pháp chế thuộc Sở Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam cho rằng Trung Quốc mới đi được nửa chặng đường trong việc chuẩn bị xây dựng lực lượng Cảnh sát biển thống nhất.

Bà này cho biết hiện công cuộc hợp nhất nhiều cơ quan hành pháp khác nhau để thành lập lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã chậm trễ hơn 6 tháng so với thời hạn mà Bắc Kinh đưa ra, và quá trình này vẫn đang vô cùng chậm chạp.

Hồi tháng Ba năm ngoái, Trung Quốc thực hiện kế hoạch hợp nhất bốn cơ quan hành pháp trên biển để xây dựng một lực lượng Cảnh sát biển thống nhất, và truyền thông nước này đã rầm rộ “khoe” rằng lực lượng Cảnh sát biển mới được thành lập đã đi vào hoạt động từ tháng Sáu.

Tuy nhiên bà Lin cho rằng các nỗ lực để xây dựng lực lượng Cảnh sát biển hiệu quả hơn và sẵn sàng phản ứng hơn lại bị trì hoãn bởi tệ quan liêu. Đồng thời giữa các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tuần tra trên biển cũng diễn ra tình trạng cạnh tranh quyền lợi với nhau, khiến việc “hợp nhất” này càng trở nên khó khăn gấp bội.

Bà này cho hay hiện Cục Hải giám Trung Quốc và Cơ quan Hành pháp Ngư nghiệp vẫn là hai lực lượng tuần tra chính trên Biển Đông bởi Trung Quốc vẫn chưa thành lập được cơ quan Cảnh sát biển cấp tỉnh ở Hải Nam hoặc bất kỳ tỉnh nào khác.

Bà Lin Yun thừa nhận: “Việc hợp nhất 4 cơ quan hành pháp trên biển không được thuận lợi vì nó liên quan đến quá nhiều nhân lực cũng như cơ cấu và trách nhiệm của nhiều tổ chức chính phủ. Việc sáp nhập nhiều cơ quan thành một nhất định sẽ gặp phải vài sự chống đối nào đó.”

Cũng theo bà Lin, hiện chính quyền Hải Nam và các lực lượng hành pháp trên biển vẫn còn chưa rõ ràng về cách Bắc Kinh xác định “vùng biển thuộc quyền tài phán của tỉnh Hải Nam.”

Bà này nói: “Hiện vẫn chưa có một đường biên giới trên biển rõ ràng nào xác định quyền tài phán của tỉnh Hải Nam. Quốc hội Trung Quốc chưa bao giờ xác định một đường biên giới như vậy, trong khi chính quyền tỉnh Hải Nam không có quyền làm việc đó.”

Khi được hỏi liệu các lực lượng hành pháp của Trung Quốc sẽ hiểu thế nào về đường ranh giới trong hoạt động tuần tra của mình, bà Lin nói rằng họ sẽ áp dụng “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò phi lý, phi pháp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông – PV) vốn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông và lấn sâu vào lãnh hải của nhiều quốc gia khác.

Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích quy định mới ngang ngược này của Trung Quốc, với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki tuyên bố động thái này của Bắc Kinh là “khiêu khích và ẩn chứa nhiều nguy hiểm.”

Một báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế được thực hiện năm 2012 cho thấy các tàu thuyền hành pháp trên biển của Trung Quốc có rất nhiều nguy cơ gây ra các vụ xung đột quốc tế khi họ hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý đối với tuyên bố về những vùng biển mà họ cho là nằm trong quyền tài phán của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN