TP.HCM: Người đàn ông hơn 40 năm bị “lãng quên”?

Sự kiện: Tin nóng

Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1959, trú tại số nhà 23/91 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông Hiệp đã 60 tuổi nhưng đến nay vẫn không có sổ hộ khẩu, không được cấp chứng minh thư nhân dân.

Kể cho phóng viên Dân Việt về trường hợp em trai mình, ông Nguyễn Văn Hạnh, anh trai ông Hiệp nói: "Em trai tôi bị chính quyền “bỏ quên” hơn 40 năm qua".

Ông Hạnh kể lại: Ông Hiệp lớn lên, đi bộ đội năm 1977, đóng quân tại Núi Đất, Vũng Tàu. Tuy nhiên, mới đi được hai ngày thì ông Hiệp nhận được tin cha bệnh nặng, thương cha nên ông Hiệp đã bỏ trốn về địa phương để chăm sóc cho cha và gia đình. Do tuổi còn trẻ và nhận thức chưa đầy đủ về hành vi của mình nên ông Hiệp đã không quay lại đơn vị.

Khi nhập ngũ, ông Hiệp đã được địa phương cắt hộ khẩu khỏi nơi cư trú. Trở về, ông Hiệp cũng không biết mà trình báo và làm thủ tục đăng ký lại. Từ đó tới nay, ông Hiệp vẫn sinh sống trên đất thổ cư và nếp nhà cha mẹ để lại cùng với người em gái út (tại số nhà 23/91 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhưng không có đăng ký hộ khẩu, cũng chưa từng được cấp chứng minh thư nhân dân.

TP.HCM: Người đàn ông hơn 40 năm bị “lãng quên”? - 1

Em trai tôi bị “bỏ quên” 40 năm qua". (Ông Hiệp (bên trái), ông Hạnh (bên phải ảnh) trao đổi với PV Dân Việt). (Ảnh: PT)

“Từ ngày trở về, em trai tôi không đi đâu khỏi địa phương. Do không có nghề nghiệp ổn định, em tôi đi làm thuê, phụ hồ, bốc bác quanh đây. Ban ngày em tôi đi làm, tối lại về nhà cùng với gia đình em gái út vì em trai tôi không có vợ con”, ông Hạnh kể.

Cho tới ngày gần đây, ông Hiệp bị tai biến dẫn đến đột quỵ phải đi cấp cứu tại bệnh viện Gia Định. Do chi phí chữa bệnh tốn kém, gia đình muốn đăng ký tham gia bảo hiểm y tế cho ông Hiệp. Ông Hiệp chỉ còn mỗi Thẻ căn cước do chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấp từ năm 1974, có tên trong Tờ khai gia đình cũng được chính quyền lúc bấy giờ là tỉnh Gia Định, quận Gò Vấp cấp. Nhưng những thứ giấy tờ này nay đã không còn giá trị, ông Hiệp lại không  có bất kỳ thứ giấy tờ tùy thân nào khác nên không mua được bảo hiểm.

Ông Hiệp trao đổi do bản thân bị bệnh, việc đi lại khó khăn nên mọi việc nhờ cậy cả vào ông Hạnh. Hỏi tại sao hơn 40 năm qua ông không đi đăng ký hộ khẩu, xin cấp chứng minh nhân dân? Ông Hiệp nói bản thân không biết, cũng không ai hỏi và hướng dẫn nên không biết để làm.

“Bây giờ già yếu, ốm đau, đi khám chữa bệnh tốn kém mà nhà không có điều kiện nên cần có bảo hiểm y tế cho đỡ tốn tiền. Hơn nữa, có chết nằm xuống còn có giấy báo tử, có tên bia mộ chứ giờ tôi chẳng có thứ giấy tờ chứng minh tôi là tôi. Tôi ở nhà của cha mẹ tôi mà như ở tạm trú”, ông Hiệp phân trần.

Ông Hạnh cho biết thêm: Hồ sơ xin xác nhận của ông Hiệp đã được ông Hạnh làm và gửi cho Ban chỉ huy quân sự phường 7 nơi ông Hiệp cư trú từ cuối năm 2017. Tuy nhiên sau nhiều lần bổ sung hồ sơ, đi lại nhưng hiện ông Hiệp vẫn chưa nhận được trả lời của cơ quan chức năng.

TP.HCM: Người đàn ông hơn 40 năm bị “lãng quên”? - 2

Ông Hiệp vẫn sống trong ngôi nhà cha mẹ để lại nhưng không có bất kỳ thứ giấy tờ tùy thân nào 

Sáng 11.1, trao đổi với PV Dân Việt, Thiếu tá Đinh Thế Vinh - Phó trưởng Công an Phường 7 cho biết, ông Hiệp đúng là người của địa phương. Ông Hiệp thuộc đối tượng quân nhân bỏ, lạc, đào ngũ thì theo luật định phải trình báo bên quân sự, có xác nhận thì mới chuyển hồ sơ về phường để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu được. 

"Trước kia ông Hiệp làm ăn ở đâu không thường xuyên có mặt tại địa phương. Đến năm 2005, công an phường kiểm tra rà soát mới thấy ông Hiệp có mặt ở địa phương nên làm đăng ký tạm trú cho ông Hiệp. Công an cũng đã hướng dẫn gia đình và ông Hiệp đi trình báo với bên phường đội, quận đội nhưng do bản thân ông Hiệp và gia đình có tâm lý lo sợ nên họ không làm", ông Vinh cho biết thêm.

Tuy nhiên, những gì ông Vinh nói lại trái ngược với phản ánh của ông Hiệp và gia đình ông. Rằng gia đình và bản thân ông Hiệp chưa từng được chính quyền, công an hay Ban chỉ huy quân sự hỏi han hay hướng dẫn như ông Vinh nói. Ông Hiệp cũng không đi đâu khỏi nơi cư trú suốt từ năm 1977 đến nay (trừ 2 ngày nhập ngũ).

Phóng viên Dân Việt cũng đã làm việc với Ban chỉ huy quân sự phường 7. Ông Nguyễn Thanh Phúc, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường 7 cho biết, hồ sơ của ông Hiệp đã được Ban chỉ huy quân sự phường 7 tiếp nhận, chuyển lên Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh từ 1-2 tháng nay.

“Tôi được biết Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh đã chuyển hồ sơ lên thành phố và hiện đang chờ thành phố xác minh trả lời. Lý do chậm trễ một phần là do gia đình bổ sung hồ sơ, một phần do bên công an phường có sự thay đổi công an khu vực. Mà hồ sơ thì phải chờ công an khu vực xác minh và ký xác nhận chúng tôi mới nộp lên trên được”.

Kỷ luật 2 nữ hộ sinh ghi nhầm giới tính trẻ sơ sinh ở Hải Phòng

Chỉ vì tập trung vào việc hồi sức cấp cứu cho bé sơ sinh nên nữ hộ sinh BV Phụ Sản Hải Phòng đã không đối chiếu giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thảo ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN