Tổng kiểm tra ma túy đội ngũ tài xế

Việc tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong máu, nước tiểu của đội ngũ tài xế sẽ được đồng loạt triển khai trong quý I/2019, trước mắt tập trung vào tài xế xe khách, xe container.

Tại chuyến thăm bệnh nhân bị thương trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở Long An đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng 3-1, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết từ quý I/2019, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong nước tiểu của tất cả tài xế, nhất là tài xế xe khách, xe container.

Nơi sốt sắng, chặt chẽ

Hải Phòng là một trong những địa phương bày tỏ sự đồng tình trước đề xuất tổng kiểm tra sức khỏe tài xế của Ủy ban ATGT quốc gia.

Ngay trong ngày 3-1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hải Phòng đã có công văn khẩn yêu cầu Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải trên địa bàn TP tổng kiểm tra, rà soát tình trạng sức khỏe của các lái xe, trong đó đặc biệt tập trung vào việc kiểm tra ma túy.

Tổng kiểm tra ma túy đội ngũ tài xế - 1

Hiện trường vụ xe container gây tai nạn làm hơn 20 người thương vong ở Long An chiều 2-1 (Ảnh: GIA MINH)

Theo Sở GTVT TP Hải Phòng, toàn TP hiện có 1.474 DN kinh doanh vận tải với 12.317 đầu xe container, nhiều thứ hai sau TP HCM. Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 26-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, từ năm 2013, Sở GTVT TP Hải Phòng đồng loạt triển khai khám sức khỏe cho các tài xế xe khách, xe tải. Theo ông Ngô Hồng Quang, Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP Hải Phòng, nhờ việc kiểm tra lồng ghép với các hoạt động khám sức khỏe, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tài xế được duy trì thường xuyên nên 100% DN vận tải trên địa bàn TP ủng hộ. Kết quả, năm 2017 có 18.340 lượt tài xế được khám sức khỏe, đủ điều kiện để sử dụng, hoạt động trong quá trình kinh doanh vận tải. Con số này trong năm 2018 là hơn 12.000 lượt tài xế. Cũng nhờ kiểm tra, cơ quan chức năng và DN phát hiện, xử lý hàng trăm tài xế không bảo đảm sức khỏe, nghiện ma túy.

Theo ông Quang, trước đây, do khâu tuyển chọn lái xe thiếu chặt chẽ nên có một số tài xế nghiện ma túy điều khiển phương tiện để xảy ra TNGT gây thiệt hại cho chính DN. Sau khi Sở GTVT TP Hải Phòng ban hành "Quy định hướng dẫn tổ chức khám sức khỏe định kỳ", đồng thời ban hành tiêu chuẩn nội quy bắt buộc áp dụng đối với tài xế nên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cũng theo ông Quang, hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ là yêu cầu bắt buộc trong việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải. Những đơn vị xuất trình đầy đủ sổ khám sức khỏe định kỳ của tài xế theo quy định của Bộ Y tế mới được cấp, đổi các loại phù hiệu, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Các đơn vị khi tuyển dụng, ký hợp đồng lao động đối với tài xế mới, các tài xế đang còn hạn hợp đồng đều phải thực hiện việc kiểm tra sức khỏe toàn diện, trong đó nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm ma túy. Các trường hợp không đạt yêu cầu thì DN phải thanh lý hợp đồng, buộc thôi việc ngay lập tức.

"Nhờ tổ chức chặt chẽ như vậy nên việc DN nhận nhầm tài xế nghiện ma túy vào làm việc là rất hy hữu" - ông Quang khẳng định.

Nơi làm rồi buông

Cùng với TP Hải Phòng, tỉnh Đắk Lắk là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước lập đoàn liên ngành kiểm tra ma túy đối với tài xế. Nhưng khác với Hải Phòng, Đắk Lắk chưa thành công ở khâu này.

Cụ thể, trong 2 đợt thí điểm vào năm 2013 và 2014, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 152 tài xế, qua đó phát hiện 13 tài xế xe khách và xe tải đường dài nghiện ma túy. Tuy nhiên, sau khi tổng kết thí điểm, đoàn liên ngành đánh giá hiệu quả không cao nên dừng kiểm tra từ đó đến nay.

Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng thời gian đầu triển khai việc kiểm tra ma túy đối với tài xế đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng sau đó đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đầu tiên là đoàn liên ngành có bộ máy cồng kềnh (gồm Ban ATGT tỉnh, các sở: Công an, GTVT, Y tế, Tư pháp, Tài chính) nên không còn tính bất ngờ, bí mật khi đi kiểm tra. Bên cạnh đó, sau ít ngày đoàn đi kiểm tra, các tài xế nghiện ma túy đã tìm cách đối phó nên rất khó phát hiện, xử lý. Việc kiểm tra cũng mất nhiều thời gian, nếu tài xế không nghiện ma túy thì sẽ phản ứng, DN vận tải cũng khó chịu. "Kiểm tra để loại bỏ các tài xế nghiện ma túy ra khỏi đội ngũ lái xe là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phải đưa ra một mô hình nào đó vừa tinh gọn vừa hiệu quả hơn. Ví dụ như giao việc kiểm tra ma túy thường xuyên đối với lái xe cho lực lượng công an có thể sẽ mang lại hiệu quả hơn là nhiều ngành tham gia" - ông Ngọc đề xuất.

Riêng thực hiện Công văn 7191/BGTVT-VT ngày 18-6-2014 của Bộ GTVT về việc tăng cường kiểm tra ma túy và các chất kích thích của đội ngũ tài xế, tỉnh Đắk Lắk có 636/1.288 tài xế nộp kết quả kiểm tra và đều dương tính với chất ma túy. Theo kế hoạch, cơ quan chức năng tổ chức 2 đợt để lấy mẫu nước tiểu tập trung tại các bệnh viện nhằm đề phòng các trường hợp xin nước tiểu người khác. Tuy nhiên, sau đó, các đơn vị liên quan lại không tổ chức kiểm tra ma túy tập trung mà lại giao cho các đơn vị vận tải tự làm. Từ đó, việc kiểm tra ma túy đối với tài xế chỉ là hình thức, tài xế nghiện ma túy không nộp mẫu hoặc xin nước tiểu từ người khác để nộp.

Đừng "đánh trống bỏ dùi"

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, đã đến lúc phải siết chặt kiểm tra sức khỏe tài xế chứ không "đánh trống bỏ dùi" như thời gian qua.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM hiện có hơn 200 DN vận tải thành viên, với khoảng 6.000 phương tiện, trong đó đa số là xe container, xe tải nặng... Ông Quản thừa nhận thời gian qua, công tác tập huấn, tuyên truyền được hiệp hội cùng các DN thành viên làm liên tục nhưng vẫn không hiệu quả. Trong khi đó, mỗi DN lại có những nội quy khác nhau, dẫn đến thiếu đồng bộ. Vì vậy, để tăng cường hơn trong việc ngăn ngừa tài xế sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy…, ông Quản đề xuất phải đẩy mạnh hậu kiểm; đồng thời quy định rõ việc bắt buộc tài xế phải có giấy chứng nhận đã qua tập huấn, được đào tạo qua các lớp chuyên ngành, đủ điều kiện sức khỏe thì mới được hoạt động.

Đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng lâu nay, việc kiểm tra sức khỏe tài xế còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hầu hết các địa phương, lực lượng CSGT đều không có đủ thiết bị để xác định tài xế có sử dụng ma túy hay không nên rất khó xử lý.

Để nâng cao hiệu quả của công tác này, đại diện Cục CSGT đề nghị phải tăng cường sự kiểm soát của CSGT. Trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe cũng phải sàng lọc học viên ngay từ đầu vào. Bên cạnh đó, thông qua những đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, đột xuất, phải kịp thời phát hiện, sa thải, xử lý những tài xế nghiện ma túy, chất kích thích gây nguy hiểm, tiềm ẩn xảy ra TNGT. Chỉ có làm mạnh tay thì mới mong giảm bớt TNGT do chính giới tài xế gây ra.

Theo ông Khuất Việt Hùng, cần đúc kết những thành công, bất cập, vướng mắc để sắp tới đây triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động kiểm tra sức khỏe tài xế đi vào nền nếp, duy trì thường xuyên. Trên cơ sở đó, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo chung, yêu cầu các địa phương, các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung vào xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn.

"Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo các địa phương trong những tháng này tập trung tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra ma túy trong máu, nước tiểu của đội ngũ tài xế. Trước tiên, tập trung vào lái xe khách và container để phát hiện, ngăn chặn những người điều khiển phương tiện có dương tính với ma túy dẫn đến nguy cơ gây TNGT" - ông Hùng nhấn mạnh.

Nhiều nước siết quy định với tài xế xe tải

Hiệp hội Xe tải - một tổ chức của các công ty vận tải lớn nhất ở Mỹ - đang thúc đẩy quốc hội nước này thông qua yêu cầu bắt buộc mọi ứng viên tài xế xe tải phải xét nghiệm nang tóc (chân tóc) thay vì chỉ xét nghiệm nước tiểu như quy định hiện hành. Nếu tài xế sử dụng ma túy, chỉ qua vài giờ sau thì xét nghiệm nước tiểu đã không thể phát hiện được. Trong khi đó, xét nghiệm tóc có thể xác định dấu hiệu chất cấm sử dụng từ 90 ngày trước. Giám đốc quản lý của Hiệp hội Xe tải Lane Kidd cho biết quốc hội Mỹ có kế hoạch công bố dự luật yêu cầu xét nghiệm mẫu tóc đối với tài xế xe tải. Ông cho biết thêm hãng J.B.Hunt, một thành viên của hiệp hội, đã từ chối 5.000 ứng viên kể từ năm 2006. Những người này không vượt qua xét nghiệm tóc dù trước đó xét nghiệm nước tiểu không phát hiện dấu hiệu sử dụng ma túy.

Bên cạnh thắt chặt quy trình kiểm tra đầu vào đối với các hãng vận chuyển tại Mỹ, Hiệp hội Xe tải cũng nỗ lực tăng cường công nghệ giám sát tài xế, trong đó có yêu cầu lắp đặt thiết bị ghi chép điện tử ELD một cách rộng rãi để giám sát sự tuân thủ đối với quy định về số giờ làm việc cũng như thời gian cần nghỉ ngơi của người điều khiển xe tải. ELD như một cuốn nhật ký điện tử ghi nhận số giờ làm việc của tài xế vốn đã là trang bị bắt buộc trên xe tải tại các nước châu Âu và một số quốc gia khác như Brazil, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Hàn Quốc hay Singapore.

T.Hằng

Tai nạn thảm khốc ở Long An: Tài xế container dương tính với ma túy

Cả hai lần xét nghiệm, tài xế Hiếu đều dương tính với chất ma túy và âm tính với các loại ma túy tổng hợp khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN